Theo dõi câu chuyện MXH số một Trung Quốc này liên tục bị cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, dư luận đang xoáy vào vấn đề “người nổi tiếng livestream bán hàng thế nào trên TikTok”.
Có cung ắt có cầu?
Từ góc độ nghiên cứu bán lẻ đa kênh và hợp kênh (omni channel), có thể thấy việc người trẻ ngày càng tham gia vào nhiều hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), trong đó có TikTok Shop, là chuyện dễ hiểu. Lí do là vì các nền tảng này có giao diện UX/UI thân thiện với cả người bán lẫn người mua.
Tuy nhiên, việc kiểm soát chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm, xuất xứ hàng hoá trên TikTok Shop đang là một vấn đề mà các cơ quan chức năng quan tâm, nhằm giảm thiểu việc nhiều nhà bán lẻ (không riêng gì bạn trẻ) phân phối các hàng hoá không qua kiểm định, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Việc livestream bán hàng trên TikTok và các nền tảng MXH “lai” TMĐT đã có từ vài năm qua. Ở Trung Quốc, nơi “khai sinh” ra TikTok, có những “thủ phủ livestream”, quy tụ hàng trăm TikToker hoạt động livestream rất sôi nổi nhằm thúc đẩy thương mại điện tử qua hình thức affiliate marketing, tức bán hàng dựa trên sự liên kết cá nhân, từ đó gia tăng điểm tiếp thị, tăng khả năng chốt đơn.
Livestream cũng là một trong những công cụ chính trong chiến lược triển khai mô hình shoppertainment của không chỉ riêng TikTok, mà còn được những Facebook, Taobao hay instagram sử dụng rộng rãi. Do đó tôi nghĩ nếu xã hội đã quen dần với việc này thì cũng sẽ thấy bình thường, vì “cũ người mới ta” mà thôi.
Theo nguyên lý kinh doanh thông thường, việc gì thúc đẩy thương mại thì người làm ăn sẽ làm. Nhìn từ góc độ đó, tôi cho rằng các livestreamer (người sử dụng livestream) chẳng qua cũng chỉ nghĩ mình đang buôn bán, mở thị trường để kiếm sống như bao nghề khác mà thôi.
Khi thương hiệu cá nhân bị vấy bẩn
Vậy thì có gì đáng nói không, khi KOL/ KOC, hay gọi chung là những người có ảnh hưởng đang ra sức livestream ngày càng nhiều trên các MXH? Câu chuyện này cũng tương tự như vụ việc vừa qua, báo chí cho thấy nhiều nghệ sĩ có tên tuổi, uy tín lâu năm trong giới showbiz nhưng cũng livestream bán hàng hay quảng bá cho các thẩm mỹ viện. Chưa bàn về phần thuế thu nhập hay các loại thuế khác mà người bán cần kê khai với cơ quan chức năng, điều rõ ràng dễ thấy đó là nếu các sản phẩm/ dịch vụ mà các bạn trẻ bán không đảm bảo chất lượng, rất dễ tiêu tan uy tín, tên tuổi vừa gầy dựng được chưa lâu.
Trong thời MXH và các phương tiện nghe - nhìn lên ngôi, việc gầy dựng “thương hiệu cá nhân” (personal brand), tương đối thuận tiện. Song nếu không cẩn thận, nhiều KOL/ KOC cũng rất dễ vướng các vụ “bốc phốt”. Lúc đó, nguy cơ mất uy tín là khá cao, từ đó dẫn tới mất hợp đồng tài trợ với các nhãn hàng, mất show,… Nguy hiểm hơn, “thương hiệu cá nhân” vốn cực kỳ quan trọng đối với người nổi tiếng và được xem là nền tảng, là tài sản vô hình, có thể bị tiêu tan nếu KOL/ KOC lỡ “tiếp tay” cho hàng dỏm, hàng kém chất lượng qua livestream.
Thế nên, tôi nghĩ rằng các KOL/ KOC cần cân nhắc thật kỹ, kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá. Để tránh các trường hợp khủng hoảng truyền thông, các bạn trẻ đang trên con đường gầy dựng thương hiệu cá nhân, trở thành người ảnh hưởng đến Gen Z nên uỷ thác cho người đại diện hoặc công ty quản lý của mình làm việc với phía đối tác kinh doanh thương mại điện tử.
Nên phân biệt cụ thể, không phải cứ rao bán hàng online trên mạng là “TMĐT”. Và cũng không phải sàn TMĐT nào cũng như nhau, mà có những sàn có uy tín, chất lượng và quy chuẩn chặt chẽ hơn một số khác. Cuối cùng, việc cố gắng nuôi dưỡng hình ảnh, định vị của mình trong mắt công chúng một cách chăm chút, cẩn thận vẫn luôn là điều giới nghệ sĩ, người nổi tiếng vẫn làm để phát triển dài lâu. Đừng vì “lấy ngắn nuôi dài” mà lợi bất cập hại.