Liên Xô đã 'đơn thương, độc mã' giải phóng Berlin như thế nào?

30/04/2024 14:27

Chiến dịch giải phóng Berlin là hoạt động quân sự quy mô lớn cuối cùng diễn ra ở châu Âu trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Trận chiến quyết định này có điểm khá đặc biệt là chỉ có Hồng quân Liên Xô tham chiến, trong khi các quốc gia đồng minh như Mỹ và Anh không tham gia.

Trận chiến tại Berlin có thể coi là một trong những hoạt động quân sự lớn nhất trong lịch sử loài người với khoảng 3,5 triệu quân, 50.000 phương tiện chiến đấu và 10.000 xe tăng của hai bên tham chiến. Trận chiến bắt đầu từ ngày 16-4 và kết thúc vào ngày 30-4-1945.

Tại sao lực lượng đồng minh không tham chiến ở Berlin?

Hồng quân Liên Xô bắt đầu tấn công Berlin trong khi lực lượng đồng minh vẫn ở cách thành phố hơn 100km. Năm 1943, Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt tuyên bố “Mỹ phải chiếm được Berlin”. Đồng quan điểm, Thủ tướng Anh Winston Churchill cũng đồng ý rằng thủ đô của Đức Quốc xã không được rơi vào tay Liên Xô.

Các đơn vị Hồng quân chiến đấu trên đường phố Berlin. Ảnh: Rian

Tuy nhiên, vào mùa Xuân năm 1945, lực lượng đồng minh đã không thực hiện bất kỳ nỗ lực nào tiếp cận Berlin. Nhà sử học người Anh John Fuller gọi đây là "một trong những quyết định kỳ lạ nhất từng được đưa ra trong lịch sử quân sự". Theo đánh giá của nhà sử học người Nga Andrey Soyustov, có ít nhất hai lý do dẫn đến quyết định kỳ lạ trên.

Đầu tiên, theo các thỏa thuận sơ bộ, bao gồm cả các hiệp định được ký kết ở Yalta, Berlin nằm trong khu vực hoạt động quân sự của Liên Xô. Đường phân giới giữa Liên Xô và các lực lượng đồng minh là dọc theo sông Elbe. Nhà sử học Andrey Soyustov giải thích: “Việc tham chiến ở Berlin có thể phản tác dụng và dẫn tới việc Liên Xô không mở mặt trận chống lại phát xít Nhật Bản”.

Lý do thứ hai để không tấn công vào đầu não của Đức Quốc xã là quân đồng minh đã gánh chịu nhiều thương vong khi chiến tranh sắp kết thúc. Ông Andrei Soyustov lưu ý rằng, sau cuộc đổ bộ lên Normandy (Pháp) ngày 6-6-1944 đến tháng 4-1945, quân đồng minh đã tránh né các trận chiến nhằm vào các độ thị lớn.

Thực tế đã chứng minh, Hồng quân Liên Xô chịu thương vong lớn để giải phóng Berlin dù có ưu thế gần như tuyệt đối về quân số và hỏa lực. Có khoảng 20.000 chiến sĩ Hồng quân thiệt mạng và hơn 80.000 người khác bị thương trong chiến dịch. Phía phát xít Đức cũng chịu những tổn thất rất lớn trong trận chiến.

Cuộc tiến công bất ngờ trong đêm tối với đèn pha

Trước khi trận chiến ở Berlin diễn ra, thành phố này đã bị Hồng quân Liên Xô vây 3 mặt. Mũi tiến công chủ yếu được giao cho Phương diện quân Belarus thứ nhất do Nguyên soái Georgy Zhukov chỉ huy với nhiệm vụ công phá vị trí kiên cố Seelow Heights ở ngoại vi thành phố.

Cuộc tấn công bắt đầu vào đêm 16-4 với trận pháo kích khủng khiếp “làm mềm” phòng tuyến của quân phát xít. Trước khi trời sáng, các đơn vị xe tăng xung kích cùng bộ binh tùng thiết của Hồng quân tiến lên với sự hỗ trợ của các đèn pha cỡ lớn chiếu từ hậu tuyến. Dù chiến thuật của Liên Xô khiến các đơn vị phòng thủ phát xít bất ngờ, nhưng Hồng quân cũng phải mất vài ngày để chiếm được Seelow Heights.

