Liên tiếp cháy ô tô trên đường, cách nào tránh 'bà hỏa' ghé thăm xe mùa nóng?

25/06/2024 09:05

Chỉ từ đầu mùa hè đến nay, nhiều vụ cháy xe đến trơ khung trên đường đã được ghi nhận. Các chuyên gia về kỹ thuật ô tô cho rằng, nguy cơ cháy xe vào mùa nắng nóng sẽ cao hơn mùa lạnh.

Liên tiếp cháy xe trên đường

Mới đây, vụ việc một chiếc Mazda3 đang lưu thông trên đường Trần Phú giao với Xô Viết Nghệ Tĩnh (TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) bất ngờ bị cháy rụi đã thu hút được sự chú ý của cộng đồng.

Đáng nói, chiếc Mazda3 này đang được chủ nhân để ở đại lý Mazda Hà Tĩnh từ 31/5 để sửa chữa vì trước đó xe bị ngập nước nhẹ. Sau khi sửa xong, chiều ngày 21/6, hai nhân viên của đại lý trên đã chạy thử trước khi bàn giao cho khách thì bất ngờ phát hiện khói bốc lên từ đầu xe nên đã tắt máy rời khỏi xe.

Ngọn lửa quá lớn khiến chiếc Mazda3 đã bị cháy rụi hoàn toàn phần đầu xe và hư hỏng nặng nội thất bên trong. Ước tính, giá trị thiệt hại khoảng 250 triệu đồng. Chủ xe sau đó cho biết, sẽ yêu cầu phía đại lý Mazda Hà Tĩnh đền bù thỏa đáng.

xe cháy Mazda3.jpeg
Chiếc Mazda3 bị cháy rụi phần đầu và khoang nội thất. (Ảnh: TL)

Thực tế, việc một chiếc xe đang chạy "bon bon" trên đường bỗng nhiên bốc cháy như chiếc Mazda3 ở Hà Tĩnh nói trên không phải hiếm gặp. Chỉ riêng từ đầu hè đến nay, đã có không dưới 10 vụ cháy xe ô tô được ghi nhận.

Ngày 18/6, một chiếc xe ô tô hiệu Toyota Rush đang lưu thông trên quốc lộ 1 (thuộc địa phận phường An Bình, TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương) thì bất ngờ bốc cháy. Ngọn lửa nhanh chóng lan nhanh và bao trùm toàn bộ chiếc xe khiến nhiều người đi hoảng sợ, tài xế nhanh chóng mở cửa bỏ chạy ra ngoài để thoát thân.

Lực lượng chức năng đã nhanh chóng đến hiện trường điều tiết giao thông và dập tắt vụ cháy. Tại hiện trường, chiếc xe ô tô 7 chỗ bị cháy chỉ còn trơ khung.

chay xe Binh Duong.jpeg
Chiếc Toyota Rush bị cháy trơ khung khi đang lưu thông trên đường. (Ảnh cắt từ clip cho người dân cung cấp)

Trước đó, vào trưa ngày 13/6, tại ngã tư đường Láng giao cắt với phố Nguyễn Chí Thanh (Đống Đa, Hà Nội) đã xảy ra vụ cháy xe taxi hiệu Hyundai Grand i10. Ngọn lửa bắt nguồn từ phía bên trong xe và nhanh chóng bùng ra ngoài khiến chiếc xe còn trơ khung chỉ trong vài phút.

Theo nhân chứng tại hiện trường, khi thấy khói lửa bốc lên, tài xế đã nhanh chóng đỗ xe vào làn đường dành cho xe đạp ngay cạnh sông Tô Lịch thuộc tuyến đường Láng. Lửa bốc lên dữ dội làm vỡ kính xe và cháy nội thất trong xe.

Taxi chay Nguyen Chi Thanh.jpeg
Chiếc taxi hiệu Hyundai Grand i10 cũng bị bốc cháy ngay khi đi đường. (Nguồn ảnh: Hoàng Tuấn)

Cũng vào trưa ngày 13/6, một chiếc xe ô tô 7 chỗ hiệu Mitsubishi Xpander đang di chuyển trên đường quốc lộ 37B (đoạn qua địa phận xã Giao Yến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) cũng bất ngờ bốc cháy. Sau đó, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ địa phương đã có mặt dập lửa và khống chế đám cháy. Tuy vậy, chiếc Xpander cũng đã bị hư hỏng nặng, may mắn không có thiệt hại về người.

