THỦNG TẦNG OZONE NĂM 2021: LỚN NHẤT TRONG LỊCH SỬ ĐO ĐẠC
Ngày 16/9/2021, theo thông tin mới nhất từ các nhà khoa học thuộc Trung tâm Dịch vụ Giám sát Khí quyển Copernicus (CAMS) của Liên minh Châu Âu (EU) cảnh báo: Lỗ thủng tầng ozonephía trên Châu Nam Cực có diện tích lớn hơn cả lục địa băng giá này.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hơn 40 năm đo đạc, các nhà khoa học chứng kiến lỗ thủng tầng ozone khổng lồ, kỷ lục đến thế.
Theo nhận định của các nhà khoa học, lỗ thủng tầng ozone xuất hiện hàng năm. Sự khác biệt của mỗi năm đến từ kích thước của lỗ thủng tầng ozone đó, và riêng năm 2021 này, kích thước của nó đặc biệt lớn - 'bao trọn' cả lục địa Châu Nam Cực.
Khi ozone (O3) cạn kiệt, nó sẽ tạo ra một lỗ thủng phía trên Châu Nam Cực vào mùa xuân Nam Bán cầu - tức là từ tháng 8 đến tháng 10 hàng năm. Lỗ thủng này thường đạt kích thước lớn nhất vàogiữa tháng 9 và giữa tháng 10, theo Copernicus.eu.
Sau khi tăng trưởng "đáng kể" trong tuần qua, lỗ thủng tầng ozone năm 2021 hiện lớn hơn 75% lỗ thủng tầng ozone của những năm trước ở cùng giai đoạn của mùa kể từ năm 1979 và hiện lớn hơn cả lục địa mà nó bao phủ.
Vincent-Henri Peuch, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Giám sát Khí quyển Copernicus, cho biết: "Năm 2021, lỗ thủng tầng ozone đã phát triển đúng như dự đoán của chúng tôi hồi đầu năm. Các cỗ thủng tầng ozone theo năm gần đây đều thể hiện sự bất thường. Năm 2020, lỗ thủng ozone cũng bắt đầu một cách bất thường vào tháng 9, rồi sau đó biến thành "một trong những lỗ thủng tầng ozone tồn tại lâu nhất trong hồ sơ dữ liệu của chúng tôi".
Tính đến ngày 17/9/2021, lỗ thủng tầng ozone này có diện tích khoảng 23 triệu km vuông, tức là lỗ thủng này có thể bao trùm cả Châu Nam Cực - lục địa có diện tích 14 triệu km vuông.
Hình minh họa lỗ thủng tầng ozone.
Trong những năm có điều kiện thời tiết bình thường, lỗ thủng tầng ozone thường phát triển đến diện tích tối đa khoảng 20,7 triệu km vuông.
Bất chấp những biến động tự nhiên này, các chuyên gia khí tượng của Copernicus dự báo: Lỗ thủng tầng ozone sẽ đóng lại vĩnh viễn vào năm 2060. Nghĩa là tầng ozone sẽ hoàn toàn phục hồi và không có lỗ thủng nào trong khoang 40 năm nữa.
Tầng ozone, nằm ở độ cao từ 14,5 km đến 35 km so với Trái đất, thuộc tầng bình lưu của hành tinh. Tầng ozone hoạt động như một lá chắn - giúp hấp thụ99% các bức xạ cực tím (UV) có hại của Mặt trời. Sự thiếu hụt của nó đồng nghĩa với việc nhiều bức xạ năng lượng cao này xuyên thủng bầu khí quyển đến Trái đất, dẫn đến gây hại cho các tế bào sống.
Bức xạ cực tím trong ánh sáng Mặt Trời có tác hại lớn đối với sức khỏe của con người. Chúng là nguyên nhân gây các bệnh về da và mắt ở người, gây ung thư... Khi xuyên qua ozone, chúng có thể làm biến dạng hoặc giết chết vi khuẩn.
Copernicus thường giám sát tầng ozone bằng cách sử dụng mô hình máy tính và quan sát của vệ tinhCopernicus Sentinel-5P.
Ngày 16/9 hàng năm được quy định là Ngày Quốc tế Bảo tồn Tầng Ozone, nhằm duy trì nhận thức về tác động của con người lên môi trường của chúng ta và tính cấp thiết của việc sửa sai, để bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ sự sống.
NGUYÊN NHÂN GÂY THỦNG TẦNG OZONE
Theo các chuyên gia khí tượng, nguyên nhân gây thủng tầng ozone đến từ nguyên nhân khách quan và chủ quan.
- Đầu tiên là nguyên nhân khách quan:
Lỗ thủng tầng ozone có liên quan đến xoáy cực Nam Cực, một dải khí lạnh xoáy di chuyển xung quanh Trái đất. Khi nhiệt độ lên cao ở tầng bình lưu bắt đầu tăng vào cuối mùa xuân, sự suy giảm tầng ozone chậm lại, xoáy cực yếu dần và cuối cùng bị phá vỡ. Và đến tháng 12, mức ozone thường trở lại bình thường.
Vị trí tầng ozone: Nằm ở độ cao từ 14,5 km đến 35 km so với Trái đất, thuộc tầng bình lưu của hành tinh.
Kích thước của lỗ phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết. Điều kiện lạnh giá năm 2020 chứng kiến một trong những lỗ thủng lớn nhất và lâu nhất từng được ghi nhận, trong khi năm 2019 có lỗ thủng tầng ozone nhỏ nhất.
Theo Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA), lỗ thủng tầng ozone năm 2020 được thúc đẩy bởi 'xoáy cực mạnh, ổn định và lạnh' khiến nhiệt độ của tầng ozone phía trên Nam Cực liên tục hạ thấp.
- Nói về nguyên nhân chủ quan:
Tầng ozone bị suy giảm bởi các phản ứng hóa học, được thúc đẩy bởi năng lượng Mặt trời, liên quan đến các sản phẩm phụ của các chất hóa học do con người tạo ra tồn tại trong khí quyển.
Các hóa chất chứa chất làm lạnh halocarbon và chlorofluorocarbon (CFC) - đang làm trầm trọng thêm tình trạng cạn kiệt O3 khiến tầng ozone bị thủng.
Các chất hóa học, chẳng hạn như clo và brom di chuyển vào tầng bình lưu, tạo ra các phản ứng xúc tác trong mùa đông Nam Cực.
Như đã nêu, theo dự đoán của các nhà khoa họcthuộc Trung tâm Dịch vụ Giám sát Khí quyển Copernicus, đến khoảng năm 2060 hoặc 2070, tầng ozone sẽ không có lỗ thủng nào. Điều này là do sẽ mất thời gian để xem tác động của việc loại bỏ dần các chlorofluorocarbon (CFCs) - chất làm suy giảm tầng ozone - của con người.
Khi đó,các chất độc hại được sử dụng trong chất làm lạnh và bình xịt mới hoàn toàn biến mất khỏi bầu khí quyển.
Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, các hóa chất này lần đầu tiên được quy định bởi Nghị định thư Montreal - được ký kết lần đầu tiên vào năm 1987. Chúng dự kiến sẽ bị loại bỏ vào năm 2030.
Một nghiên cứu được công bốtrên tạp chí Nature vào tháng 8/2021 cho biết thế giới sẽ phải đối mặt vớitình trạng nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 2,5 độ C và sự sụp đổ của tầng ozone nếu các chất CFC không bị cấm theo nghị định thư Montreal.
Sự suy giảm tầng ôzôn lần đầu tiên được các nhà khoa học phát hiện vào những năm 1970, và được xác định nguyên nhân ban đầu là do các yếu tố tự nhiên như nhiệt độ, thời tiết và núi lửa phun trào.
Tuy nhiên, càng về sau, người ta xác định rằng các hóa chất do con người tạo ra - đặc biệt là chất làm lạnh halocarbon và chlorofluorocarbon (CFC) - đang làm trầm trọng thêm tình trạng cạn kiệt O3 khiến tầng ozone bị thủng.
Bài viết sử dụng nguồn: CNN, DM, Copernicus.eu/atmosphere