Chính quyền Quần đảo Solomon hồi tuần trước thông báo, quốc đảo này và Trung Quốc đã ký kết một thỏa thuận an ninh. Solomon là một quốc đảo ở tây nam Thái Bình Dương, cách Australia khoảng 2.000 km về phía đông bắc.
Solomon tuyên bố mục đích của thỏa thuận an ninh với Trung Quốc là để đảm bảo an ninh quốc gia, phù hợp với sách ngoại giao của quốc đảo là "làm bạn của tất cả và không làm kẻ thù của ai".
Việc ký kết trên diễn ra trong bối cảnh quan hệ Australia - Trung Quốc đang tiến triển xấu đi kể từ sau đại dịch Covid-19. Thủ tướng Australia đã bày tỏ lo ngại về động thái của Trung Quốc trong khu vực Thái Bình Dương, đặc biệt nếu Bắc Kinh thiết lập một căn cứ quân sự ở ngay cửa ngõ phía bắc Australia. Tương tự, New Zealand lo ngại về khả năng quân sự hóa khu vực sau khi thỏa thuận được ký kết.
Thỏa thuận cho phép Trung Quốc điều lực lượng hải quân và tuần duyên đến Quần đảo Solomon. Malcolm Davis, nhà phân tích an ninh cấp cao tại Viện Chính sách Chiến lược Australia, cho rằng điều này cho thấy có khả năng Trung Quốc sẽ xây dựng một căn cứ quân sự tại đây, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ổn định khu vực và an ninh quốc gia của Australia.
Trước những lo ngại trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói thỏa thuận không có mục đích quân sự. Trong khi đó, văn phòng của Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare cho biết thỏa thuận không cho phép Trung Quốc thiết lập căn cứ quân sự ở quốc gia này.
"Chính phủ nhận thức được sự bất ổn an ninh của việc cho phép một căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình và sẽ không cho phép điều đó xảy ra", ông Sogavare nói.
Theo bà Sun Yun, trưởng ban nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm Stimson, một tổ chức tư vấn của Mỹ, thỏa thuận an ninh với Solomon là một phần của chiến lược mở rộng mạng lưới đồng minh của Trung Quốc, giống cách Mỹ đã và đang thực hiện. Ông cho rằng việc Australia phản ứng mạnh mẽ là điều có thể hiểu được, và đồng tình với quan điểm rằng Trung Quốc có thể có động thái làm lung lay vị thế của Australia trong khu vực Thái Bình Dương.
Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare bác bỏ những lo ngại rằng an toàn khu vực sẽ bị đe dọa. Ông cảm thấy "bị xúc phạm" khi các quốc gia khác muốn can thiệp vào "các vấn đề chủ quyền của chúng tôi".
Trước đây Solomon đã đề nghị Australia xây dựng một căn cứ hải quân nhưng Australia từ chối với lý do đã có một chương trình hợp tác quốc phòng với Papua New Guinea.
Solomon hồi tháng 9/2019 đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan để thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, một trong những lý do của các cuộc bạo loạn tại Solomon âm mưu phế truất Thủ tướng Manasseh Sogavare hồi tháng 11/2021. Sau đó, vào tháng 12/2021, Trung Quốc đã gửi một lô thiết bị chống bạo loạn, bao gồm mũ bảo hiểm, lá chắn, áo giáp và áo mưa bảo vệ cho Solomon.
Trong quá khứ, Trung Quốc chưa bao giờ đậu tàu quân sự tại các cảng của Solomon.