Mâu thuẫn nhỏ cũng xử lý bằng bạo lực
Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần lễ, 5 vụ học sinh đánh nhau được báo chí đăng tải.
Điều đáng nói, phần lớn nguyên nhân chỉ do xích mích hoặc mâu thuẫn nhỏ nhưng các em đã chọn cách xử lý bạo lực.
Cụ thể ngày 18/3, mạng xã hội lan truyền một đoạn clip ghi lại một nhóm nữ sinh lớp 8 ở Đồng Tháp đánh một nữ sinh khác bằng mũ bảo hiểm và kèm lời lẽ thô tục.
Clip cũng cho thấy, nhiều người đứng xung quanh nhưng chỉ hò hét, cổ vũ và không ai can ngăn. Sự việc chỉ dừng lại khi có một người hô lên "công an kìa".
Được biết, nguyên nhân xảy ra xô xát là do các em có mâu thuẫn trong chuyện tình cảm.
Ngày 17/3, clip dài 22 giây, ghi lại cảnh 2 nữ sinh đánh nhau. Một trong hai nữ sinh bị người kia lột áo vứt xuống ruộng, kéo lê trên đường.
Sự việc bị tung lên mạng xã hội khiến nhiều người lo lắng. Cùng với đó, nhiều học sinh xung quanh chứng kiến sự việc nhưng không hề can ngăn.
Qua điều tra của cơ quan chức năng cho thấy, nguyên nhân xảy ra xô xát là mâu thuẫn cá nhân chỉ vì một chiếc áo.
Mấy ngày trước đó (14/3), tại huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang) cũng xảy ra vụ nữ sinh lớp 8 đánh nhau với nữ sinh lớp 10.
Nguyên nhân ban đầu được xác định, các nữ sinh mâu thuẫn từ lời lẽ và chuyện tình cảm.
Trưa 12/3, trên mạng xã hội lan truyền clip quay lại cảnh một nữ sinh đánh, giật tóc, tát, đấm thẳng vào mặt... một nữ sinh khác vô cùng tàn bạo, lạnh lùng ngay ở bục giảng lớp học tại Trường THPT Phan Đăng Lưu, TP Hồ Chí Minh.
Xung quanh, rất nhiều người khác chứng kiến sự việc nhưng không ai có động thái can thiệp.
Hầu hết học sinh ngồi nói chuyện, sử dụng điện thoại, quay clip cười đùa lớn tiếng, cổ vũ ngay khi bạn bị đánh.
Có học sinh còn nói: "Đây là hiện trường hai bạn lớp mình đánh nhau mọi người".
Nguyên nhân được cho là các em có mâu thuẫn với nhau từ trước, chủ yếu mâu thuẫn qua mạng xã hội.
Làm gì để trẻ bớt xấu tính và bạo lực?
TS tâm lý Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Trường ĐHSP Hà Nội cho rằng, nhiều trường coi trọng dạy chữ nhưng chưa chú trọng dạy đạo đức, lối sống. Chưa kể, nhiều gia đình buông lỏng, nuông chiều khiến học sinh hư.
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục- ĐHQG Hà Nội) lại nhận định, những lo lắng và hình mẫu bạo lực dồn nén, có thể là nguyên nhân dẫn đến những hành vi xấu tính và bạo lực trong giới trẻ.
Nhà trường, giáo viên áp lực "chạy" chương trình. Học sinh áp lực học tập, thi cử. Bố mẹ có hành vi bạo lực trong các gia đình mà có thể học sinh là nạn nhân hoặc người chứng kiến...
Đặc biệt các chính sách về tuyển sinh, thậm chí là hộ khẩu xét tuyển thay đổi, khiến các em lo lắng một phần, nó còn khiến phụ huynh lo lắng và phóng chiếu vào con cái càng thêm căng thẳng.
Việc hạn chế tụ tập vì đại dịch Covid-19, học sinh gắn chặt với các thiết bị công nghệ khiến nhiều em bị quấy rối, bắt nạt, tiếp xúc với các nội dung xấu độc trên mạng, trong đó có cả các chất liệu bạo lực.
Tất cả những điều trên, đều có thể là nguyên nhân khiến học sinh trở nên lo lắng, bất an và bộc phát thành hành vi xấu tính, thậm chí bạo lực.
Cũng theo PGS.TS Trần Thành Nam, để giải quyết bạo lực học đường, không phải ngày một ngày hai.
Trước hết, trường học không nên chăm chăm vào việc đuổi kịp chương trình, áp lực thi cử, điểm số.
Nhà trường hãy dành thời gian cho các hoạt động giao lưu và giáo dục ngoài giờ lên lớp để học sinh giải tỏa, cân bằng tâm lý.
Lưu ý rằng, sức khỏe tinh thần của các em thời gian này quan trọng hơn là kiến thức và muốn cập nhật chương trình nhanh, trước hết phải từ từ.
Cùng với việc học, hãy hỗ trợ tâm lý học sinh ngay khi cần thiết. Mọi xích mích nhỏ phải được để tâm tới. Không nên để xảy ra những vụ việc bắt nạt, bạo lực và hệ quả, một số em sau khi đánh nhau đã có tâm lý bỏ nhà ra đi.
Đặc biệt và quan trọng hơn cả là gia đình. Theo TS. Thành Nam, các gia đình cần quan tâm, chú ý để nhận ra các dấu hiệu con cái stress hoặc lo lắng.
Hãy chia sẻ những lời nhắn nhủ khi con đến trường. Nếu con có một số cảm xúc lo lắng, hãy dạy con tự nghĩ về những thông điệp tích cực. Ví dụ, mình có thể vượt qua được, mọi việc sẽ ổn thôi, không phải chỉ riêng mình mình có những cảm xúc như thế.
Cho dù bất cứ kì thi nào hay áp lực gì, bố mẹ cũng bình tĩnh và chú ý giúp con cân bằng giữa hoạt động trí não, không quá dồn sự lo lắng của bố mẹ về việc học hay thi cử cho con khiến trẻ càng thêm áp lực.
Hạnh Nguyên