Loại gia vị ai ngửi thấy mùi cũng tránh xa, nhưng làm nóng cơ thể cực tốt trong mùa rét

15/12/2022 09:36

TS Ngô Đức Phương hướng dẫn mỗi sáng lấy 1-2 thìa rượu tỏi, hòa với cốc nước uống sẽ giúp làm ấm cơ thể, phòng và chữa được nhiều bệnh trong mùa đông giá rét.

Tỏi là một loại thức ăn phổ biến, trong bếp nhà ai cũng có dùng để ăn sống, nước chấm gia vị, lấy dầu, xào nấu, ngâm rượu,... tuy nhiên, không phải ai cũng ăn được loại gia vị có mùi “khó ngửi” này.

Mặc dù là thực phẩm kén người dùng, nhưng tỏi lại được mệnh danh là thực phẩm kháng sinh siêu hữu ích với con người.

Theo đó, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỏi có thể giúp tránh bệnh cảm cúm trong mùa đông. Không chỉ làm nóng cơ thể mà tỏi còn có khả năng làm giảm nồng độ cholesterol, tránh được các bệnh về tim mạch hay đột quỵ.

Với những người bị mắc bệnh về đường hô hấp như viêm phế quản hay hen suyễn,... thì tỏi cũng là vị thuốc vô cùng hiệu quả.

TS. Ngô Đức Phương, Viện trưởng Viện thuốc nam cho biết, trong tỏi có 3 hoạt chất chính: allicin, liallyl sulfid và ajoen.Trong đó, allicin là hoạt chất mạnh nhất và quan trọng nhưng nó lại không hiện diện rõ ràng trong tỏi.

Allicin được tạo ra khi chất alliin tiếp xúc với enzym alliinase khi tỏi được nhai, bằm nhỏ hay được nghiền nát và là thành phần tạo mùi đặc trưng của tỏi (Alliin và enzym alliinase tồn tại trong những tế bào riêng biệt, khi tỏi chưa bị thái hoặc bằm ra), do đó, càng cắt nhỏ hoặc càng đập nát, hoạt tính của tỏi càng cao.

Tỏi là 'thần dược' cho mùa đông lạnh giá

Allicin là một chất không bền, dễ biến chất sau khi được tạo ra. Vì vậy, tỏi đập dập rồi nên sử dụng ngay vì càng dể lâu, chất allicin càng mất bớt hoạt tính. Hàm lượng allicin trong tép tỏi tươi sau khi giã nát một phút đã đạt 63%, nhưng sau 30 phút tiếp xúc với không khí chỉ còn 39% do chuyển hóa thành diallyl disulfide, vinydithiin, afoen. Đun nấu sẽ đẩy nhanh quá trình mất chất này.

Vì vậy, TS Ngô Đức Phương cho biết, để tận dụng được hoạt tính allicin trong tỏi chúng ta nên cắt nhỏ hoặc đập nát tỏi càng nhiều càng tốt, không nên để nguyên cả củ tỏi khi xào nấu.

Một kg tỏi có thể cho ra từ 1 – 2g allicin. Allicin được xem là chất kháng sinh tự nhiên rất mạnh, mạnh hơn cả penicillin. Nước tỏi pha loãng 125.000 lần vẫn có dấu hiệu ức chế nhiều loại vi trùng gram âm và gram dương như Staphylococcus, Streptococcus, Salmonella, V. cholerae, B. dysenteriae, Mycobacterium tuberculosis.

Tỏi cũng ức chế sự phát triển của nhiều loại siêu vi như siêu vi bại liệt, cúm và một số loại nấm gây bệnh ở da hoặc bộ phận sinh dục nữ như Candida.

Với công dụng tuyệt vời của tỏi, TS Ngô Đức Phương cho biết, nhiều người khi bị cảm cúm, rối loạn tiêu hóa thường vẫn dùng tỏi để ăn giúp giải cảm, cúm, chống rối loạn tiêu hoá. Đây cũng chính là lý do khi dịch Covid-19 bùng phát ở nước ta thì cùng với gừng, chanh, xả… tỏi cũng trở nên khan hiếm.

Ngoài ra, tỏi còn được dùng trong y học làm thuốc phòng và chữa rắn độc cắn (trong sách Y học phổ thông nói đến dùng tỏi kết hợp với vị thuốc Hùng hoàng làm thành viên để mang theo dự phòng rắn độc cắn - khi bị cắn thì uống).

Người dân miền núi ở nhiều nơi thường có thói quen mang theo tỏi vào rừng vừa giúp đuổi tà ma, đuổi rắn và cũng dùng để xử lý khi bị rắn độc cắn (nhai nuốt nước, bã đắp vào vết cắn).

Đặc biệt, vào mùa đông, rượu tỏi vô cùng hữu ích. TS Ngô Đức Phương hướng dẫn mỗi sáng lấy 1-2 thìa rượu tỏi, hòa với cốc nước uống sẽ giúp làm ấm cơ thể, phòng và chữa được nhiều bệnh.

Tuy nhiên, chuyên gia cũng lưu ý một số trường hợp không nên ăn tỏi. Đó là người đang mắc các bệnh về mắt. Bởi loại củ này có một phần thành phần gây kích thích màng nhầy và mô kết mạc của mắt nên những người thị lực yếu và đang mắc các bệnh về mắt được khuyến cáo nên hạn chế ăn tỏi.

Người huyết áp thấp cũng nên hạn chế tỏi. Lý do là bởi tiêu thụ tỏi nhiều thường làm giảm huyết áp, thậm chí đến mức nguy hiểm.

Đặc biệt, nếu ăn tỏi mà thấy các dấu hiệu như ợ nóng, đầy hơi... thì rất có thể bạn đã bị dị ứng với tỏi, tốt nhất nên ngưng ăn loại gia vị này.

Về hướng xử lý mùi hôi sau ăn tỏi, TS Ngô Đức Phương hướng dẫn bạn có thể dùng nước trà đặc (uống, ngậm, súc), lạc, lá bạc hà, nước chanh, cốc sữa tươi, nước muối, kẹo cao su, banking soda, hoặc các loại tinh dầu… để át mùi.

N. Huyền

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Loại gia vị ai ngửi thấy mùi cũng tránh xa, nhưng làm nóng cơ thể cực tốt trong mùa rét
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO