Sức mua tăng đột biến, tiểu thương bán hàng như ngày Tết
8h30 sau khi đưa cháu nội đến lớp, bà Nguyễn Thị Tâm (nhà ở Sơn Tây, Ba Đình, Hà Nội) mới tất tả ra khu chợ gần nhà. Trước thông tin siêu bão Yagi vào vịnh Bắc bộ, người phụ nữ 60 tuổi lo lắng thực phẩm khan hiếm, nên dự định mua chút đồ ăn dự trữ.
Bà Tâm đi thẳng đến quầy bán thực phẩm quen thuộc thì thấy rất đông người đang tranh nhau mua đồ. Mỗi người mua 2-3 mớ rau, thêm chục trứng và nhiều loại củ, quả.
"Bão gió cứ làm nồi cá kho là dễ ăn, tôi hỏi mua cá trắm nhưng người bán nói đã hết sạch hàng. Hỏi đến cá chép cũng không còn con nào, chỉ còn 1 con cá rô phi nhỏ và 3 cái đầu cá trên mâm", bà Tâm cho hay.
Không mua được cá như dự tính, bà Tâm đành chuyển qua mua vịt dù đây không phải là món ăn yêu thích của cả nhà.
Chị Phạm Thu Hoài (37 tuổi, ở Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm) cho biết, Hà Nội được dự báo nằm trên đường đi bão Yagi. Khi vào vịnh Bắc Bộ, bão vẫn giữ cường độ rất mạnh cấp 13-14, giật cấp 17 và không suy giảm nhiều khi đổ bộ đất liền nước ta. Vì vậy, ngay từ sớm 6/9, chị Hoài và nhiều hàng xóm đã ra siêu thị gần nhà để mua đồ mua thịt, cá và một số loại đồ khô.
"Ở Hà Nội cứ mưa dài ngày là rau xanh đã khan hiếm, tăng giá. Huống chi đây là cơn siêu bão. Vậy nên tôi cứ mua để trong tủ lạnh ăn dần", chị Hoài nói.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, sức mua của người dân trong sáng 6/9 tăng đột biến. Tại chợ dân sinh Yên Duyên (phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội), anh Nguyễn Văn Hạnh chủ một hàng chuyên bán lươn, cá, ếch và đồ tươi sống, cho biết hôm nay lượng hàng bán ra tăng gấp 2-3 lần ngày thường. Chỉ trong 3 tiếng cửa tiệm đã bán ra hơn 2 tạ cá các loại.
Nhằm phục vụ nhu cầu của người dân, chủ hàng cá này đã tích trữ khoảng 4-5 tạ cá trong bể chứa, khẳng định vẫn buôn bán bình thường trong những ngày bão về.
Các tiểu thương bán thịt lợn, tôm, hải sản gần đó cũng cho biết, lượng hàng bán ra trong sáng 6/9 tương đương với những ngày giáp Tết. Nhận thấy sức mua của người dân tăng đột biến, nhưng chị Nguyễn Thị Thủy (40 tuổi), tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Yên Duyên khẳng định vẫn giữ nguyên giá như ngày thường.
"Từ sáng đến giờ tôi liên tục nhắc nhở khách quen không cần thiết phải mua hàng tích trữ. Mua nhiều quá ăn không hết lại để thừa, gây lãng phí. Thậm chí điều này có thể khiến nhiều tiểu thương khác mượn cớ để đẩy giá thị trường", chị Thủy nói.
Tại chợ Ngọc Hà, nhiều hàng thịt, cá, tôm đã hết hàng từ sớm. Các tiểu thương cho biết, khách hàng mua nhiều hơn thường ngày, họ không phải mời chào, mặc cả nhưng hàng hóa vẫn hết từ sớm.
Bà Nguyễn Thị Bình (Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội) lo lắng thực phẩm sẽ khan hiếm, khó mua vì vậy từ tối 5/9, bà đã gọi điện cho người bán thịt ở chợ để sẵn cho 2kg thịt lợn, 2kg sườn.
Đúng như bà Bình dự đoán, sáng nay dù ra đến chợ khá sớm nhưng cửa hàng thịt đã "cháy" hàng. Nhờ đặt hàng từ tối hôm trước nên bà Bình mới mua được thịt và sườn như mong muốn.
Trước những thông tin ảnh hưởng của siêu bão Yagi, anh Đỗ Văn Tuấn (chung cư Gemek 1, An Khánh, Hoài Đức) cũng quyết định đi chợ sớm để lựa chọn được nhiều đồ ăn tươi, ngon cho gia đình, đề phòng thực phẩm khan hiếm do mưa bão.
Bên cạnh các loại thức ăn chính như tôm, cá, thịt lợn, thịt bò, anh Tuấn mua nhiều đu đủ, khoai tây, cà rốt, bí xanh, su su…
"Tôi ưu tiên mua các loại củ, quả vì để được lâu hơn rau xanh", anh Tuấn nói.
Mức giá ổn định, chợ ở Hà Nội vẫn bán hàng bình thường
Khảo sát giá tại nhiều chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, phóng viên nhận thấy giá cả thực phẩm không nhiều biến động so với những ngày trước đó.
Cụ thể, giá cá chép 55.000 đồng - 60.000 đồng/kg, cá trắm trắng 70.000 đồng/kg, cá trắm đen 100.000 đồng/kg. Sườn thăn, thịt ba chỉ đồng giá 130.000 đồng/kg. Thịt lợn nạc vai 140.000 đồng/kg, xương cục 70.000 đồng/kg, xương ống 25.000 đồng/kg.
Riêng rau xanh, một số mặt hàng chỉ tăng nhẹ. Đơn cử như rau muống 12.000 đồng/bó. Rau mồng tơi, rau dền 10.000 đồng/bó. Rau ngót 10.000 đồng/mớ. Bí xanh, mướp ta 20.000 đồng/kg. Su su Mộc Châu 15.000 đồng/kg.
Trái ngược với tâm lý chung của nhiều bà nội trợ, chị Phương Dung (ở phường Cầu Diễn), chỉ mua vừa đủ lượng đồ ăn cho cả nhà trong một ngày.
"Thấy cảnh chen nhau mua thịt, cá, tôi cũng choáng váng. Chen chân mãi tôi mới mua được ít thịt ba chỉ về rang và rau xanh ăn trong ngày. Hà Nội chắc chỉ mưa lớn và không ảnh hưởng nhiều do bão nên các chợ vẫn buôn bán bình thường nên tôi không có tâm lý tích trữ đồ quá nhiều, vừa lãng phí lại tốn kém", bà nội trợ 28 tuổi cho biết.
Sáng 6/9, bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) đã áp sát đảo Hải Nam, Trung Quốc.
Lúc 7h, tâm siêu bão cách đảo Hải Nam khoảng 160km về phía Đông Đông Nam; cách Quảng Ninh khoảng 600km về phía Đông Đông Nam.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 16 (184-201km/h), giật trên cấp 17. Các dự báo mới nhất cho thấy siêu bão Yagi có khả năng vào vịnh Bắc Bộ và ảnh hưởng đến đất liền nước ta sớm hơn so với các dự báo trước đó.