Trưa 30/1 (20 tháng chạp), đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp Thìn 2024 với chủ đề "Xuân yêu thương, Tết sum vầy" đang được hàng trăm công nhân gấp rút thi công. Hình ảnh hai linh vật rồng khổng lồ dần lộ diện.
Toàn đường hoa sẽ có 3 công trình linh vật rồng lớn tượng trưng cho rồng của thời Trần, thời Lý và thời Nguyễn, với 3 màu sắc chủ đạo là vàng đất, xanh lam và cam đỏ bã trầu.
Ngay cổng vào của đường hoa là vị trí của hai con rồng lớn với tên gọi "Lưỡng Long triều liên" (đôi rồng chầu sen). Miệng rồng ngậm ngọc đường kính 50cm được mô phỏng bằng nhựa mica đục, bên trong chứa đèn thắp sáng. Thân Lưỡng Long đan chéo vào nhau tạo mái trần trang trí đẹp mắt và thông thoáng.
Gần 100 công nhân được chia ra để thi công nhiều hạng mục và các giai đoạn khác nhau trong khoảng 10 ngày qua.
Dù thời tiết TPHCM khá oi bức, nhưng các công nhân vẫn cố gắng thi công gấp rút để kịp tiến độ cho ngày khai trương.
Theo thiết kế, linh vật rồng được làm bằng khung sắt bên trong, bên ngoài sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường như tre để đan thành các nan quạt để làm vẩy rồng.
3 linh vật rồng khổng lồ với nét đặc trưng của rồng thời Trần, thời Lý và thời Nguyễn, thể hiện ở các đặc điểm như đầu luôn hướng lên, mũi to, chóp mũi tròn, mắt lồi, miệng ngậm ngọc, bờm to ở má và trên đầu.
Thân uốn lượn theo hướng bay lên là đặc điểm thường thấy trong hình ảnh rồng thời Lý và Trần, hình dáng đuôi xòe như ngọn lửa là đặc điểm của rồng thời Nguyễn.
"Hiện ở đây có khoảng 100 công nhân, làm việc từ sáng sớm đến tối muộn mới nghỉ để kịp hoàn thiện công trình, còn hơn 1 tuần nữa là khai trương nên anh em công nhân phải tranh thủ thời gian. Đa số các công đoạn lắp ráp đều phải dùng sức người và làm thủ công nên khá mất thời gian và cần độ tỉ mỉ, chính xác cao", anh Văn Hiệp, công nhân đơn vị thi công cho biết.
Công nhân đang hối hả thi công các hạng mục theo thiết kế và dự kiến sẽ hoàn thành vào trưa ngày 7/2 (tức ngày 28 Tết) và chính thức mở cửa đón người dân, du khách.
Linh vật biểu tượng của năm mới được thiết kế dài hơn 100m, lập kỷ lục về kích thước con giáp từng xuất hiện trên đường hoa Nguyễn Huệ. Tuy chưa hoàn thiện 100% nhưng các linh vật rồng đã lộ rõ vẻ uy nghi, bề thế.
Hiện phần đầu của hai con rồng lớn đang được sơn màu, phần chân chuẩn bị được lắp ráp vào thân rồng.
Bên cạnh đó, đường hoa Nguyễn Huệ Tết Nguyên đán 2024 còn được thiết kế nhiều đại cảnh như "Thuyền rồng hoa xuân", "Cửa chín rồng", "Lễ hội mùa xuân" và "Mây thủy tinh".
Các đại cảnh, trung cảnh với những hình ảnh độc đáo, đặc trưng của nhiều vùng miền cả nước được thiết kế và sắp xếp trải dài 600m dọc phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Nhiều vật liệu thân quen với người dân Việt Nam như gốm sứ, lu đất, tre, cây kiểng, hoa được dùng để trang trí cho các cảnh quan trong đường hoa. Đường hoa Tết 2024 ước tính có hơn 70% tổng số vật liệu sử dụng thân thiện môi trường.
Các công nhân tranh thủ ăn trưa ở bóng mát sau ca làm việc sáng. Dù trời nắng gắt nhưng vẫn cố gắng chạy đua thời gian để kịp tiến độ cho ngày khai trương.
Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp Thìn sẽ phục vụ nhu cầu du xuân, thưởng ngoạn của người dân thành phố và du khách dự kiến từ 19h ngày 7/2/2024 (28 tháng Chạp) đến 21h ngày 14/2/2024 (mùng 5 Tết).