Liên tiếp trẻ nhập viện vì chó cắn

Lệ Hà| 04/11/2023 09:59

Liên tiếp các ca chó cắn người xảy ra trong thời gian ngắn, nhiều ca rất nặng, nguy hiểm tính mạng. Trong khi đó, người nuôi chó không chấp hành quy định pháp luật nhưng chính quyền các địa phương còn thờ ơ, buông lỏng xử lý vi phạm.

Liên tiếp trẻ nhập viện vì chó cắn
Các bác sĩ điều trị bệnh nhi bị 4 con chó tấn công tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Khánh Chi

Nhiều trẻ bị đa thương tích, nguy hiểm đến tính mạng

Từ đầu tháng 10 đến nay, khoa Chỉnh hình (Bệnh viện Nhi Trung ương) đã tiếp nhận 3 trường hợp trẻ bị chó cắn phải nhập viện. Các bệnh nhi đều trong tình trạng đa thương tích gây nguy hiểm đến tính mạng. Trong đó, có trường hợp bé gái 7 tuổi ở Hà Nội bị 4 con chó lao vào tấn công.

Trước đó bé được bố đưa đến nơi làm việc. Trong lúc bố không để ý, bé bị 4 con chó do chủ nhà nuôi bất ngờ lao vào tấn công, dẫn tới hàng trăm vết thương trên cơ thể, nguy hiểm đến tính mạng… Ngay sau đó, gia đình nhanh chóng đưa bé đến Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu.

4 con chó vốn được chủ nhà nuôi nhốt nhưng tại thời điểm xảy ra sự việc, chúng được thả rông, không đeo rọ mõm.

Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ đã tiến hành hồi sức cấp cứu, giảm đau và đưa thẳng bệnh nhi vào phòng mổ. Trẻ được phẫu thuật cắt lọc, làm sạch các vết thương có lẫn đất, cát, lông chó… trong đó có vết thương dài 13cm. Sau phẫu thuật, bé đã thoát khỏi tình trạng nguy hiểm tính mạng. Tuy nhiên tâm lý của bé vẫn còn bị sang chấn nặng nề do cùng lúc bị 4 con chó tấn công.

Một trường hợp khác, bé trai 4 tuổi ở Huế trong lúc ra đường chơi đã bị chó dữ cắn nhiều vết ở chân phải nhập viện cấp cứu và tiêm phòng dại. Do có nhiều vết thương sâu, phức tạp, trong đó có vết thương dài gần 20cm, nên bệnh nhi được các bác sĩ phẫu thuật, cắt lọc làm sạch các vết thương, loại bỏ da, cơ có nguy cơ hoại tử.

Cảnh báo nhiều nhưng không xử lý được

Tại Điều 7, Nghị định 90 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y nêu rõ sẽ phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với các hành vi: Không tiêm phòng vaccine phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng; không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.

Ông Nguyễn Lương Tâm - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - cho biết, mặc dù đã có vaccine nhưng thế giới vẫn ghi nhận gần 60.000 ca tử vong vì bệnh dại mỗi năm.

Tại Việt Nam, gần 500.000 người bị chó mèo cắn phải điều trị dự phòng bằng vaccine dại tại các cơ sở y tế. Từ đầu năm đến nay cả nước đã ghi nhận 64 ca tử vong do bệnh dại, trong đó Gia Lai ghi nhận 11 ca tử vong, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022.

Trung bình mỗi năm Việt Nam có nửa triệu người bị chó cắn phải điều trị y tế dự phòng, gây thiệt hại kinh tế rất lớn thì giải pháp bắt chó thả rông chỉ giải quyết vấn đề ở phần ngọn. Bởi gốc rễ là người nuôi không chấp hành quy định pháp luật trong khi chính quyền địa phương nhiều nơi chỉ vào cuộc khi xảy ra các vụ chó cắn người gây hậu quả nghiêm trọng.

Ông Đặng Bá Khanh - Phó Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh Chi cục chăn nuôi và thú y Hà Nội (Bộ NNPTNT) cho biết, việc phát hiện dại trên động vật khó hơn so với ở người. Tuy nhiên, đến tháng 9.2023 đã xảy ra 274 ca bệnh dại trên động vật tại 30 tỉnh, thành phố. Hiện nay dù tổng đàn chó, mèo cao (trên 7,4 triệu con) nhưng tỉ lệ tiêm phòng chó, mèo thấp. Chỉ có 12 tỉnh đạt tỉ lệ tiêm phòng trên 70% tổng đàn. Chó mắc bệnh dại chủ yếu là chó không xác định được chủ và chưa được tiêm phòng vaccine.Bên cạnh đó tình trạng chó thả rông, không đeo rọ mõm phổ biến dẫn đến việc người bị cắn trọng thương, tử vong gây bức xúc trong xã hội. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống bệnh dại chưa được thường xuyên. Sự phối hợp ở cấp huyện, xã giữa ngành thú y và ngành y tế còn rất hạn chế.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Liên tiếp trẻ nhập viện vì chó cắn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO