Linh hoạt các phương án cho một kỳ thi đặc biệt

08/07/2021 22:17

Gần một triệu học sinh lớp 12 trên cả nước đã trải qua Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) 2021 đặc biệt với nhiều cung bậc cảm xúc

Hai ngày vừa qua, cả xã hội dõi theo kỳ thi với cảm giác hồi hộp, lo lắng và xúc động khi chứng kiến những tình huống bất ngờ, những phương án linh hoạt, sự quan tâm, chăm lo của các lực lượng tới các sĩ tử. Tất cả đều quyết tâm và mong muốn một kỳ thi quan trọng trong cuộc đời mỗi người diễn ra an toàn trên mọi phương diện.

Phối hợp linh hoạt, bảo đảm quyền lợi thí sinh

Để triển khai kỳ thi an toàn, nghiêm túc, chất lượng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 16-4-2021 về tăng cường chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2021. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo, quy chế, hướng dẫn, triển khai kế hoạch tổ chức kỳ thi; xây dựng, công bố đề thi tham khảo. Đề thi tham khảo đã có sự cân đối, tính toán tới hai năm học bị gián đoạn do dịch Covid-19... Cùng với đó, công tác tập huấn, quán triệt quy chế thi, hướng dẫn nghiệp vụ coi thi, chấm thi, thanh tra thi được thực hiện theo từng giai đoạn chặt chẽ, cụ thể; chỉ những người hoàn thành được các bài kiểm tra, đánh giá sau tập huấn mới được tham gia vào kỳ thi.

Thí sinh dự thi tại điểm thi Trường THPT Việt Đức, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Các phương án linh hoạt, thích ứng với tình hình dịch còn được thấy ngay sau ngày thi đầu tiên, Bộ GD&ĐT đã lập tức ra yêu cầu các trường sẵn sàng điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh. Cụ thể, đối với các thí sinh đăng ký xét tuyển bằng các phương thức không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, căn cứ kế hoạch tuyển sinh của trường và hồ sơ của thí sinh đăng ký xét tuyển, các trường công bố công khai điều kiện trúng tuyển vào trường theo các phương thức này để thí sinh nhập học khi được công nhận tốt nghiệp THPT, nhằm bảo đảm quyền lợi cho các thí sinh chưa thể tham dự kỳ thi đợt 1.

Về công tác xét tuyển đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non đối với các thí sinh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT sẽ điều chỉnh lịch xét tuyển dự kiến tại Công văn số 1444/BGD-ĐT-GDĐH để có thể xét tuyển chung từ kết quả của cả hai đợt thi, như đã thực hiện năm 2020. Trong trường hợp vì lý do bất khả kháng mà kỳ thi đợt 2 được tổ chức muộn hơn nhiều, dẫn tới không thể tổ chức xét tuyển chung với thí sinh đã tham dự kỳ thi đợt 1, Bộ GD&ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn kịp thời, bảo đảm tốt nhất quyền lợi của thí sinh, đồng thời không gây ảnh hưởng lớn tới kế hoạch năm học của các trường.

Những tình huống bất ngờ

Chưa năm nào, số điểm thi, phòng thi dự phòng lại được sử dụng nhiều như năm nay. Dù công tác chuẩn bị đã khá kỹ càng, nhưng trong quá trình tổ chức thi, một số điểm thi đã phát hiện có thí sinh diện F0. Mỗi địa phương lại có cách ứng xử khác nhau, nơi khẩn cấp dừng thi với toàn bộ điểm thi, nơi vẫn tiếp tục thi và cho thí sinh cách ly ngay tại điểm thi.

Thí sinh dự thi tại điểm thi Trường THPT Trần Phú, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Ngay sau khi xuất hiện một số ca bệnh mới trên địa bàn huyện Đông Anh (Hà Nội), điểm thi Trường THPT Bắc Thăng Long đã tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở từng cán bộ, giáo viên, nhân viên, thí sinh và người nhà thí sinh duy trì nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch. Trực tiếp đi kiểm tra tại nhiều điểm thi trên địa bàn thành phố, ông Chử Xuân Dũng, Phó chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2021 TP Hà Nội đánh giá: “Nhờ công tác chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng, trong hai ngày qua, mặc dù trên địa bàn TP Hà Nội xuất hiện một số điểm dịch Covid-19, nhưng công tác tổ chức cũng như việc xử lý các tình huống trong kỳ thi đều được thực hiện một cách bài bản, chính xác, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh”.

Còn ở Bắc Giang, những “phút cuối”, Ban chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 của tỉnh đã điều chỉnh không tổ chức điểm thi Trường THPT Lạng Giang số 3 thi vào các ngày 7 và 8-7 và sẽ tổ chức thi vào đợt 2. Sự thay đổi bất ngờ này là do chiều 6-7, một thí sinh đăng ký dự thi tại điểm thi này sau khi làm thủ tục đã xét nghiệm nhanh ở trạm y tế có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.

Tương tự, tại Phú Yên, hai điểm thi tốt nghiệp THPT cũng đột ngột dừng thi, hơn 700 sĩ tử ở hai điểm thi này phải quay về nhà, chờ thi đợt 2. Ông Trần Khắc Lễ, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Phú Yên cho hay, quyết định dừng tổ chức thi ở hai điểm thi Trường THPT Trần Hưng Đạo (TP Tuy Hòa) và THPT Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Tây Hòa) khi nhận được thông tin có yếu tố dịch tễ liên quan đến trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2.

Tình hình dịch ở TP Hồ Chí Minh có phần phức tạp hơn, khi ngày thi đầu tiên, đã có 5 điểm thi phát sinh tình huống thí sinh liên quan đến Covid-19. Trước tình thế cấp bách, tại điểm thi Trường THCS Bàn Cờ (quận 3), các phòng thi liên quan đã tách thành hai. Sau khi thi xong, quận 3 đã xử lý xét nghiệm nhanh, khử khuẩn toàn bộ điểm thi và tiến hành cách ly các học sinh liên quan. Trường hợp tại điểm thi Trường THCS Lý Phong (quận 5), một thí sinh đã có kết quả 2 lần âm tính vào ngày 3 và 5-7, nhưng khi thi môn Văn vào sáng 7-7 lại nhận được kết quả dương tính từ y tế quận 5. Thí sinh đã được nghỉ thi buổi chiều. Điểm thi tách đôi phòng thi có liên quan và tổ chức khử khuẩn toàn bộ điểm thi...

Thí sinh trao đổi bài sau khi thi tại điểm thi Trường THPT Phan Huy Chú, Đống Đa, Hà Nội.

Tại các điểm thi xuất hiện F0, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, những trường hợp tiếp xúc được coi là F1, Bộ GD&ĐT đồng ý về việc tổ chức thi cho các thí sinh thuộc diện F1, F2 trong đợt thi này khi bảo đảm đầy đủ các nguyên tắc: Thí sinh đó có nguyện vọng dự thi vào các ngày 7 và 8-7; được sự đồng ý của ban chỉ đạo thi cấp tỉnh; phương án tổ chức thi cho những thí sinh này phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Về tình trạng lọt đề tại điểm thi Trường THPT Lệ Thủy, Quảng Bình, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho hay: "Bộ GD&ĐT đã phối hợp cùng lực lượng an ninh vào cuộc và xác định thí sinh tại điểm thi này mang điện thoại vào phòng thi. Các cán bộ coi thi tại phòng thi này đã viết bản tường trình và chúng tôi sẽ tiếp tục công tác điều tra trên tinh thần xử lý nghiêm các vi phạm".

Ấm lòng nghĩa cử mùa thi

Nếu như kỳ thi ở nhiều địa phương diễn ra khá “nóng” bởi thời tiết và tình hình dịch phức tạp thì việc giúp đỡ, chăm lo cho thí sinh và người nhà lại khiến mọi thứ như dịu lại. Hình ảnh thí sinh khuyết tật được các chiến sĩ công an phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội bế lên xe lăn, đưa vào tận chỗ ngồi trong phòng thi khiến không ít người xúc động bởi tinh thần học tập của em, cũng như sự hỗ trợ hết mình của các lực lượng để không một thí sinh nào bị “bỏ lại phía sau”.

