Trình diễn trang phục truyền thống trong Ngày hội văn hoá truyền thống người Bhnong huyện Phước Sơn năm 2023. Ảnh: Đoàn Hữu Trung -TTXVN
Quảng Nam hiện có hơn 30 làng nghề truyền thống được công nhận. Các làng nghề này luôn được du khách, nhất là khách quốc tế yêu thích khi đến vùng đất này. Tuy vậy, các làng nghề hiện đều độc lập nhau, chưa có sự kết nối trong phát triển du lịch. Vì vậy, nhiều làng nghề mong muốn có sự liên kết tạo nên tour du lịch hoặc chuỗi sản phẩm có giá trị cao.
Nghệ nhân Bling Bloo (Làng du lịch cộng đồng Nước Lang, xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn) chia sẻ, làng du lịch cộng đồng có nhiều nghề truyền thống của đồng bào Bhnong. Người Bhnong còn bảo tồn và trình diễn thuần thục nhiều nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, đục tượng. Tuy nhiên, các hoạt động của làng nghề cũng như sản phẩm làm ra đều chưa có sự kết nối với khách hàng, với làng nghề khác. Mỗi khi khách đến tham quan làng, nghệ nhân mới có dịp trình diễn nghề và bán sản phẩm.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho biết, cùng với các sản phẩm chủ lực của thành phố là tham quan phố cổ, trải nghiệm hoạt động du lịch biển đảo, tham gia hoạt động mang hàm lượng văn hóa cao, sản phẩm của làng nghề truyền thống góp phần không nhỏ trong việc xây dựng hình ảnh du lịch Hội An trong lòng du khách. Do vậy, mong muốn lớn nhất của thành phố là các làng nghề truyền thống sẽ có được sản phẩm mang tính hàng hóa phục vụ du khách. Những sản phẩm của Hội An không chỉ mang thương hiệu địa phương mà cần có sự liên kết với sản phẩm, các làng nghề khác của tỉnh.
Tạc tượng- bản sắc săn hóa độc đáo của người Bhnong. Ảnh: Đoàn Hữu Trung - TTXVN
Quảng Nam có nhiều làng nghề truyền thống trải dài từ vùng sâu trong đất liền, miền núi đến đồng bằng, ven biển và hải đảo. Nhiều làng nghề từ lâu đã gắn với du lịch như: làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế, làng mộc Kim Bồng, làng du lịch cộng đồng Bh’Hoong... Đây là địa chỉ có sức thu hút lớn đối với du khách quốc tế mỗi khi đến Quảng Nam. Tuy nhiên, du lịch và làng nghề chưa có sự kết nối để phát triển, góp phần thúc đẩy du lịch mỗi địa phương. Trong bối cảnh đó, dự án phát triển làng nghề tại làng cổ Lộc Yên, huyện Tiên Phước được kỳ vọng là bước đột phá trong việc gắn kết giữa du lịch với làng nghề truyền thống, giữa các làng du lịch trong đất liền Quảng Nam.
Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước Trầm Quế Hương cho biết, dự án sản phẩm du lịch làng cổ Lộc Yên giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 đang triển khai hiệu quả. Dự án thực hiện với nguồn vốn trên 300 tỷ đồng. Để thực hiện dự án này, huyện lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình phát triển du lịch, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và nguồn vốn của nhiều chương trình khác để đạt mục tiêu tổng quát là kết nối giữa du lịch - cộng đồng. Trước mắt, với nhiều nguồn vốn được huy động, huyện Tiên Phước hỗ trợ người dân khôi phục và phát triển làng nghề trồng cây ăn trái bản địa, khôi phục kiến trúc cổ, xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu của khách tham quan.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định, không chỉ có thế mạnh các giá trị văn hóa lịch sử, tài nguyên thiên nhiên, địa phương còn có thế mạnh về nghề truyền thống được hình thành từ hàng trăm năm trước. Kết nối giữa các điểm đến, làng nghề, khu du lịch sinh thái trên cơ sở đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch đang là nhu cầu cấp bách. Vì vậy, tất cả nguồn tài nguyên này đang được Quảng Nam khai thác một cách bền vững, đồng thời liên kết với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và địa phương khác trong cả nước để gắn kết, xây dựng sản phẩm phù hợp nhằm đưa du lịch Quảng Nam đến với du khách trong nước, quốc tế.
Gắn kết du lịch với làng nghề truyền thống, tăng trải nghiệm văn hóa bản địa đang là xu hướng phát triển bền vững, lợi thế của Quảng Nam. Nhằm phát huy hiệu quả lợi thế này, việc đẩy mạnh liên kết giữa các điểm đến, làng nghề, cải thiện chất lượng dịch vụ và hạ tầng là đòi hỏi bức thiết để du lịch Quảng Nam khôi phục, tạo chuỗi sản phẩm có giá trị cao.
Đoàn Hữu Trung