Mỗi năm, trong những tháng cận Tết Nguyên đán, các lò gốm tại Bình Dương lại tất bật sản xuất sản phẩm độc đáo để cung cấp cho thương lái, phục vụ dịp cao điểm.
Ở xã Tân Vĩnh Hiệp (thị xã Tân Uyên), lò gốm của ông Vũ Vương (40 tuổi) ngày đêm đỏ lửa, nhân công thay phiên nhau hoàn thành các công đoạn sản xuất tượng đất nung. Tại đây, 5 nhân công làm việc từ 5h đến 22h mỗi ngày.
Ông Vương chia sẻ, quy trình sản xuất tượng đất nung phải mất cả ngày để hoàn thành. Cụ thể, các công đoạn bao gồm nghiền đất sét thô, đổ đất lỏng vào khung hình các con vật, tách khung, phơi, gia công hình tượng ban đầu, cho vào lò nung...
Đất sét được các lò nung nhập về mỗi tuần với số lượng hơn 15 tấn. Công nhân tiến hành trộn bằng máy đánh hồ để phần đất từ các viên to trở nên mềm ra và biến thành dạng lỏng.
Phần đất lỏng được chứa trong lu lớn, công nhân đem đổ vào khung định sẵn, phơi nắng khoảng 12 giờ để cho ra tượng đất thô.
Cuối năm 2022, ông Vương cho biết, lượng hàng giảm gần 50% so với mọi năm. Dù đã chuẩn bị từ đầu tháng 6, đến nay, kho hàng của ông vẫn còn hàng nghìn tượng mèo đất chất đống trong kho. Thay vì sản xuất 2.000 tượng/ngày, năm nay cơ sở của ông Vương chỉ duy trì 1.000 tượng/ngày.
"Mọi năm thời điểm này là thương lái đến lấy hàng nườm nượp, không đủ bán. Năm ngoái dịch bệnh nhưng vẫn bán rất đắt, không hiểu sao năm nay ế ẩm quá", ông Vương thở dài.
Tượng tách khỏi khuôn, tiếp tục được phơi trên giàn khoảng 3 giờ. Công nhân dùng vạt gọt phần viền thừa, rồi mới đem vào lò nung.
Ông Vương bộc bạch, công việc này không phải ai cũng làm được vì nó quá vất vả. Giữa trưa, nắng chiếu thẳng xuống đỉnh đầu, ông Vương và các nhân công vẫn không ngơi tay. Mỗi ngày, họ phải làm việc gần 14 tiếng.
"Nhiều khi đang ăn cơm, thấy trời mưa cũng phải đặt chén cơm xuống, nhanh chân chạy ra lấy miếng bạt che tượng lại. Vì nếu chậm tay, mưa xuống làm hỏng tượng, chúng tôi sẽ lỗ vốn", ông Vương nói.
Lò có thể nung 3.000 tượng đất, chất đốt chủ yếu là củi cao su. Người thợ phải biết canh lửa sao cho vừa đủ, cho ra tượng có màu trắng hồng. Nếu lửa quá non, tượng sẽ có màu đỏ, dễ vỡ. Lửa quá già sẽ khiến tượng biến thành màu đen.
"Kinh nghiệm là nhìn trên nóc lò. Khi lửa vừa đủ, phần viền của lỗ đục sẵn sẽ biến thành màu trắng, lúc đó là thời điểm thích hợp để lấy tượng ra", ông Vương nói.
Tượng đất nung hình mèo, heo,… ở lò sẽ được chở đến các cơ sở phun sơn, vẽ mực để hoàn thành công đoạn cuối.
Ngoài tượng mèo, heo, chủ cơ sở còn sáng tạo thêm nhiều mẫu mã bắt mắt khác, để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường.
Năm nay, tượng đất nung hình con mèo được ưa chuộng. Trong đó, có 4 loại chính gồm tượng mèo nằm, mèo đứng, mèo Kitty, Doraemon. Ngoài ra, còn một số tượng mèo mang hình dáng, kích thước khác cũng được ra lò mỗi ngày.
Không quá vất vả như nhân công ở lò nung, người thợ sơn, vẽ tượng đất dù làm việc 12 giờ/ngày, nhưng chỉ cần ngồi trong nhà cũng có thể hoàn thành nhiệm vụ. Mỗi ngày, 5 người thợ làm ra được 300-400 tượng thành phẩm.
Các đơn hàng bán Tết được thương lái nhập về từ đầu tháng, nhằm phục vụ đợt cao điểm trong vài ngày sắp tới. Ngoài ra, tháng cận Tết may mắn không nhiều mưa, nắng dịu, cơ sở dễ dàng rút ngắn thời gian phơi khô.
Chị Phạm Thị Thu Hà (44 tuổi) có kinh nghiệm vẽ tượng đất hơn 6 năm. Theo chị Hà, người thợ phải chú ý cách cầm cọ sao cho nét vẽ thật uyển chuyển.
"Đối với người thợ làm lâu năm sẽ không thấy công việc này quá khó hay vất vả. Với các mẫu mới, tôi sẽ nhìn hình ảnh qua điện thoại rồi bắt chước theo. Quan trọng là ghi nhớ màu sắc, không tô vẽ lộn xộn", chị Hà chia sẻ.
Sau khi hoàn thành, mỗi con "mèo đất" có giá từ 20.000 đến 25.000 đồng, tùy kích thước và hình dáng.
Các mặt hàng sẽ được vận chuyển đến những khu chợ ở miền Nam, miền Trung, đặc biệt là khu vực các tỉnh Tây Nam Bộ.