Tượng rồng này do nghệ nhân Đinh Văn Tâm, "cha đẻ" của linh vật hổ và mèo từng gây "sốt" các năm trước, thực hiện theo đơn đặt hàng của UBND thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa.
Sau hơn 3 tháng thực hiện, ngày 28/1, tượng rồng được nghệ nhân Tâm và các cộng sự vận chuyển về lắp đặt tại Công viên trung tâm thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa.
Linh vật rồng vừa được đưa lên thị trấn phố núi Lao Bảo đã thu hút sự chú ý của đông đảo người dân. Mặc dù tượng rồng chỉ mới hoàn thành công tác lắp ráp và đang trang trí tiểu cảnh, rất nhiều người dân đã tìm đến, tranh thủ chụp ảnh để đăng tải lên các trang mạng xã hội.
Sau khi tận mắt chiêm ngưỡng, nhiều người tấm tắc khen ngợi trước vẻ uy nghi, thần thái của linh vật rồng, dù trước đó đã được thấy trên mạng xã hội.
"Tôi có xem linh vật rồng ở nhiều tỉnh, thành nhưng rồng của Quảng Trị thực sự đẹp và khác biệt. Nghệ nhân tạo ra tượng rồng này có con mắt thẩm mỹ và tay nghề cao. Với linh vật rồng uy nghi này, hy vọng năm 2024, quê hương Hướng Hóa sẽ phát triển, bay cao như rồng", anh Lê Vĩnh Quyền, một người dân địa phương chia sẻ.
Với tạo hình sắc nét cùng thần sắc uy nghi của linh vật rồng, Công viên thị trấn Lao Bảo được kỳ vọng sẽ là điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Hình ảnh về linh vật rồng tại Quảng Trị từ lúc xuất hiện đến khi được vận chuyển về thị trấn Lao Bảo lắp đặt cũng được đăng tải rầm rộ trên các trang mạng xã hội. Tác phẩm của nghệ nhân Đinh Văn Tâm được cộng động mạng dành "mưa" lời khen.
Theo ông Lê Bá Hùng, Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo, linh vật rồng được thực hiện bằng nguồn kinh phí từ xã hội hóa. Tại Công viên trung tâm thị trấn Lao Bảo, nơi đặt linh vật rồng, công tác trang trí tiểu cảnh đang dần hoàn thiện.
Ở khu vực công viên cũng có 28 gian hàng đăng ký kinh doanh thức ăn, nước giải khát để phục vụ du khách ghé thăm.
Như Dân trí đã thông tin, linh vật rồng nói trên được UBND thị trấn Lao Bảo đặt hàng từ đầu tháng 10/2023. Linh vật rồng cao khoảng 4,5m với thân uốn lượn dài 7m, tổng trọng lượng khoảng 500kg. Dưới chân của tượng rồng có một quả cầu màu vàng, tượng trưng cho tài lộc mà rồng đưa đến cho người dân.
Để hoàn thiện linh vật rồng, nhóm thợ đã sử dụng nhựa làm vảy rồng, thân rồng bên trong là các thanh sắt được bao quanh bằng lưới, bụng rồng làm bằng thạch cao. Các bộ phận của rồng đều được thiết kế khá tỉ mỉ, màu sắc bắt mắt, các tảng đá làm bằng xốp, được tạo hình, tạo màu bắt mắt.
Phần đầu rồng được nghệ nhân Tâm "thổi" vào sự uy nghi, dũng mãnh, đúng với thần sắc trong bộ tứ linh: long - ly - quy - phụng. Theo nghệ nhân Đinh Văn Tâm, tượng linh vật rồng được đặt chế tác theo ý tưởng rồng đáp xuống ngọn núi đá.