Loạn ‘thầy’ dạy giới tính, tiếng Anh, giảm cân ở TikTok

28/03/2023 22:00

Trên TikTok, “thầy” tiếng Anh bị tố dạy sai kiến thức, “chuyên gia” giảm cân chia sẻ phương pháp thiếu khoa học, người rao giảng về giáo dục giới tính không có bằng cấp chuyên môn.

Loan thay o TikTok anh 1

Với sự bùng nổ của video ngắn, nhiều người trẻ coi mạng xã hội là nơi có thể tìm kiếm câu trả lời cho tất cả mối quan tâm trong cuộc sống, từ mẹo trang điểm, công thức nấu ăn, bí quyết giảm cân, địa điểm đi chơi mới nổi đến phương pháp học tiếng Anh, bài học tài chính.

Đầu năm 2022, chiến dịch quảng cáo #TikTokTaughtMe được tung ra với khẩu hiệu “kiến thức khám phá trên TikTok là không giới hạn”. Các hashtag như #StudyTok thu về 10,1 tỷ lượt xem, trong khi #LearnOnTikTok, một trong số từ khóa phổ biến nhất TikTok, có tới 532,8 tỷ lượt xem.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của NewsGuard, tổ chức đánh giá độ tin cậy của các kênh tin tức và theo dõi thông tin sai lệch, 1/5 video trên TikTok về các chủ đề phổ biến chứa nhiều nội dung không đúng.

Dạo quanh TikTok có thể bắt gặp TikToker ở mọi lứa tuổi, nghề nghiệp, giới tính. Nhiều người cộp mác “thầy”, “chuyên gia” để dạy bảo, khuyên nhủ, chia sẻ về mọi vấn đề trong cuộc sống. Thực tế, một số không hề có bằng cấp, chuyên môn và truyền đạt không ít thông tin sai lệch.

Hỗn loạn

Gõ tìm kiếm từ khóa về cách giảm cân, các video hiện lên đầu kết quả đã cho thấy sự hỗn loạn.

Ví dụ, tài khoản có tên @ngavuica chia sẻ bản thân giảm 60 kg xuống còn 46 kg trong 6 tháng nhờ phương pháp cắt giảm tinh bột.

Trong khi đó, người dùng @mentorhuynh khẳng định mình từng loại bỏ hoàn toàn tinh bột và từ 54 kg hạ xuống còn 47 kg trong một tháng. Tuy nhiên, ngay sau đó, sức khỏe của cô suy giảm rõ rệt, bị tăng cân trở lại mất kiểm soát. Tài khoản @huynhngan23072000 cũng cho biết một bát cơm chỉ chứa 100 calo. Do đó, nhịn cơm để giảm cân là không hiệu quả, mà cách đúng là ăn cơm đầy đủ và dùng thuốc giảm cân.

Giữa cả “rừng” video quảng cáo để bán trà hay sữa giảm cân, truy cập tài khoản của một người tự xưng là Dược sĩ Mỹ Lê (@mylegiamcan), với lời giới thiệu là boss sữa giảm cân, có thể thấy nhiều lời rêu rao bất nhất. Theo đó, “dược sĩ” này cho biết sản phẩm có tác dụng “giảm 16 kg trong 2 tháng”, lúc lại “giảm siêu nhanh 11 kg/tháng bất chấp mọi cơ địa”.

Ở 2 clip khác nhau, cùng một công thức đồ uống gồm hạt chia, nước nóng, sữa không đường và bột sữa tảo, người này khẳng định có thể “giảm 10 kg trong một tháng”, khi thì “bay 5 kg và mỡ trong 7 ngày”.

Một bí quyết giảm cân khác được nhiều TikToker lan truyền là uống cà phê. Thế nhưng, kiện tướng thể hình Phạm Bảo Long, người đang cung cấp mô hình giảm cân chuẩn y khoa, lại phản pháo đây là thông tin sai lệch. Anh khẳng định không có loại cà phê nào giúp giảm cân, mà chỉ bằng cách tập luyện đúng cách.

Ai cũng chắc nịch rằng phương pháp của mình là đơn giản, hiệu quả, có thể ép cân cấp tốc dù không có chứng cứ khoa học đi kèm. Một số thậm chí bị đánh giá là cực đoan như nhịn ăn liên tục, uống 5-7 quả chanh/ngày, uống nước ép trái cây thay ăn, uống ớt bột,... được cảnh báo là có thể ảnh hưởng đến các bộ phận trong cơ thể.

Bên cạnh đó, nhiều người tự xưng là PT đưa ra các bài tập khó nhằm đốt mỡ, giảm cân, nhưng với cường độ quá nặng, sai tư thế, có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người xem.

Thay vì tìm được thứ gì đó hữu ích, chỉ sau 10 phút lướt TikTok, thông tin từ các “chuyên gia” tự xưng đã đủ gây hoang mang, nhiễu loạn.

Người xem tự gánh hậu quả

Bên cạnh chăm sóc sức khỏe, nhu cầu học tiếng Anh cũng thu hút sự quan tâm trên TikTok do các video dạy ngắn, tiện lợi, dễ hiểu.

Tuy nhiên, không ít trường hợp “thầy” bị tố dạy sai kiến thức hay nghi vấn nói dối điểm IELTS. Trong số đó, @dungenglishspeaking, thầy giáo dạy IELTS tại Hà Nội thường được người xem “thử thách” chuyển ngữ các cụm từ tiếng Việt sang tiếng Anh, từng bị phản ứng khi dịch “chất xám” là “mindworks” hay “the jar is cold” nghĩa là “ế”.

Sau khi loạt TikToker chuyên làm nội dung về tiếng Anh khác lên video phản biện, chủ tài khoản này vẫn giữ nguyên quan điểm vì “rất nhiều người vẫn hiểu được”.

Trong một lần livestream, host của kênh @lapo.english, có hơn 900.000 lượt theo dõi chuyên chia sẻ video dạy tiếng Anh, bị bắt lỗi dịch sai câu đơn giản “Buôn Mê Thuột đang mưa to” thành “Buon Me Thuot is raining heavily”. Người “bóc phốt” @baotran.3087 cũng từng lên nhiều video nói rằng các TikToker như @jasminenguyen1998 hay @khatienganh không trung thực khi nói về trình độ tiếng Anh và điểm IELTS.

Tai hại hơn nữa, những kiến thức giáo dục giới tính (GDGT) được chia sẻ trên TikTok khiến nhiều người lo ngại. Theo đó, các video có tiêu đề đánh đúng tâm lý tò mò của đám đông như “Mấy cm là ổn?”, “Màn dạo đầu hoàn hảo”, “Cách để nàng lên đỉnh”.

Tuy nhiên, chị Hà Phạm, thạc sĩ tại Anh, chủ kênh về GDGT She Talks, từng nói với Zing nhiều kiến thức mà các cá nhân tự nhận là sex educator (người dạy GDGT) ở Việt Nam chia sẻ cho thấy lầm tưởng về GDGT. Thực tế, đó không phải chỉ về quan hệ tình dục, kỹ năng làm tình mà là kiến thức về cơ thể, yêu thương bản thân, nhận thức giá trị của bản thân, sự đồng thuận.

Những thứ mọi người đang hỏi và chia sẻ với nhau trên mạng chỉ là bề nổi, không giải quyết được vấn đề gốc rễ.

Theo nhiều chuyên gia, khi lướt TikTok, người dùng phải sẵn sàng chấp nhận thông tin sai, bởi các nhà tạo nội dung không chịu trách nhiệm về điều đó.

Thuật toán của nền tảng dựa trên những gì người dùng tìm kiếm để hiển thị kết quả mà không cần biết đúng hay sai. Nhiều trong số này không đến từ các tổ chức, cơ quan hoặc chuyên gia trong lĩnh vực tương ứng.

Theo đại diện TikTok, khi phát hiện các video sai sự thật, người dùng có thể nhấn giữ video và chọn mục báo cáo sai phạm và đội ngũ kiểm duyệt sau đó sẽ xem xét. Nếu bị xác định là có hại, chúng sẽ xóa khỏi nền tảng.

Thế nhưng, khi TikTok nhan nhản nội dung được các “chuyên gia giảm cân”, “bậc thầy sinh lý”, “CEO tài chính”, “thầy dạy làm giàu”, “huấn luyện viên tình yêu”,... lan truyền mà không được kiểm chứng, người xem vẫn phải chịu hậu quả lớn nhất.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Loạn ‘thầy’ dạy giới tính, tiếng Anh, giảm cân ở TikTok
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO