Livestream để bán SIM rác: Tổng đại lý lộ diện nhưng chưa bị triệt phá

25/10/2023 09:00

Có ý kiến cho rằng Bộ TT&TT và Bộ Công an đã mất quá nhiều công sức tiến hành nhiều đợt tổng kiểm tra trên toàn quốc nhưng vẫn chưa dẹp được vấn nạn SIM rác, có thể thay đổi cách thức, đánh án điểm nhắm mục tiêu vào các tổng đại lý SIM vi phạm.

Ở bài viết trước, VietNamNet đã đề cập tới tình trạng Facebook, sàn thương mại điện tử hiện đang là “thiên đường” của SIM rác. Theo đó, trên các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee và trên một số nền tảng mạng xã hội, vẫn còn tình trạng một số người kinh doanh chấp nhận bán SIM rác, SIM kích hoạt sẵn cho người có nhu cầu.

Trong một khảo sát mới đây, VietNamNet phát hiện, không chỉ bán trên các sàn thương mại điện tử, SIM rác còn có thể được phân phối online thông qua những phiên livestream trên TikTok.

Trong vai người xem livestream, phóng viên VietNamNet đã tiếp xúc với nhiều người bán SIM thẻ trên TikTok. Khi nhận được đề nghị hỏi mua SIM rác, 93% chủ các phiên livestream từ chối và cho biết chỉ bán SIM đăng ký thuê bao chính chủ.

Mình không bán SIM rác đâu, phạt 4 chục củ đấy. Bây giờ mình làm theo quy định của Nhà nước, đăng ký chính chủ mới bán. Anh em xài SIM chính chủ cho mình, có CMND hoặc CCCD mình mới bán”, Trần Thủy - một người kinh doanh SIM online nhất quyết từ chối khi nhận được lời hỏi mua SIM rác online.

W-sim-rac-tiktok-23-1.jpg
Ngày càng nhiều phiên livestream đấu giá SIM xuất hiện trên TikTok. Ảnh: Trọng Đạt

Chia sẻ với phóng viên, nhân viên của đại lý SIM Hà Vân trên TikTok cho hay: “SIM cắm vào dùng luôn là các thẻ SIM đã được kích hoạt và đăng ký từ trước”. Đồng thời người bán cũng từ chối ngay khi được hỏi và khẳng định: “Nhà em không bán loại SIM này. SIM về đến tay là anh sẽ được đăng ký chính chủ đầy đủ”.

Giải thích lý do không bán SIM kích hoạt sẵn, theo người này: “Trong quá trình vận chuyển đơn hàng, nếu người ta tra ra là SIM rác thì em sẽ bị phạt”.

Trong quá trình khảo sát, phóng viên đã nhận được rất nhiều lời từ chối như vậy từ phía những người bán SIM thẻ online. Tuy vậy, dù phần lớn người bán hàng trên TikTok đã nhận thức đúng và chấp hành tốt các quy định của pháp luật, vẫn còn một bộ phận nhỏ “con sâu làm rầu nồi canh” khi gật đầu đồng ý trước đề nghị hỏi mua SIM rác.

Khi được phóng viên tiếp cận qua kênh livestream và đề cập tới việc mua SIM rác số lượng lớn, chủ tài khoản TikTok có tên “**** SIM số đẹp” mạnh miệng tuyên bố: “Anh cần SIM rác đúng không? Số lượng lớn là bao nhiêu? Bên em cả vạn SIM cũng có, giá từ 50.000 cho đến 1 triệu, anh cần bao nhiêu cũng có. Nếu cần số lượng lớn thì inbox cho em”.

Khi liên hệ lại qua kênh Zalo, người này lúc đầu từ chối và khẳng định cửa hàng không bán SIM rác. Khi nhắc đến việc đã từng hỏi mua qua phiên livestream TikTok, người bán SIM mới nhận lời làm việc với lý do “nhân viên em không biết”. Mặc dù vậy, chủ đại lý sau đó từ chối giao dịch khi phóng viên hỏi mua 20 SIM kích hoạt sẵn. “20 số bán gì anh ơi. Ít phải trăm số đi anh”, người này nói.

W-sim-rac-tiktok-2-1.jpg
Một phiên livestream rao bán SIM data kích hoạt sẵn. Ảnh: Trọng Đạt

Trên phiên livestream của tài khoản “SIM ***** 5G”, chủ gian hàng khẳng định cơ sở này bán SIM chuyên mạng , không gọi được nên không cần đăng ký. “Đây là SIM chuyên mạng của MobiFone, không gọi đi được nên không cần đăng ký gì cả”, người này cho biết.

Em đã lên sẵn gói 12 tháng rồi, về nhà anh chị chỉ việc lắp vào máy xài thôi. SIM giá 650.000, mỗi ngày sẽ có 5GB data. Khi nhận được hàng, anh có thể gọi lên tổng đài của nhà mạng để kiểm tra xem có đúng SIM này dùng được 12 tháng hay không”, chủ phiên livestream mời chào.

Khi hỏi thêm, người bán cho hay: “Ngoài SIM Mobi, em còn SIM của Vina nhưng giá hơi cao, 829.000 đồng, mỗi tháng có 5GB data, bao xài 12 tháng. Em có SIM không giới hạn nhưng mỗi ngày chỉ có 3GB data tốc độ cao, sau đó sẽ bị hạ băng thông. Ngoài ra, gói nhiều nhất thì còn có SIM 500GB data mỗi tháng”.

Nhìn chung, tuy SIM rác vẫn được bán online, các gian hàng vi phạm chỉ chiếm khoảng 7% trong số các gian hàng mà VietNamNet tiến hành khảo sát trên TikTok. Điều này cho thấy các chủ đại lý, gian hàng đã ý thức hơn về việc chấp hành các quy định của luật viễn thông, trong đó có quy định về thuê bao di động phải đảm bảo là chính chủ.

Chia sẻ với VietNamNet về việc các đại lý livestream bán SIM rác, một nhà mạng cho hay chỉ cần gõ tìm kiếm mua SIM thì ngay lập tức các nền tảng mạng xã hội sẽ đổ về các livestream bán SIM. "Sẽ gặp nhiều livestream bán hàng như SIM Minh Ngọc, SIM 247... trên mạng xã hội. Trên thực tế, các nhà mạng đều cung cấp SIM cho các đại lý này. Vì vậy, khi Bộ TT&TT đưa ra quy định siết kênh đại lý, họ sẽ phải chuyển lên nền tảng mạng xã hội để bán SIM", đại diện nhà mạng này nói.

Có thể đến thời điểm hiện tại, các tổng đại lý đang ôm cả chục triệu SIM rác và đang tìm cách này hay cách khác "bơm" ra ngoài thị trường. Có ý kiến cho rằng, để nhanh chóng dẹp vấn nạn SIM rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo, Bộ Công an và Bộ TT&TT có thể làm án điểm bằng cách ra tay kiểm tra các tổng đại lý lớn.

Một số tổng đại lý SIM thẻ đang thao túng thị trường trong nhiều năm qua. Không khó để có thể chỉ mặt đặt tên các tổng đại lý SIM thẻ hiện nay. Nếu trong trường hợp các tổng đại lý này sử dụng giấy tờ giả để đăng ký SIM hoặc bán SIM rác cho các đối tượng tội phạm sử dụng, có thể xem xét xử lý hình sự.

Thay vì Bộ TT&TT và Bộ Công an mất quá nhiều công sức tiến hành nhiều đợt tổng kiểm tra trên toàn quốc thì hãy thay đổi cách thức, đánh án điểm vào các tổng đại lý vi phạm. Có lẽ đây là liều thuốc cắt nhanh "căn bệnh" SIM rác đang hoành hành xã hội hiện nay.

Cho đăng ký online dễ dàng, SIM rác mạng ảo bán tràn lan trên mạngFacebook, sàn TMĐT vẫn là “thiên đường” của SIM rác. Nhiều người bán SIM trên mạng đang góp phần tiếp tay đưa SIM rác ra thị trường.

    Bài liên quan
    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Livestream để bán SIM rác: Tổng đại lý lộ diện nhưng chưa bị triệt phá
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO