Trong một số giai đoạn đặc biệt như khi mới nhận chẩn đoán ung thư, chờ đợi kết quả xét nghiệm, giai đoạn bệnh tiến triển nặng, phải thay đổi phác đồ điều trị, thời điểm tái phát hay di căn..., người bệnh ung thư có nguy cơ cao bị căng thẳng, tiêu cực. Lúc này, bệnh nhân cần được hỗ trợ thêm về tâm lý để vượt qua thời điểm khủng hoảng và duy trì sức khỏe thể chất cũng như tinh thần.
Một số dấu hiệu gợi ý của căng thẳng tâm lý ở người bệnh ung thư như:
- Lo lắng suy nghĩ quá nhiều.
- Ngủ kém, khó vào giấc hoặc tỉnh giấc nhiều lần, mệt mỏi.
- Ăn kém, hay buồn nôn hoặc nôn nhiều dù đã dùng thuốc chống nôn.
- Cảm giác bồn chồn, hồi hộp tim đập nhanh.
- Suy nghĩ tiêu cực, dễ khóc, buồn chán.
- Cảm xúc thay đổi nhanh chóng, dễ cáu gắt, khó chịu.
- Chậm chạp, ít nói hơn, mất hứng thú với mọi việc.
- Ít vận động, nằm nhiều tại chỗ, né tránh kể cả với người thân.
- Tăng các khó chịu về cơ thể như buồn nôn, nôn, đau đớn bất thường.
- Biểu hiện tăng huyết áp và tăng nhịp tim quá mức trước khi làm các thủ thuật/xét nghiệm, gây ảnh hưởng tới quá trình khám và điều trị.
- Nghĩ hoặc nói về cái chết một cách tiêu cực, có hành vi nguy hiểm cho bản thân...
Theo bác sĩ Bệnh viện K Trung ương, trong trường hợp các căng thẳng nhẹ và mới xuất hiện, người bệnh và gia đình có thể thực hành liệu pháp thư giãn hàng ngày để giảm các suy nghĩ lo lắng, tiêu cực, thư giãn cơ bắp, giảm mệt mỏi, giảm đau nhức cơ thể và tăng chất lượng giấc ngủ. Có nhiều loại kỹ thuật thư giãn như tập thiền, tập yoga, mát xa, hương trị liệu, âm nhạc trị liệu, nghệ thuật trị liệu, thủy trị liệu, thái cực quyền, thư giãn lần lượt từng nhóm cơ… Mỗi phương pháp có một số mặt ưu điểm riêng.
Dưới đây là phương pháp thở bụng sâu, tương đối đơn giản, dễ thực hành và có hiệu quả cao.
Tập luyện thở bụng sâu đúng cách và đều đặn đã được khoa học chứng minh có tác dụng giúp:
- Tăng lượng oxy cung cấp đến não và cơ.
- Kích thích hệ thần kinh phó giao cảm, từ đó giúp cơ thể bình tĩnh hơn.
- Có cảm giác tốt hơn về sự kết nối giữa tâm trí và cơ thể. Lo lắng sẽ làm cho người bệnh cảm giác như mọi thứ "đang bốc lên đầu", một vài phút thở bụng sâu sẽ giúp họ bình an trở lại.
- Giúp cơ thể bài tiết các chất độc tốt hơn đặc biệt qua phổi.
- Cải thiện sự tập trung.
Bài tập thở bụng sâu
- Đầu tiên, hãy chủ động cảm nhận mức độ căng thẳng của bản thân. Bạn hãy nằm hoặc ngồi trong tư thế thoải mái, đặt một tay lên bụng ngay dưới khung xương sườn.
- Hít vào sâu và từ từ qua mũi cho đến tận "đáy" phổi, cảm nhận không khí đi xuống phổi càng thấp càng tốt.
- Khi đã hít thật sâu, hãy ngừng thở một chút, rồi thở ra một cách từ từ qua mũi hay miệng. Khi thở ra, chú ý để toàn cơ thể thả lỏng và thở ra hoàn toàn.
Người bệnh có thể thực hành tăng dần 5-10 nhịp thở bụng sâu và chậm. Hãy cố gắng giữ nhịp thở trơn tru và đều đặn, không để bị hụt hơi hay thở ra đột ngột, gấp gáp. Người tập có thể tự đếm thầm trong đầu từ 1 đến 4 khi đang hít vào và sau đó cũng đếm từ 1 đến 4 khi thở ra để giúp nhịp thở chậm hơn. Cố gắng ngừng lại một chút vào cuối mỗi thì hít vào nếu có thể.
Phương pháp này chỉ có giá trị khi tập đều đặn, vào thời điểm nhất định trong ngày (ví dụ sáng sớm và trước khi đi ngủ, hoặc lúc nghỉ trưa), mỗi ngày ít nhất tập 2 lần, mỗi lần ít nhất 5 phút, nên tăng dần thời gian tập.