(Nguồn video: Otofun)

Thậm chí, có trường hợp dù đang dừng đỗ cũng bất ngờ bốc cháy, gây thiệt hại nặng nề. Đơn cử như vào trưa ngày 2/5, một chiếc xe hạng sang hiệu BMW khi đang dừng đỗ trên lề đường Ngô Thì Sỹ (Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội) bất ngờ bốc cháy, khói nghi ngút. Lúc này, chủ xe đã rời đi nên không hề hay biết xe mình bị cháy. Lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường, khống chế đám cháy nhưng chiếc xe sau đó chỉ còn trơ khung sắt.

Xe BMW cháy trơ khung.jpeg
Chiếc BMW cháy trơ khung tại quận Hà Đông, Hà Nội vào ngày 2/5 (Ảnh: MXH Giao thông)

Cách gì để ngăn ngừa?

Nhận định về một số vụ cháy xe mới đây, kỹ sư ô tô Dương Trung Kiên - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Ô tô Kiên Phong (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, cháy xe ô tô có thể đến từ nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan và mỗi trường hợp lại rất khác nhau.

Kỹ sư Kiên chỉ ra một số nguyên nhân dễ gặp như: xe bị rò rỉ hệ thống đường dẫn nhiên liệu; xe đã sửa chữa và độ các bộ phận điện gây quá tải, chập cháy; động cơ bị quá nhiệt hoặc có thể xe vướng vào rơm rạ, lá cây khô trên đường, sau đó bắt vào các bộ phận có nhiệt độ cao trên xe,...

"Có vô vàn nguyên nhân gây cháy xe, đặc biệt vào mùa hè như hiện nay. Khi thời tiết nắng nóng cao điểm, các bộ phận của xe dễ quá nhiệt, gây nguy cơ chập cháy cao hơn so với mùa lạnh", anh Kiên chia sẻ.

Ống xả bị nung đỏ.jpeg
Ống xả của một chiếc ô tô bị nung nóng đỏ khi hoạt động vào mùa hè. (Ảnh: Đoàn Hưng Việt/OFFB)

Theo vị chuyên gia này, dù xe bất ngờ bị cháy là khá hy hữu, nhưng vẫn có thể xảy ra với bất cứ ai, trên bất cứ chiếc xe nào, đặc biệt là các dòng xe cũ.

Để hạn chế điều này, kỹ sư Dương Trung Kiên đưa ra một số lời khuyên khi sử dụng ô tô như sau:

- Thường xuyên kiểm tra và bảo dưỡng xe định kỳ. Kịp thời phát hiện những hỏng hóc, thay thế phụ tùng không đảm bảo, đã bị lão hóa do sử dụng lâu ngày để xe luôn ở tình trạng kỹ thuật tốt.

- Không nên tự ý độ chế, lắp thêm các thiết bị vào hệ thống điện của xe như đèn, hệ thống âm thanh,... không đúng hướng dẫn của nhà sản xuất xe. Việc này khiến hệ thống điện của xe rất dễ quá tải, chập cháy. Ngoài ra, cần chú ý xem có chuột cắn hệ thống dây điện, dây dẫn nhiên liệu trong khoang lái hay không để kịp thời khắc phục.

- Hạn chế lái xe liên tục trong thời gian dài dưới điều kiện nhiệt độ cao. Cần có thời gian nghỉ ngơi phù hợp cho cả người và phương tiện. Thường xuyên để ý kim báo nhiệt độ của xe để có hướng xử lý trong trường hợp xe bị quá nhiệt.

- Thận trọng khi đi qua các khu vực có chất dễ cháy như rơm rạ, lá cây khô, bọc ni-lon. Khi qua các khu vực này, cần dừng xe để kiểm tra gầm một lần nữa trước khi rời đi.

- Khi không may phát hiện xe có khói và bốc cháy, cần lập tức dừng xe lại ở nơi thoáng đãng, tránh xa các chất dễ cháy và các phương tiện khác, sau đó lập tức tắt khoá điện, đưa người trong xe ra ngoài và sử dụng các công cụ như bình chữa cháy, nước, cát,... để xử lý tại chỗ.

Bạn có nhận định gì về các trường hợp cháy xe nói trên? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận. Mời bạn đọc chia sẻ video, thông tin tới Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Liên tiếp cháy ô tô trên đường, cách nào tránh 'bà hỏa' ghé thăm xe mùa nóng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO