Hình ảnh đồ họa về tiểu hành tinh 2022 AP7. (Ảnh: anews.com/TTXVN)
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) mới đây cho biết cơ quan này không phát hiện nguy cơ xảy ra va chạm giữa các tiểu hành tinh với Trái Đất trong ít nhất 100 năm tới.
Thông tin trên được đưa ra trong Kế hoạch hành động và Chiến lược phòng thủ không gian mới được NASA công bố nhằm định hướng nỗ lực của cơ quan này trong thập kỷ tới.
Trong 30 năm qua, NASA đã tiến hành nghiên cứu các vật thể gần Trái Đất (NEO), bao gồm các tiểu hành tinh và Sao Chổi quay quanh Mặt Trời và nằm trong phạm vi 30 triệu dặm quanh quỹ đạo Trái Đất.
NASA cho biết việc nghiên cứu NEO sẽ giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về sự ra đời và hình thành của Hệ Mặt Trời, đồng thời giúp phát hiện các nguy cơ va chạm tiềm ẩn, do một số NEO di chuyển theo quỹ đạo có thể khiến chúng ở gần hơn với Trái Đất.
Theo NASA, các trọng tâm chính được đề ra trong kế hoạch phòng thủ bao gồm cải thiện các nỗ lực khảo sát, phát hiện và mô tả đặc điểm của NEO, phát triển và triển khai các giải pháp công nghệ nhằm giảm thiểu tác động tiềm ẩn của NEO, tương tự như đã áp dụng trong nhiệm vụ Thử nghiệm chuyển hướng tiểu hành tinh kép (DART) và thúc đẩy hợp tác quốc tế liên quan đến khảo sát và phòng tránh rủi ro liên quan NEO.
Theo quan chức NASA Lindley Johnson, một vụ va chạm giữa tiểu hành tinh và Trái Đất có thể gây hậu quả thảm khốc, song đây cũng là thảm họa tự nhiên duy nhất mà con người hiện có đủ công nghệ để phát hiện sớm và ngăn chặn hoàn toàn.
Việc công bố chiến lược của NASA nhằm củng cố các nỗ lực của cơ quan này trong 10 năm tới, đảm bảo hoạt động cả trong nước và quốc tế vì mục tiêu bảo vệ Trái Đất và lợi ích của nhân loại./.