Không chỉ thí sinh, mà ngay cả người nhà cũng được “tiếp sức mùa thi”. Ông Lê Đức Thuận, Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình, Hà Nội cho biết: Để bảo đảm công tác phòng dịch, tránh tụ tập đông người trước cổng trường, Ban chỉ đạo thi quận Ba Đình tiếp tục bố trí 6 điểm chờ cho phụ huynh học sinh tại 6 điểm thi trên địa bàn quận. Tại các điểm chờ, phụ huynh chờ đón thí sinh được hướng dẫn vào các vị trí theo đúng quy định về giãn cách, bảo đảm trật tự, vệ sinh an toàn phòng, chống dịch và thực hiện khai y tế.

Nhiều phụ huynh chia sẻ sự hài lòng khi về điểm nghỉ chờ với đầy đủ mái che, ghế, quạt, nước uống. Anh Lê Văn Đạo, ở xã Phụng Châu, Chương Mỹ, Hà Nội, chia sẻ, hai bố con hồi hộp không ngủ được, nên rời nhà lúc 5 giờ 30 phút, đến điểm thi được các lực lượng hỗ trợ chu đáo. Chứng kiến công tác an ninh, kiểm soát dịch, anh phần nào yên tâm hơn. Có thể thấy, những việc “tiếp sức” tuy không quá lớn nhưng lại đầy ắp tình người khiến mùa thi trở nên thân thiện, bớt căng thẳng.

Đề thi đáp ứng yêu cầu kép

Sau hai ngày với 4 môn thi (Ngữ văn, Toán, tổ hợp Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội, Ngoại ngữ), tuy đề thi môn Văn có một số nhận định gây tranh luận nhưng nhìn chung đề thi đáp ứng được mục tiêu của kỳ thi là vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa là cơ sở để các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh. Nội dung trọng tâm của đề trong chương trình lớp 12, đề thi môn tổ hợp có tính thời sự.

Thí sinh Vũ Dương, học sinh Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: Đề thi năm nay không quá khó để thí sinh phải rời phòng thi với tâm trạng buồn bã. Tuy nhiên, việc học và ôn thi đều online khiến học sinh rất mệt mỏi và không tập trung, tiếp thu tốt như học trên lớp.

Nhận định ban đầu về kỳ thi, ông Mai Văn Trinh cho rằng, chất lượng đề thi bám sát tinh thần của kỳ thi, có độ phân hóa hợp lý; những phần giảm tải do ảnh hưởng của dịch không được đưa vào đề thi. Còn với đề thi Ngữ văn, Bộ GD&ĐT trân trọng ghi nhận những góc nhìn, quan điểm khác nhau để tiếp thu và trao đổi với hội đồng đề thi. Dự kiến ngày 26-7 sẽ công bố kết quả chấm thi.

Nhìn nhận sơ bộ về kỳ thi, PGS, TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: Chính phủ chủ trương phát triển nền kinh tế trong tình hình dịch Covid-19, thì giáo dục cũng nên thế. Trên cơ sở kinh nghiệm năm trước, mùa dịch năm nay tuy nặng nề nhưng Bộ GD&ĐT vẫn quyết định tổ chức kỳ thi ở những nơi có điều kiện và làm tốt phương án phòng, chống dịch. Đây là quyết định phù hợp. Nếu chúng ta hoãn kỳ thi này thì sẽ có nhiều kế hoạch năm học khác bị ảnh hưởng theo... Việc tổ chức hai kỳ thi, có giá trị như nhau là chủ trương hợp lý, làm cho mọi người yên tâm..

Đối với những thí sinh tham gia thi đợt 1 nhưng phát hiện F0, PGS, TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Sẽ đặc cách xét tốt nghiệp thí sinh F0. Nếu thí sinh có nhu cầu tham gia xét tuyển đại học, cao đẳng thì ở đợt 2 các em vẫn có thể dự thi nếu có nguyện vọng. Những thí sinh đã thi môn nào thì được bảo lưu kết quả môn đó và thi những môn còn lại vào đợt 2.

Bài và ảnh: HÀ HOÀI - NHÃ KHOA

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Linh hoạt các phương án cho một kỳ thi đặc biệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO