Trên thế giới luôn tồn tại vô số những điều bí ẩn, đặc biệt nhất phải là những căn bệnh kỳ quái, ảnh hưởng trực tiếp đến con người chúng ta. Đa phần nguyên nhân gây bệnh đều đến từ những lý do khách quan như biến đổi gen hoặc từ môi trường. Nhưng với riêng loại bệnh lạ này, nó lại bắt nguồn từ hủ tục kỳ lạ của một bộ tộc xa xưa...
Căn bệnh lạ lùng từ một bộ tộc xa lạ
Theo các dữ liệu ghi lại, hầu như không một ai biết trên vùng cao nguyên Papua New Guinea có người sống. Mãi đến năm 1930, khi các nhà khai thác vàng của Úc đặt chân lên mới phát hiện rằng có đến một triệu người đang sinh hoạt, hầu như đều là tập hợp của những bộ tộc khác nhau.
Khoảng 20 năm sau, các nhà nghiên cứu đã quyết định đến đó để tìm hiểu về đời sống cũng như văn hóa của người bản địa. Tuy nhiên, đập vào mắt họ chính là một loại bệnh kỳ lạ của tộc Fore với dân số 11.000 người. Mỗi năm có tới 200 người chết tại đây nhưng nguyên nhân đằng sau vẫn không được tìm ra.
Các dấu hiệu đầu tiên là cơ thể người bệnh suy nhược trong thời gian ngắn, toàn thân run rẩy và không thể đứng lên được. Lâu dần, mọi thực phẩm ăn vào đều khiến bệnh nhân buồn nôn và cáu gắt, họ thường xuyên nghiến răng và lẩm bẩm một mình. Thậm chí là cười một cách mất kiểm soát cho tới khi kiệt sức.
Từng ngày trôi qua mà không có thuốc chữa, người mắc bệnh đã quay ra tấn công và cắn xé luôn người chăm sóc, luôn thấy khó chịu với âm thanh hay tiếng nói của người thân. Vào giai đoạn cuối cùng, các nạn nhân xấu số sẽ nằm mê man và chết ngay sau đó ít giờ.
Ban đầu, bệnh chỉ xuất hiện nhỏ lẻ trên vài người trong khoảng những năm 1950. Tuy nhiên chỉ sau 3 năm, bệnh này đã bùng phát mạnh trên diện rộng, tỷ lệ lây nhiễm rất lớn khiến 1000 người mắc phải. Họ đều cười như điên dại rồi chết một cách đầy bí ẩn. Kỳ lạ là bệnh chủ yếu xuất hiện ở phụ nữ và trẻ em, rất ít thấy ở nam giới trưởng thành.
Các nhà khoa học khi biết chuyện đã tiến hành nghiên cứu, phân tích từng mẫu vật trên đảo. Họ thật sự bế tắc khi không hề phát hiện bất kỳ mầm bệnh nào trong cơ thể bệnh nhân, thức ăn, nước uống hay không khí… Mọi nỗ lực giải mã bí ẩn loại bệnh này dần đi vào ngõ cụt và trở thành dấu hỏi lớn.
"Vén màn" bí ẩn nhờ vị giáo sư thiên tài
Mãi cho tới khi vị bác sĩ Michael Alpers người Úc tham gia nghiên cứu, mọi sự mới dần sáng tỏ. Vào giữa thập niên 1960, ông bắt đầu thu thập và khám nghiệm tử thi, sau đó lây mô não từ một bé gái 11 tuổi đã qua đời vì căn bệnh lạ này.
Tiếp theo, Michael tiêm mẫu não đó vào cơ thể của 2 con tinh tinh khác nhau. Chỉ trong 2 năm, những con tinh tinh này đều dần điên loạn và mất kiểm soát, cuối cùng chết hệt như những người mắc bệnh. Điều này đã giúp ông kết luận rằng, mầm bệnh được lưu giữ tại não của nạn nhân.
Tuy nhiên, y học ngày ấy lại không đủ khả năng để nhìn ra "thủ phạm" gây bệnh. Sau này khi các loại kính hiển vi hiện đại phát triển, các nhà khoa học đã tìm ra nguyên nhân chính là do prion – một cấu trúc vi sinh vật nhỏ hơn virus tới 100 lần. Đáng sợ hơn, chúng có khả năng chống lại tác động của môi trường và nhân bản rất nhanh, khiến người bệnh cứ vậy mà chết dần chết mòn trong tiếng cười.
Cách truyền nhiễm đáng sợ trong cộng đồng bộ tộc Fore
Sau khi phát hiện ra mầm bệnh, đương nhiên các chuyên gia cũng bắt đầu khám phá ra cách lây truyền bệnh từ người này sang người khác. Hầu như sau khi nghe xong, mọi người đều kinh hãi bởi nó xuất phát từ một hủ tục đáng sợ, đó chính là... ăn thịt người chết của bộ tộc Fore.
Cụ thể, trong tang lễ của tộc Fore, họ sẽ đem xác của người quá cố ra để những người đến viếng "thưởng thức". Những người đàn ông có vai vế lớn trong bộ lạc sẽ cùng nhau ăn chân, tay, thân và nội tạng của người chết. Chỉ có phụ nữ và trẻ em được ăn phần đầu – đặc biệt là não, cho nên mới có nguy cơ mắc loại bệnh này cao hơn hẳn người khác.
Hủ tục đáng sợ này được tổ tiên bộ tộc Fore tin rằng, nó sẽ giúp họ hấp thụ sức sống và sự may mắn của người đã khuất. Chính vì vậy, việc này đã kéo dài hàng trăm năm rồi sinh loại bệnh lạ kinh hoàng. Sau tất cả, y học thế giới đã đặt tên cho loại bệnh cười đến chết này – đó chính là bệnh Kuru.
Bệnh Kuru có dấu hiệu và cách điều trị hay không?
Như đã nói, bệnh nhân mắc Kuru thường sẽ khó cử động, khó nuốt, nói lắp, tâm tính thay đổi, co giật cơ, không thể cầm nắm đồ vật… nhất là cười hoặc khóc không thể kiểm soát. Bệnh sẽ xảy ra theo 3 giai đoạn chính như sau:
- Giai đoạn 1 thường là đau đầu và đau khớp, khá giống với đau mỏi thông thường nên người bệnh rất hay bỏ qua.
- Giai đoạn 2 sẽ khiến bệnh nhân không thể đi lại, cơ thể run rẩy và co giật không tự chủ, hệt như những bệnh liên quan đến thần kinh.
- Giai đoạn 3 là cuối cùng, người bệnh sẽ nằm liệt giường và mất dần khả năng nói. Họ cũng dễ bị sa sút trí tuệ và suy dinh dưỡng, cuối cùng là tử vong sau đó khoảng một năm do viêm phổi.
Hiện tại không có phương pháp điều trị thành công cho bệnh Kuru, bởi những prion gây bệnh sinh sản rất nhanh và rất khó tiêu diệt. Theo chuyên trang sức khỏe Healthline, não bị nhiễm prion vẫn có khả năng lây nhiễm ngay cả khi được bảo quản kín sau nhiều năm.
Sau khi chính phủ phát hiện ra, họ liền lập tức ban hành luật nhằm cấm hoàn toàn hủ tục này của bộ tộc Fore. Ngay sau đó, căn bệnh này được đẩy lùi và số lượng người bệnh dần ít đi. Tuy nhiên đến ngày nay, hủ tục kinh hoàng này vẫn được duy trì ở những nơi hẻo lánh, khiến cho bệnh Kuru tiếp tục xuất hiện mỗi năm tại Papua New Guinea.
Tổng hợp