Nhện từ lâu đã được biết đến với khả năng sử dụng tơ của chúng để tạo nên mạng nhện hoặc các cấu trúc khác, có chức năng như lưới để bắt giữ côn trùng.
Tuy nhiên, việc tiếp tục sử dụng các côn trùng bắt được làm "mồi nhử" để dụ thêm những nạn nhân khác ở nhện là một điều hiếm gặp.
Trong một nghiên cứu mới, các nhà khoa học tại Đại học Nông nghiệp Hoa Trung (Trung Quốc) cho biết loài nhện có tên khoa học Araneus ventricosus bắt đom đóm đực, nhưng không lập tức ăn thịt chúng.
Thay vào đó, nhện sử dụng đom đóm như "tín hiệu thu hút bạn tình", nhằm dụ thêm nhiều đom đóm cái, hoặc những loài côn trùng khác lui tới do hiếu kỳ.
Để làm điều này, con nhện tiến tới con đom đóm đực bị mắc vào lưới, và thực hiện một vài động tác đặc biệt giống như đang cắn và quấn lấy nó.
Đối với những con mồi không phát sáng, nhện không sử dụng chuỗi thao tác nêu trên.
Các nhà nghiên cứu tin rằng có điều gì đó trong vết cắn, nhiều khả năng là chất độc hoặc chất dẫn truyền thần kinh, đã thay đổi kiểu tín hiệu bên trong đom đóm.
Hệ quả là những con đom đóm bị thao túng không phát ra "tín hiệu cầu cứu", mà là một "tín hiệu giả", có tần suất tương tự như tín hiệu mà chúng sử dụng để thu hút bạn tình.
Các nhà nghiên cứu cho biết, điều này sẽ có lợi hơn cho nhện, vì tín hiệu mời gọi mà "chiếc đèn lồng" phát đi sẽ có hiệu quả tốt hơn trong việc thu hút đồng loại của chúng so với những lời kêu cứu.
"Dựa trên các quan sát thực địa sâu rộng, chúng tôi nhận thấy nhện Araneus ventricosus khiến những con đom đóm đực bị mắc kẹt phát ra các tín hiệu phát quang sinh học, từ đó thu hút thêm những con đom đóm khác", nhà côn trùng học Xinhua Fu, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết.
Đây không phải giống nhện duy nhất biết cách sử dụng "con rối". Loài nhện tơ thuộc chi Cyclosa cũng biết tạo ra mồi nhử từ xác côn trùng đã chết và mảnh vụn từ môi trường tự nhiên. Tuy nhiên, động thái này nhằm ngăn chặn những kẻ đi săn thay vì dụ dỗ con mồi.