Tổng lực lượng phòng thủ Berlin của phát xít Đức vào khoảng 1 triệu quân, còn lực lượng Hồng quân tấn công gấp 2,5 lần. Ngay khi bắt đầu chiến dịch Berlin, Liên Xô đã thành công chia cắt phần lớn đơn vị phát xít khỏi thành phố. Hồng quân chỉ phải đối đầu với khoảng vài trăm nghìn quân, bao gồm cả Volkssturm (dân quân) và đoàn thanh niên Hitler. Ngoài ra, tham chiến còn có nhiều đơn vị SS từ các nước châu Âu khác.

Xe tăng, pháo tự hành và pháo kéo đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch giải phóng Berlin. Ảnh: Rian 

Xe tăng và pháo tự hành là hạt nhân của cuộc chiến đô thị

Quân phát xít phòng thủ Berlin đã chiến đấu trong 2 phòng tuyến xung quanh thành phố. Các ngôi nhà biến thành pháo đài với hầm ngầm và lỗ châu mai. Để vượt qua chúng, Hồng quân mất rất nhiều thời gian và cả xương máu.

Mối đe nguy hiểm nhất với Hồng quân là vũ khí chống tăng, bazooka (một loại súng chống tăng không giật) và lựu đạn cầm tay vì các đơn vị xung kích phụ thuộc nhiều vào hỏa lực của xe tăng và pháo tự hành khi tấn công. Môi trường tác chiến đô thị đã khiến lực lượng phòng thủ phát xít phát huy tối đa hiệu quả của vũ khí chống tăng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhà sử học Andrey Soyustov, với điều kiện thời điểm đó, việc Hồng quân sử dụng chiến thuật tác chiến xe tăng trong đô thị là hợp lý.

"Nhờ sử dụng nhiều xe tăng và xe chiến đấu, Hồng quân có trong tay những đơn vị cơ động và hỏa lực mạnh giúp các đơn vị xung kích tiến lên. Mọi chướng ngại vật đều được dọn dẹp bằng hỏa lực”, nhà sử học Andrey Soyustov cho biết.

Chiến thuật được Hồng quân sử dụng trong chiến dịch giải phóng Berlin được xây dựng dựa trên kinh nghiệm chiến trường ở Stalingrad. Quân đội Liên Xô đã thành lập các đơn vị xung kích, trong đó xe tăng đóng vai trò hạt nhân. Các đợt tấn công thường được tổ chức như sau: Bộ binh di chuyển dọc hai bên đường, kiểm tra cửa sổ để xác định các nguy cơ và vị trí hỏa lực của đối phương. Ngay khi lính phát xít khai hỏa, binh sĩ Hồng quân sẽ lùi lại để chờ xe tăng và pháo tự hành dọn dẹp. Tuy nhiên, có những trường hợp xe tăng và pháo tự hành bị cô lập khỏi bộ binh tùng thiết và trở thành “mồi ngon” cho các đơn vị phòng thủ của phát xít.

Giành giật Reichstag

Đỉnh điểm của chiến dịch Berlin là trận chiến giành Reichstag hay tòa nhà Quốc hội phát xít Đức. Vào thời điểm đó, nó là tòa nhà cao nhất ở trung tâm thành phố và việc chiếm giữ có ý nghĩa biểu tượng quan trọng. Nỗ lực đầu tiên chiếm Reichstag được Hồng quân thực hiện vào ngày 27-4 nhưng thất bại.

Bước ngoặt xảy ra vào ngày 29-4, Hồng quân chiếm giữ tòa nhà kiên cố của Bộ Nội vụ để làm bàn đạp tiến vào Reichstag. Cuối cùng, các chiến sĩ Hồng quân đã kiểm soát Reichstag vào tối 30-4-1945.

Lá cờ của Sư đoàn bộ binh số 150 đã được kéo lên trên nóc Reichstag. Ảnh tư liệu/Rian

Sáng sớm 1-5, lá cờ của Sư đoàn bộ binh số 150 đã được kéo lên trên nóc Reichstag, trở thành lá cờ Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.

Trong ngày 30-4-1945, Adolf Hitler đã tự sát trong hầm trú ẩn. Đến giây phút cuối cùng, trùm phát xít vẫn hy vọng rằng quân đội từ các vùng khác của Đức sẽ đến hỗ trợ phòng thủ Berlin, nhưng điều này đã không xảy ra. Toàn bộ lực lượng phòng thủ thành phố đầu hàng vào ngày 2-5-1945.

TUẤN SƠN (tổng hợp theo RIAN, RBTH)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quân sự thế giới xem các tin, bài liên quan.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Liên Xô đã 'đơn thương, độc mã' giải phóng Berlin như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO