Nghệ nhân Hoàng Anh Sướng (bìa phải) chụp ảnh lưu niệm cùng tỉ phú Bill Gates và bạn gái trên đỉnh Bàn Cờ.
Ngày 4-3, tỉ phú Bill Gates và bạn gái đến TP Đà Nẵng bằng chuyên cơ riêng. Họ lưu trú tại một resort sang trọng ở bán đảo Sơn Trà.
Nghệ nhân trà Việt Hoàng Anh Sướng đã buổi thiền trà đặc biệt cùng với tỉ phú Bill Gates và bạn gái trên đỉnh Bàn Cờ (Núi Sơn Trà, TP Đà Nẵng), diễn ra vào 17 giờ ngày 6-3.
Cách đó 2 ngày, trợ lý của tỉ phú Bill Gates đã bay ra Hà Nội, đến nhà nghệ nhân Hoàng Anh Sướng để trao đổi chi tiết về buổi thiền trà. Đây cũng là lần đầu tiên, nghệ nhân này tổ chức buổi thiền trà cho khách là tỉ phú Mỹ.
Nhắc lại buổi thiền trà với tỷ phú Bill Gates và bạn gái của ông - bà Paula Hurd, nghệ nhân Hoàng Anh Sướng rất vui cho biết, tỷ phú Bill Gates rất bận nhưng khi đến Việt Nam, ông đã lựa chọn thiền trà, thưởng thức trà đạo Việt Nam.
Theo lịch đặt trước, tỷ phú Bill Gates và bạn gái của ông sẽ dành 1 tiếng để nghe nghệ nhân Hoàng Anh Sướng giới thiệu về trà Việt, cách pha trà, thưởng trà và thiền trà. Thế nhưng, hai vị khách đã bị cuốn hút và quá giờ buổi thiền trà đến 20 phút. Cả hai vị khách đều mê đắm trong hương trà Việt Nam.
Không gian thưởng trà đặc biệt trên đỉnh Bàn Cờ.
Chén trà đầu tiên nghệ nhân Hoàng Anh Sướng mời tỷ phú Bill Gates và bà Paula Hurd là trà Tân Cương (Thái Nguyên) ướp hoa sen. Cả hai uống cạn rất nhanh. Nghệ nhân Hoàng Anh Sướng kể lại: "Thường thì người phương Tây quen uống trà đen, vị nhạt nên sau khi mời chén trà Tân Cương, tôi hỏi tỷ phú Bill Gates và bà Paula Hurd có thấy trà quá đậm không? Tuy nhiên, tôi rất bất ngờ vì cả hai không thấy trà quá đậm, mà rất ngon. Bà Paula Hurd còn chia sẻ, ở nhà bà ấy cũng hay uống trà xanh".
Hơn 20 năm làm trà và truyền bá văn hóa trà Việt Nam, nghệ nhân Hoàng Anh Sướng đã đi hầu khắp các tỉnh, thành và nhiều nước trên thế giới, tổ chức nhiều buổi thiền trà cho đủ các tầng lớp: Chính trị gia, các bậc tu hành, doanh nhân, văn nghệ sĩ, trí thức, học sinh, sinh viên… trong và ngoài nước. Trong đó, có những buổi đặc biệt quan trọng, nghệ nhân Hoàng Anh Sướng tổ chức cho một số nguyên thủ quốc gia, các trà sư nổi tiếng của Nhật Bản, Trung Quốc. Tất cả các buổi thiền trà này đều có trà Thái Nguyên.
Theo nghệ nhân Hoàng Anh Sướng: "Sở dĩ tôi chọn trà Thái Nguyên trong những buổi thiền trà đó vì Thái Nguyên là vùng trà nổi tiếng. Nhắc đến trà Việt Nam thì vùng trà đầu tiên chúng ta nhắc đến là trà Thái Nguyên và nhắc đến trà Thái Nguyên thì bao giờ chúng ta cũng hay nhắc đến vùng trà Tân Cương. Trà Tân Cương nói riêng và Thái Nguyên nói chung sở dĩ chinh phục được người thưởng trà bởi vì có 2 thứ đặc biệt. Một là hương rất thơm. Trà Tân Cương thơm mùi cốm non. Thứ hai là hậu vị ngọt bền. Hậu vị này không phải vùng trà nào cũng có được. Trà Thái Nguyên cũng rất sạch, được trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn hữu an toàn, hữu cơ. Đó là lý do tại sao trong tất cả các cuộc thiền trà, tiếp các nguyên thủ quốc gia, hay những người nổi tiếng, tôi đều sử dụng trà Thái Nguyên".
Thực hiện đề án “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2019 -2025” (Đề án OCOP), đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 121 sản phẩm trà được chứng nhận OCOP, trong đó 1 sản phẩm đạt 5 sao và 120 sản phẩm đạt 3-4 sao. Tỉnh cũng chú trọng xây dựng thương hiệu trà gắn với các sản phẩm du lịch đặc trưng, thế mạnh.
Ở Thái Nguyên ngày nay có bốn vùng trồng trà (chè) nổi tiếng là: Tân Cương (TP. Thái Nguyên), La Bằng (Đại Từ), Trại Cài (Đồng Hỷ) và Khe Cốc (Phú Lương), được mệnh danh là “Tứ đại danh trà” đất Thái Nguyên. Đây chính là các vùng nguyên liệu để sản xuất ra những sản phẩm chè đặc sản nổi tiếng và đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Thường mỗi gia đình ở đây đều có vườn chè và lò sấy riêng. Chủ hộ đóng rất nhiều vai: Người nông dân cần cù khi trồng và chăm sóc cây chè, người công nhân giỏi khi chế biến và một thương nhân khi bán hàng. Mỗi một vùng, mỗi một nhà đều có hương vị trà khác nhau với các bí quyết riêng.
Đặc biệt, sản phẩm chè Tân Cương đã được chọn vào Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam, vùng chè đặc sản Tân Cương được vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - “Tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương”.
Như được kết duyên gặp người, gặp đất, cây chè ở đây phát triển tốt. Trong lần tham gia đấu xảo đầu tiên tại Hội chợ Thương mại Hà Nội năm 1935, trà Tân Cương lấy tên “Cánh Hạc” đã đoạt giải Nhất. Hương trà thơm cứ vậy bay xa hơn làm đắm say người mê trà cả nước.
Ở Thái Nguyên, Lễ hội Trà Xuân bắt nguồn từ xóm Guộc, xã Tân Cương - nơi được coi là đất tổ của cây chè Thái Nguyên. Lễ hội độc đáo này được chính nhân dân xóm Guộc tổ chức hàng năm vào dịp đầu Xuân, với các hoạt động như thi pha trà mời khách, văn nghệ, tung còn, đánh đu, chọi gà, đấu võ, bình thơ…
Sau này, Lễ hội được nâng quy mô thành Lễ hội Chè xuân Tân Cương với nhiều nội dung đặc sắc hơn, như trình diễn pha trà, mời trà. Dần dần, hoạt động văn hóa này được nhân rộng ra các vùng chè trong tỉnh, là nét văn hoá đặc trưng của tỉnh Thái Nguyên.