Chim mũ mào vàng (tên khoa học: Prionops alberti) là loài đặc hữu, sống ở các khu rừng rậm thuộc Cộng hòa Dân chủ Congo. Thế nhưng, điều đáng nói là loài chim này đã không còn được nhìn thấy trong tự nhiên suốt hàng thập kỷ, dẫn đến lo ngại rằng chúng có thể đã tuyệt chủng.
Tuy nhiên gần đây, một nhóm các nhà khoa học do TS. Michael Harvey dẫn đầu đã bất ngờ chụp được bức ảnh đầu tiên về chim mũ mào vàng sau gần 20 năm.
Điều này được xem là một phát hiện mang tính bước ngoặt, vì chim mũ mào vàng hiện vẫn nằm trong danh sách các loài nguy cấp, bị đe dọa, do tổ chức Bảo tồn Quốc tế (CI) quy ước.
Theo TS. Harvey, điều này cũng khơi dậy hy vọng rằng có lẽ loài này vẫn còn một quần thể khỏe mạnh ở bên trong những khu rừng hẻo lánh. Trong cuộc thám hiểm, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy tổng cộng 18 cá thể chim mũ mào vàng ở 3 địa điểm khác nhau.
Những bức ảnh sau đó đã được xác nhận bởi TS. Cameron Rutt, người đứng đầu Dự án Tìm kiếm Chim lạc tại Cơ quan Bảo tồn Chim Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đặc biệt lo ngại về tương lai của chim mũ mào vàng nói riêng, và các loài chim mới được phát hiện gần đây nói chung do mối đe dọa bị mất môi trường sống.
Nguyên nhân đến từ sự đẩy mạnh phát triển của nông nghiệp, cũng như khai thác mỏ tại các quốc gia trong khu vực. Ngoài ra, tác động từ biến đổi khí hậu cũng đóng một vai trò to lớn. Danh sách đỏ của IUCN cho thấy loài này sẽ mất hơn 90% phạm vi phân bố do biến đổi khí hậu vào năm 2080.
"Nạn khai thác gỗ cũng như phá rừng để làm nông nghiệp đang tàn phá sâu vào các khu rừng của dãy Itombwe", TS. Harvey cho biết. "Chúng tôi đang bàn luận với các tổ chức bảo tồn để nỗ lực hơn nữa, nhằm bảo vệ các khu rừng và loài chim mũ mào vàng trong khu vực".
Đây không phải loài đầu tiên được phát hiện trở lại gần đây. Ở Nam Phi, người ta đã nhìn thấy chuột chũi vàng bơi qua những cồn cát lần đầu tiên sau 80 năm.
Trong khi đó ở châu Âu, các nhà bảo tồn cũng lần đầu tiên phát hiện một con nhện nhảy vòi còn sống ở Bồ Đào Nha kể từ những năm 1930.