Loại quả đầy chất bổ nhưng tối kỵ với người bệnh thận

23/12/2023 19:00

Người mắc bệnh thận ăn nhiều chuối có thể bị tăng kali máu dẫn tới các triệu chứng khó thở, tim đập nhanh, buồn nôn, nôn.

Chuối không chỉ tiện lợi và thân thiện với ví tiền mà còn chứa đa dạng chất dinh dưỡng và chất xơ, vì vậy có rất nhiều lý do để mọi người yêu thích loại quả này. Theo Healthline, chuối không chứa chất béo và cholesterol đồng thời chứa nhiều vitamin C, B6, chất dinh dưỡng thực vật, chất chống oxy hóa.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), một quả chuối cỡ trung bình chứa 422mg kali. Đây là chất điện giải thiết yếu, rất quan trọng để giữ mức chất lỏng trong cơ thể chúng ta cân bằng và đảm bảo cơ bắp, dây thần kinh hoạt động tối ưu.

Nhưng điều đó đồng nghĩa chuối có thể gây ra vấn đề khi ăn quá mức, đặc biệt đối với những người cần hạn chế hấp thụ kali bao gồm các ca mắc bệnh thận.

Một trong những vai trò chính của thận là điều hòa nồng độ kali trong cơ thể. Thận bị tổn thương không thể hoạt động bình thường, khiến kali tích tụ trong máu. Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, tăng kali máu có thể gây ra các vấn đề như rối loạn nhịp tim đe dọa tính mạng, tê liệt và yếu cơ.

Loại quả đầy chất bổ nhưng tối kỵ với người bệnh thận-1
Chuối có nhiều tác dụng nhưng không nên ăn quá nhiều. Ảnh: Mayoclinic

Tác động của bệnh thận 

Thận là cơ quan nội tạng có hình như hai hạt đậu, kích thước bằng nắm tay. Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, thận lọc chất thải dư thừa trong máu và tạo ra nước tiểu.

Bệnh thận có thể cấp tính hoặc mạn tính. Tổn thương thận cấp tính là tình trạng tạm thời, thường do bệnh tật hoặc chấn thương gây ra, làm gián đoạn chức năng thận. Trong khi đó, bệnh thận mạn tính liên quan đến tổn thương thận vĩnh viễn và có thể dẫn đến suy giảm chức năng lâu dài.

Ví dụ về tổn thương thận ngắn hạn là viêm thận kẽ - tình trạng phát sinh khi một số loại thuốc cản trở khả năng của thận và viêm bể thận do nhiễm trùng đường tiết niệu lan lên thận.

Bệnh thận mạn tính bao gồm các tình trạng làm suy giảm dần chức năng thận. Bệnh thận đa nang - một rối loạn di truyền, gây ra các u nang làm gián đoạn quá trình lọc của thận, có khả năng trở nên trầm trọng hơn theo thời gian. Viêm thận lupus - bệnh tự miễn dịch, dẫn đến tổn thương thận vĩnh viễn.

Bệnh thận và kali

Một trong các vai trò của thận là điều hòa cân bằng nội môi kali, hay lượng kali được hấp thụ và bài tiết khỏi cơ thể qua máu.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ nhấn mạnh rằng bệnh thận mạn tính đồng nghĩa thận bị tổn thương đến mức không thể lọc máu như bình thường nữa. Điều này dẫn đến tích tụ chất thải và chất lỏng dư thừa trong cơ thể, tăng kali máu.

Tổ chức Thận Quốc gia Mỹ thông tin tăng kali máu thường ít có triệu chứng đáng chú ý. Các biểu hiện có thể bắt đầu từ từ, phát triển dần sau nhiều tuần hoặc nhiều tháng.

Tuy nhiên, tăng kali máu cũng có thể xảy ra đột ngột và nghiêm trọng, gây nguy hiểm đến tính mạng. Trong những trường hợp như vậy, người bệnh gặp các triệu chứng cấp tính bao gồm khó thở, tim đập nhanh, buồn nôn, nôn và đau ngực.

Tăng kali máu có thể là kết quả của chế độ ăn nhiều thực phẩm giàu kali, như chuối, ở những người bị tổn thương thận. CDC Mỹ giải thích nhiều trường hợp không biết mắc bệnh thận mạn tính. Cách chính xác để chẩn đoán là thông qua các xét nghiệm đánh giá lượng protein trong nước tiểu và nồng độ creatinin trong máu.

Theo Vietnamnet

Theo 2sao.vn
https://2sao.vn/loai-qua-day-chat-bo-nhung-toi-ky-voi-nguoi-benh-than-n-366699.html
Copy Link
https://2sao.vn/loai-qua-day-chat-bo-nhung-toi-ky-voi-nguoi-benh-than-n-366699.html
Bài liên quan
  • Quả chuối mua về có cần rửa?
    Nhiều người cho rằng chuối mua về không cần rửa vì lớp vỏ dày giúp đảm bảo an toàn, nhiều người khác lo ngại tình trạng chuối ngâm hóa chất, vậy nên rửa hay không?
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Loại quả đầy chất bổ nhưng tối kỵ với người bệnh thận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO