Phụ huynh lạc vào "ma trận" tư vấn ngành học cho con
Những ngày qua, các nội dung tư vấn hướng nghiệp tràn lan trên mạng xã hội TikTok gây ra sự hoang mang, bối rối cho học sinh. Một số phụ huynh học sinh cũng bị lạc vào "ma trận" này trong quá trình tìm hiểu để định hướng ngành học cho con trẻ.
Chị Đặng Thị Phượng (Hà Tĩnh) có con học lớp 12, nên nội dung chọn ngành nghề tương lai cũng là chủ đề khiến chị quan tâm. Hàng ngày, chị thường lên mạng để đọc, cập nhật các thông tin tuyển sinh của các trường đại học. Danh Thân - con trai chị Phượng, dự định sẽ theo học ngành quản trị kinh doanh của một trường đại học ở Hà Nội.
"Quản trị kinh doanh là mục tiêu mà con đã đặt ra ngay khi vừa lên lớp 12. Con lý giải rằng bản thân đã có sự tìm hiểu và cảm thấy yêu thích với ngành nghề này. Thế nên, người làm mẹ như tôi cũng thấy yên tâm khi con có thể tự lập trong cuộc sống.
Nhưng mấy ngày gần đây, con tỏ ra phân vân khi cả nhà hỏi về chuyện chọn ngành học.
Sau đó, con đưa cho tôi xem một đoạn video với nội dung giải thích: "Ngành quản trị kinh doanh rất chung chung, ra trường chỉ có 2 cơ hội nghề nghiệp là sales và marketing nhưng thực chất hiện giờ bạn muốn làm sales hay marketing thì học ngành nào cũng làm được".
Thấy con tần ngần mãi, tôi quyết định tìm hiểu kỹ càng hơn thông qua ứng dụng con đang dùng là TikTok. Song, càng tìm hiểu, tôi càng bắt gặp nhiều đoạn video với luồng nội dung hướng nghiệp không có sự đồng nhất, mỗi người nói một kiểu, thành ra tôi cũng bị phân tâm", vị phụ huynh kể.
Tương tự chị Phượng, chị Lê Thủy (Ninh Bình) cũng bày tỏ sự bối rối khi tìm đến sự tư vấn ngành học cho con thông qua TikTok. Chị Thủy mong muốn con gái sẽ theo học sư phạm để nối tiếp ước mơ cầm phấn còn dang dở của mình. Mặc dù cũng yêu thích ngành nghề này nhưng mấy ngày gần đây con gái chị lại khăng khăng "sư phạm là một trong những ngành dễ thất nghiệp nhất trong năm 2022 đó mẹ".
Khi chị hỏi nguồn thông tin này ở đâu thì cô con gái thản nhiên đưa đoạn video của một TikToker nói về những nghề dễ thất nghiệp, trong đó có sư phạm. Hai mẹ con chị Thủy phải nhờ đến sự tư vấn của một số thầy cô mới có thể "gỡ nút thắt" được.
Học sinh cần tỉnh táo để không dính "bẫy" truyền thông
Trao đổi với Dân trí, chuyên gia truyền thông xã hội Nguyễn Ngọc Long - Nhà sáng lập Truyền thông Trăng Đen đã có sự lý giải về thực trạng nêu trên.
Anh Long chia sẻ: "Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất khiến các nội dung hướng nghiệp tràn lan là do những nội dung ấy chưa từng có trên TikTok. Người sáng tạo nội dung sẽ nghiên cứu xem những chủ đề nào chưa có nhiều người làm thì họ sẽ thực hiện để thu hút lượt tương tác.
Ở đây, chúng ta hiểu rằng đối tượng người xem, người truy cập tổng thể của TikTok đa phần là người trẻ. Ngoài các nội dung về giải trí, ngôi sao, phim ảnh… thì họ cũng có sự quan tâm đến hướng nghiệp nên không quá khó hiểu khi nó trở thành trào lưu trên TikTok".
Theo anh Long, điều cần bàn cãi ở đây chính là chất lượng của các video tư vấn ngành học trên nền tảng TikTok. Dưới góc nhìn của người làm truyền thông, anh Long cho rằng, một bộ phận TikToker lấy mục đích câu tương tác để đưa ra các chủ đề mang tính "giật gân".
Theo đó, họ cố tình "định hướng dư luận" bằng cách tạo các nội dung gây tranh cãi và mang đậm cái nhìn chủ quan, chẳng hạn như: Top 5 công việc đừng bao giờ học hay ngành Quản trị kinh doanh bây giờ là lỗi thời…
Anh Long cho rằng, mỗi quyết định theo học ngành này hay từ bỏ ngành kia xuất phát từ chính người trong cuộc. Không ai sống thay cho cuộc đời của người khác, nên sẽ không thể thay ai đó ra quyết định hoặc hướng ai đó đi theo một lộ trình nào đó.
Để không dính vào "bẫy" truyền thông, trở thành công cụ "cày view" cho TikToker, phụ thuộc phần lớn vào bản thân học sinh. Đầu tiên, học sinh phải hiểu được điều bản thân thật sự muốn, sau đó nhìn nhận thẳng thắn vào năng lực của mình và tìm hiểu triển vọng của ngành nghề định theo đuổi. Từ đó, học sinh sẽ đưa ra được quyết định phù hợp với mình.
Giải thích sự nở rộ của nội dung tư vấn hướng nghiệp thời gian gần đây, anh Long cho biết thêm, ban đầu, định hướng của nền tảng này là khuyến khích những nội dung giải trí như biến hình, nhảy nhót, trang điểm... nhưng rồi sau đó, khi có sự xuất hiện của các định dạng video với thời lượng dài hơn thì nền tảng này mới hướng đến đối tượng người dùng có chiều sâu hơn. Các nội dung tư vấn nghề nghiệp cũng theo đó mà ra đời.
Nhà truyền thông này cũng đưa ra lời khuyên: "Khi cần sự tư vấn, bản thân người học cũng phải chọn lọc nguồn thông tin và xác minh tính chính xác của nó. Ngoài ra, cũng cần tìm hiểu được độ uy tín của người khởi phát ra thông tin đó.
Nhiều khi bản thân người làm video chưa có nhiều trải nghiệm, kinh nghiệm còn mỏng nên tất nhiên thông tin họ đưa ra cũng chưa thể có sức nặng được".