Theo ông Nguyễn Đức Thanh, ngay khi nhận được được thông tin phản ánh của các doanh nghiệp xuất khẩu, Thương vụ Việt Nam tại Italia đã nhanh chóng làm việc với hãng tàu COSCO và các cơ quan liên quan.
Khi Thương vụ đến cảng Genova thì có một số container hạt điều của Việt Nam cập cảng, người mua đã trả phí cảng và nộp bộ chứng từ gốc để nhận các container này. Theo Luật Thương mại quốc tế, hãng tàu phải giao hàng cho người nhận có bộ chứng từ gốc, nếu không sẽ bị kiện.
Để không bị mất hàng, Thương vụ đã giải thích với hãng tàu về nghi vấn lừa đảo. Lô hàng container trên đã cập cảng nhưng người bán chưa nhận được tiền, còn người mua bằng cách nào đó đã lấy được bộ chứng từ gốc. Hãng tàu COSCO sau đó đồng ý dừng ngay việc giao lô hàng. Tuy vậy, để có thể điều phối hàng ngược trở lại Việt Nam hoặc bán cho khách hàng khác, hãng tàu yêu cầu doanh nghiệp Việt phải xuất trình được chứng từ gốc.
Theo ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) nhờ sự vào cuộc quyết liệt, nhanh chóng của các đơn vị liên quan, tới nay 8/36 container điều đã được kiểm soát và giữ tại cảng. Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều rủi ro liên quan đến số container nhân hạt điều còn lại bởi tất cả có nguy cơ bị mất trắng do có dấu hiệu bị lừa đảo.
Với số container đã được kiểm soát, các doanh nghiệp tham dự bày tỏ mong muốn Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tiếp tục chỉ đạo các Tham tán, Thương vụ Việt Nam tại Italia, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ hỗ trợ giải quyết về mặt pháp lý nhằm giúp doanh nghiệp lấy được hàng.
Về phương án xử lý những container hàng đang được kiểm soát nhưng phía doanh nghiệp Việt lại mất chứng từ gốc, đại diện doanh nghiệp xuất khẩu điều đề xuất trong khi chờ hoàn thiện các thủ tục hồ sơ pháp lý khởi kiện, doanh nghiệp mong muốn có sự hỗ trợ của cơ quan chức năng nhằm thúc đẩy cho doanh nghiệp được cược hàng với giá trị 100% (mỗi container hàng có giá trị 200.000 USD).
Ngoài ra, do điều là thực phẩm, nếu thời gian lưu tại cảng kéo dài sẽ ảnh hưởng tới chất lượng nên doanh nghiệp đang xin các hãng tàu cho cược hàng. Nhưng hãng tàu yêu cầu cược hàng với giá trị gấp đôi, thời gian trong vòng 6 năm. Đây là yêu cầu bất khả thi với doanh nghiệp.
Ông Đặng Hoàng Giang, Tổng thư ký Vinacas, đề nghị Bộ Công Thương đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải tổ chức một buổi làm việc trực tiếp cho doanh nghiệp đối thoại với hãng tàu để tìm hướng giải quyết.
Vinacas trước đó nhận được đơn của 5 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nhân điều. Theo nội dung đơn, 5 doanh nghiệp này đã ký hợp đồng với một số khách hàng Italia thông qua Công ty môi giới Kim Hạnh Việt xuất khẩu nhân điều sang Italia và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong quá trình gửi hồ sơ nhờ thu từ ngân hàng Việt Nam tới các ngân hàng của người mua, ngân hàng tại Italia thông báo họ đã nhận được bộ chứng từ nhưng chỉ là chứng từ photocopy, không phải bản gốc. Còn tại ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ thì đều có sự thay đổi về số swift (mã định danh nhận diện ngân hàng).
Do đó, các ngân hàng này thông báo người mua không phải khách hàng của họ và họ đã trả lại bộ chứng từ cho phía Việt Nam, nhưng không ghi rõ trả theo hình thức nào, không cung cấp số vận đơn cho ngân hàng Việt Nam cho dù phía ngân hàng Việt Nam đã gửi rất nhiều điện liên hệ nhưng không có trả lời.
Theo phản ánh, doanh nghiệp môi giới do người phụ nữ tên Hạnh (Việt kiều Mỹ) làm chủ, có thâm niên trên 10 năm hoạt động và chưa xảy ra sự cố gì, vì thế, không có lý do gì để cảnh báo và rất khó để lường trước hoặc không làm việc với người này.
Tuy nhiên, sau khi xảy ra sự cố, một số doanh nghiệp đã có đơn với nội dung cho rằng Kim Hạnh Việt có dấu hiệu lừa đảo. Nhưng đây mới chỉ là nghi ngờ chứ chưa có cơ sở khẳng định.
Hòa Bình