Trước thực trạng liên tiếp xảy ra ngộ độc methanol, Phòng Thông tin, Giáo dục, Truyền thông - Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TPHCM cảnh báo về việc sử dụng rượu không đảm bảo an toàn dẫn đến ngộ độc rượu.
Theo đó, ngộ độc rượu là do lạm dụng rượu hoặc sử dụng rượu không bảo đảm an toàn thực phẩm (sử dụng rượu được sản xuất từ phương pháp lên men thủ công dễ tạo ra methanol, rượu pha chế từ cồn công nghiệp có chứa methanol hoặc cồn methanol, rượu ngâm thuốc, rượu ngâm cây rừng độc, rượu ngâm phủ tạng động vật,...).
Thường gặp 2 loại ngộ độc rượu chính là ngộ độc rượu etylic (ethanol) và ngộ độc rượu metylic (methanol).
Về cách xử trí ngộ độc rượu ethanol, Ban Quản lý ATTP TPHCM khuyến cáo khi say rượu, cho bệnh nhân nằm nghỉ nơi yên tĩnh; có thể cho uống 10-20 giọt amoniac hay 1-5g amonium acetat trong một cốc nước muối.
Với tình trạng ngộ độc rượu, nếu bệnh nhân mất ý thức, lơ mơ hoặc có biểu hiện ngừng thở, hôn mê, co giật, cần đưa ngay đến cơ sở điều trị gần nhất để được cấp cứu và điều trị kịp thời.
Về xử trí ngộ độc rượu methanol, đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở điều trị gần nhất để được hồi sức cấp cứu và điều trị kịp thời.
Trước thực trạng liên tiếp xảy ra ngộ độc methanol, ngày 9.8, Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP TPHCM vừa ban hành kế hoạch triển khai công tác kiểm tra an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh rượu, đồ uống có cồn trên địa bàn thành phố. Dự kiến thời gian kiểm tra từ ngày 15.8 đến hết năm 2022.