Liên tiếp ba dự thảo luật gây tranh cãi, Tổng Thư ký Quốc hội nói gì?

17/11/2020 18:51

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định các dự luật đều cần phải có thời gian xem xét đánh giá kỹ lưỡng và đảm bảo đúng các quy trình lập pháp.

Ba dự thảo luật gây tranh cãi

Chiều 17/11, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì Họp báo công bố kết quả Kỳ họp 10, Quốc hội khoá XIV. Trong 2 ngày họp cuối cùng, Quốc hội thảo luận ba dự án luật là Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Tuy nhiên cả ba đều gây tranh cãi và không nhận được sự đồng thuận cao từ các đại biểu Quốc hội.

Theo phiếu lấy ý kiến, 321/414 đại biểu Quốc hội không đồng ý chuyển việc quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an. Ý kiến về việc có tách Luật Giao thông đường bộ thành hai luật hay không, kết quả có 302 ý kiến không tán thành việc tách luật, tương đương 62,79% tổng số đại biểu Quốc hội.

60,29% tổng số đại biểu Quốc hội cũng cho rằng chưa cần thiết xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Liên tiếp ba dự thảo luật gây tranh cãi, Tổng Thư ký Quốc hội nói gì?  - 1

Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc.

Trả lời về câu hỏi của phóng viên đánh giá đây là bước lùi hay bước tiến trong công tác lập pháp, ông Phúc khẳng định "đây có thể là cả tiến cả lùi".

"Đây là một những nội dung liên quan tới an ninh trật tự, an toàn giao thông. Tuy nhiên, do thời gian gấp gáp, cần có thời gian xem xét đánh giá kỹ lưỡng", ông Phúc khẳng định.

Cũng theo ông Phúc, các quy trình liên quan được đảm bảo. Theo đó, tất cả các nội dung báo cáo, tác động đánh giá được đảm bảo đúng quy trình trình ra cho Ủy ban thẩm tra, Ủy ban Quốc hội xem xét. Nếu đủ điều kiện thì trình Quốc hội. Sau đó, Quốc hội cho ý kiến rồi xin ý kiến của các ĐBQH. Ý kiến này là cơ sở để ban soạn thảo tiếp thu, hoàn chỉnh dự án luật.

"Đây mới chỉ là quá trình cho ý kiến chứ không phải là thông qua. Do đó mới cần việc lấy phiếu để xem đề xuất của ĐBQH", ông Phúc nhấn mạnh.

Chung quan điểm, tướng Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - an ninh bày tỏ sự tiếc nuối khi các đại biểu Quốc hội chưa bao quát hết được nội dung 2 dự án luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

'Chưa cần thiết' xây dựng lực lượng bảo vệ ANTT cơ sở

Cũng trong chiều 17/11, về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc gửi phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan.

Kết quả, 60,29% tổng số đại biểu Quốc hội (290 người) cho rằng chưa cần thiết xây dựng Luật này. 96 đại biểu có ý kiến ngược lại.

Với nội dung "đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự án luật", 42,83% tổng số đại biểu (206 người) không đồng ý với đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự án Luật. 169 đại biểu (35,14%)  đồng ý, số còn lại không chọn phương án nào hoặc có ý kiến khác.

Trước đó, trong phiên thảo luận sáng về dự luật này, nhiều đại biểu lo ngại việc dự luật sẽ làm tăng biên chế và đặt nặng vấn đề ngân sách lên vai các địa phương.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Liên tiếp ba dự thảo luật gây tranh cãi, Tổng Thư ký Quốc hội nói gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO