Theo báo cáo mới nhất của Văn phòng Tội phạm & Ma túy Liên Hợp Quốc (UNODC), diện tích đất trồng cây coca trên toàn cầu đã tăng tới 35% từ năm 2020 đến 2021.
Đây là loại cây mà lá của chúng được sử dụng để bào chế ma túy cocaine, và UNODC cho rằng chưa có khi nào sản lượng cocaine lại đạt mức cao như vậy.
Nông dân thu hoạch lá cây coca (nguyên liệu bào chế cocaine) tại Puerto Bello, thuộc bang Putamayo ở miền nam Colombia hồi năm 2017. Bất chấp các nỗ lực của chính phủ Mỹ và Colombia, diện tích trồng coca ở quốc gia này vẫn tăng mạnh trong những năm qua. Ảnh: AP. |
Sự trỗi dậy sau đại dịch
Đại dịch Covid-19 khiến hoạt động buôn lậu ma túy toàn cầu bị gián đoạn. Việc du lịch quốc tế bị hạn chế khiến các băng đảng gặp khó khăn trong việc phân phối ma túy đến các thị trường. Thêm vào đó, việc ngành kinh tế ban đêm như các vũ trường hay quán bar bị phong tỏa, khiến nhu cầu các loại ma túy liên quan như cocaine giảm mạnh.
Tuy nhiên, dữ liệu của UNODC cho thấy sự sụt giảm này chỉ là ngắn hạn và không tác động đến xu hướng toàn cầu, đó là sự phổ biến hơn của cocaine trong thập niên vừa qua. Sản lượng cocaine cũng đang ở mức kỷ lục, với gần 2.000 tấn được sản xuất trong năm 2020, theo ước tính của UNODC.
Để so sánh, con số này vào năm 2014 chỉ vào khoảng 500 tấn.
Sự gia tăng sản lượng cocaine trên toàn cầu một phần là do diện tích trồng cây coca tăng lên, bất chấp các nỗ lực của chính phủ Mỹ và các đối tác ở Nam Mỹ. UNODC ước tính diện tích trồng cây coca đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 2013-2017, đạt đỉnh trong năm 2018 và tăng mạnh trở lại trogn năm 2021.
Tuy nhiên, cũng phải nhắc đến sự thay đổi trong phương pháp bào chế cocaine của các băng đảng ma túy, với những bước tiến trong quá trình sơ chế lá cây coca thành cocaine hydrochloride (cocaine HCl).
Theo truyền thống, việc sản xuất cocaine HCl bao gồm ba bước. Đầu tiên là từ lá cây coca thành bột coca; việc này thường được thực hiện gần nơi canh tác để giảm thời gian vận chuyển nguyên liệu thô. Theo tỷ lệ trung bình thì cần khoảng 400 kg lá cây coca để làm ra 1 kg cocaine thành phẩm.
Bước thứ hai là chuyển bột coca thành cocaine cơ sở, và cuối cùng số cocaine cơ sở này sẽ được chuyển hóa thành cocaine HCl. Trong những năm gần đây, quá trình này được cắt còn 2 bước: Lá coca sẽ được chuyển thành cocaine cơ sở, và sau đó là cocaine HCl.
Báo cáo cũng chỉ ra sự xuất hiện của những "trạm trung chuyển" mới ở Tây và Trung Phi - những thành phố mà tội phạm buôn lậu cocaine sử dụng để xây dựng mạng lưới vận chuyển trên khắp thế giới.
Bên cạnh đó, ở phía cầu, UNODC cũng cho rằng cocaine đang ngày càng trở nên phổ biến hơn trên toàn thế giới. Nếu như trước đây loại ma túy này chỉ tập trung ở Mỹ và châu Âu, giờ đây nó đã xuất hiện nhiều hơn ở châu Phi và châu Á. Chính nhu cầu tăng đã thúc đẩy việc sản xuất và vận chuyển cocaine trên toàn cầu.
Số cocaine với khối lượng 5,2 tấn được thu giữ từ một chiếc thuyền buồm nhỏ ở phía nam Lisbon, Bồ Đào Nha hồi năm 2017. Ảnh: AP. |
Cho đến khoảng 10 năm trước đây, việc sản xuất cocaine gần như chỉ tập trung ở Colombia với sự kiểm soát của một vài tổ chức tội phạm.
Tuy nhiên, sau khi Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) giải thể vào năm 2016 và không còn kiểm soát một khu vực trồng cây coca rộng lớn, các băng đảng bắt đầu chia nhỏ ra và hoạt động canh tác cũng như sản xuất cocaine cũng thay đổi về quy mô lẫn cấu trúc.
Xu hướng mới nhất là ngày càng có sự hiện diện của các tổ chức tội phạm nước ngoài ở Colombia, trong đó có đại diện của các băng đảng từ Mexico hay cả vùng Balkans.
Những nhóm ngoại quốc này không có mục đích kiểm soát lãnh thổ canh tác cây coca, mà thay vào đó họ muốn đa dạng và làm chuỗi cung ứng trở nên hiệu quả. So với việc canh tác và sản xuất cocaine, việc vận chuyển loại ma túy này đến các thị trường tiêu thụ thường đem lại lợi nhuận cao gấp nhiều lần cho các tổ chức tội phạm.
Những trạm trung chuyển mới xuất hiện
Colombia vẫn thống trị các tuyến vận chuyển cocaine từ Nam Mỹ, và hầu hết ma túy loại này ở Bắc Mỹ có nguồn gốc từ Colombia.
Tuy nhiên, các tuyến đường buôn lậu cocaine đến châu Âu đã có sự thay đổi. Vai trò của Colombia như điểm khởi hành dường như đã giảm, và các tổ chức tội phạm bắt đầu tìm nguồn cung ở Bolivia và Peru.
Cocaine từ hai quốc gia này sẽ được vận chuyển qua Paraguay bằng đường sông để đến bờ biển phía Nam Đại Tây Dương. Ma túy từ đây sẽ được chất lên tàu biển để đi đến châu Âu, hoặc trung chuyển qua Tây Phi trước khi đến lục địa già.
Các điểm đến ở châu Âu cũng đã thay đổi, với việc Bỉ và Hà Lan trở thành trung tâm tiếp nhận cocaine của EU. Một phần có lẽ là do sự bùng nổ của vận chuyển đường biển, khi Bỉ có Antwerpt còn Hà Lan có Rotterdam, hai cảng biển lớn nhất châu Âu về công suất container.
Trước đây, hầu hết cocaine sẽ được vận chuyển từ Nam Mỹ đến bán đảo Iberia hoặc qua các cảng Địa Trung Hải đặc biệt là ở miền Nam Italy.
Cơ quan cảnh sát châu Âu Europol cuối năm ngoái đã thực hiện chiến dịch bắt giữ 49 cá nhân liên quan đến đường dây buôn lậu chịu trách nhiệm cho 30% lượng cocaine tuồn vào châu lục này. Ảnh: AP. |
Dữ liệu về các vụ bắt giữ cocaine cũng cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của châu Phi, đặc biệt là các nước Tây và Trung Phi, trong các tuyến đường vận chuyển cocaine đến châu Âu. Số các vụ bắt giữ và số lượng cocaine bị thu giữ đều đạt kỷ lục trong năm 2021, tập trung chủ yếu ở các nước có đường bờ biển phía tây châu Phi.
Các băng nhóm tội phạm Brazil, vốn kiểm soát dòng cocaine từ Peru và Bolivia, ngày càng nhắm đến các nước nói tiếng Bồ Đào Nha ở châu Phi như Mozambique, Angola hay Cabo Verde để xây dựng thị trường mới. Các sân bay ở Kenya hay Ethiopia cũng trở thành trạm trung chuyển để vận chuyển cocaine bằng đường không đến châu Âu.