Ông Stephane Dujarric, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc. (Nguồn: A News) |
Hãng thông tấn TASS của Nga dẫn lời ông Dujarric cho hay: "Hiện tại, chúng tôi không có thông tin nào để xác nhận những thông tin hoặc cáo buộc về những loại phòng thí nghiệm này".
Trước đó, người phát ngôn chính thức của Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov cho biết, có các dữ kiện về việc Kiev dọn dẹp khẩn cấp các dấu vết của chương trình sinh học quân sự ở Ukraine và được Bộ Quốc phòng Mỹ tài trợ.
Theo bộ này, Mỹ đã chi hơn 200 triệu USD để duy trì hoạt động của các phòng thí nghiệm sinh học ở Ukraine đồng thời cảnh báo, Moscow không loại trừ việc khởi động cơ chế tham vấn theo Công ước Cấm vũ khí sinh học và độc tố (BTWC).
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland sau đó phát biểu, "Ukraine có các cơ sở nghiên cứu sinh học" và lo ngại quân đội Nga "có thể đang cố kiểm soát" các cơ sở này, vì vậy, Washington đang phối hợp với phía Ukraine để ngăn chặn việc rò rỉ bất kỳ tài liệu nghiên cứu nào.
Trong khi đó, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki bác bỏ cáo buộc của Nga, nêu rõ: "Mỹ hoàn toàn tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo Công ước Vũ khí Hóa học và Công ước Vũ khí Sinh học cũng như không phát triển hoặc sở hữu những loại vũ khí như vậy ở bất kỳ đâu".
Lầu Năm Góc cho rằng, thông tin do Bộ Quốc phòng Nga đưa ra là "sai sự thật và vô lý".
Về phía Ukraine, Bộ Ngoại giao nước này khẳng định, Kiev không tham gia vào việc phát triển vũ khí sinh học và tất cả cơ sở thí nghiệm ở Ukraine thực hiện một chức năng chung duy nhất - chỉ dẫn và xác định các mầm bệnh truyền nhiễm có khả năng gây dịch bệnh lớn hoặc có tầm quan trọng quốc tế và tuân theo quy định của luật pháp y tế quốc tế”.