Ninh Bình vốn nổi tiếng với nhiều đặc sản trứ danh như dê núi, cơm cháy ruốc, miến lươn,... nhưng có một món tuy dân dã từ nguyên liệu đến cách chế biến mà không phải ai cũng biết đó là món cá kho gáo.
Cái tên món ăn này dễ gây hiểu lầm rằng cá được kho trong cái gáo. Tuy nhiên, đây lại là một loại quả dại, thường mọc ở khe sông suối.
Quả gáo hình tròn, vỏ ngoài khá sần sùi, nhìn qua nhiều người lầm tưởng đây là trái chôm chôm non, nhưng khi xẻ ra bên trong ruột lại vàng ươm trông như trái dứa.
Lúc quả xanh, gáo có vị hơi chát nhưng khi chín ăn có vị chua chua ngọt ngọt đặc trưng.
Gáo có thể ăn sống, chấm với muối ớt, là món ăn vặt nhiều chị em ưa chuộng.
Chị Hoàng Quyên (ở Tp.Ninh Bình) chia sẻ: "Ở quê tôi, cây gáo mọc nhiều lắm. Trước đây, nó mọc hoang ở khe suối hoặc chân đồi, nhiều nhà mang về trồng làm hàng rào vừa để làm cảnh lại lấy quả để làm món cá kho. Hồi đó, trái gáo là một thứ quả quê dân dã, không ai mang ra bán ở chợ mà đi đâu cũng có thể hái được.
Gáo để kho cá phải chọn quả còn tươi vừa chín đến, sau đó rửa sạch từng quả rồi xắt mỏng thành từng lát. Xếp gáo dưới đáy niêu rồi lần lượt thêm một lớp cá, lại một lớp gáo xen kẽ, nêm nếm gia vị là có thể bắc lên bếp để kho. Kho đến khi gần cạn nước là được, càng nấu lâu thịt cá càng mềm và đậm đà hương vị.
Cá kho gáo sẽ có màu đẹp, thịt cá săn chắc, mềm và thơm, khác hẳn với các món cá kho khế hay sấu. Món này tuy đơn giản nhưng khi đưa cơm, đến giờ mỗi lần về quê, tôi đều nhờ mẹ nấu món này để nhớ lại hương vị của ngày xưa, thời còn nghèo khó".
Trước kia, loại quả này được ít người ăn. Gần đây, thứ quả quê này đã được biết tới nhiều hơn, người dân thành phố tìm mua quả gáo về thưởng thức.
Vào khoảng tháng 9 hàng năm là thời gian có nhiều tiểu thương gom bán trái gáo nhất.
Trên chợ mạng và chợ chung cư, nhiều người bán trái gáo với giá 100.000-120.000 đồng/kg. Những người bán quả gáo cho biết hàng có đến đâu khách đặt hết đến đó.
Không chỉ quả gáo, các bộ phận khác của cây gáo cũng có nhiều lợi ích. Theo nghiên cứu, vỏ thân cây gáo có tác dụng bổ dưỡng và hạ nhiệt.
Vỏ cây được dùng làm thuốc hạ sốt với liều 10 – 16g dưới dạng thuốc sắc. Có thể dùng gỗ cây gáo thái mỏng và sắc giống như vỏ cây.
Ở Tiên Yên (Quảng Ninh), người dân dùng vỏ gáo trị bệnh sốt rét, xơ gan cổ trướng trong bài thuốc sau: Vỏ Gáo phối hợp với cỏ xước, cỏ sữa lá to, mỗi vị 10g. Sắc thuốc uống trong ngày.
Ngoài ra, cây gáo còn được người dân các nước dùng làm thuốc:
Tại Campuchia, vỏ gáo được sử dụng làm thuốc giảm đau ở vùng Siem Reap.
Ở Philippines, bột vỏ Gáo dùng để bôi vết loét. Nước sắc trị các vết thương, đau răng, tiêu chảy.
Ở New Guinea, nước ngâm vỏ Gáo trị đau dạ dày.
Ở Ấn Độ, vỏ của cây gáo lại được sử dụng để trị rắn cắn. Ngoài cây gáo thì cây ba chẽ cũng là một vị thuốc hữu hiệu điều trị khi bị rắn cắn.
Lưu ý, tuy có nguồn gốc từ thiên nhiên nhưng gáo có chỉ định, chống chỉ định và tác dụng phụ. Mọi người không nên tự ý sử dụng hoặc nghe theo bài thuốc kinh nghiệm. Nếu muốn sử dụng hãy đến gặp bác sĩ để hiểu rõ tình trạng cơ thể và tham vấn ý kiến.
Theo Người Đưa Tin