Bạn trai tôi đi nhậu, xỉn quá kêu tôi chở về. Trước khi rời quán nhậu, bạn trai có hôn tôi. Sau đó tôi gặp chốt công an đo nồng độ cồn cách quán nhậu chỉ 50m. Kết quả trong hơi thở của tôi có cồn. Tôi rất ấm ức. Xin luật sư tư vấn cho các tình huống tương tự.
Một bạn đọc của Tuổi Trẻ Online.
Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM) tư vấn về việc bị đo nồng độ cồn dù không dùng đồ uống có cồn như sau:
Theo quy trình, cảnh sát giao thông sẽ kiểm tra nồng độ cồn qua 2 bước là đo định tính (xác nhận có cồn hay không) và đo định lượng để xác định chính xác mức nồng độ cồn trong hơi thở.
Trường hợp kiểm tra định tính xác định có nồng độ cồn, nếu lái xe có sử dụng một số đồ ăn lên men trước đó thì họ có quyền đề nghị cảnh sát giao thông cho nghỉ ngơi 5-10 phút, đồng thời uống nước cho sạch khoang miệng trước khi đo định lượng.
Nếu trước đó tài xế đã đo định lượng cũng được phép đề nghị lực lượng chức năng cho thổi lại để đảm bảo tính khách quan.
Khi xử lý vi phạm, lực lượng cảnh sát giao thông còn căn cứ vào các biểu hiện của người vi phạm như tình trạng tâm lý, diễn biến hành vi, lời nói, cử chỉ, sắc mặt và qua hơi thở khi nói chuyện để có căn cứ xử lý vi phạm.
Ngoài ra, cũng có thể máy đo nồng độ cồn chưa chính xác, bạn có thể yêu cầu được đo lại bằng một máy khác cho kết quả đúng hơn.
Nếu trường hợp chưa rõ ràng qua hơi thở có nồng độ cồn thì có thể yêu cầu cảnh sát giao thông đưa đi xét nghiệm máu tại cơ sở y tế gần nhất sẽ có kết quả chính xác. Việc sử dụng thuốc hay đồ uống, thức ăn sẽ không đủ để lên nồng độ cồn khi kiểm tra máu.
Cho nên trong trường hợp cụ thể của bạn, nên đề nghị cảnh sát giao thông cho nghỉ ngơi 5 phút để có thể đo chính xác.
Hiện nay việc xét nghiệm máu để xác định nồng độ cồn cũng chưa được quy định rõ là cảnh sát giao thông hay công dân phải thanh toán khoản phí này. Tuy nhiên, đây là yêu cầu của cơ quan công an nên thiết nghĩ phải được thanh toán bởi cơ quan công an.