Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay cơ bản giữ ổn định như năm 2022. Các bài thi giữ nguyên gồm bài thi độc lập và tổ hợp, nội dung cũng nằm trong chương trình giáo dục phổ thông.
Dự kiến, kế hoạch tuyển sinh 2023 sẽ được công bố trong tháng 2, sớm hơn mọi năm để thí sinh có thể kịp bắt đầu năm học mới từ tháng 9/2023.
PGS Thủy cho biết, điểm mới của năm nay là lịch thi tốt nghiệp THPT 2023 sẽ được tổ chức sớm hơn so với năm ngoái, dự kiến vào tuần cuối của tháng 6 (thay vì vào tháng 7 như các năm trước).
"2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lịch thi diễn ra vào tháng 7. Năm nay, cuộc sống đã quay trở lại trạng thái bình thường nên kỳ thi cũng được tổ chức sớm hơn. Kéo theo đó, lịch tuyển sinh của các trường đại học cũng được đẩy lên sớm hơn để trong tháng 9 có thể cho sinh viên nhập học", PGS Thủy thông tin.
Bà Thủy lưu ý thêm, năm nay, thí sinh sẽ đăng ký trực tuyến trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia. Các em được đăng ký không giới hạn nguyện vọng và sắp xếp thứ tự nguyện vọng từ trên xuống dưới. Trong thời hạn đăng ký xét tuyển, thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng sao cho phù hợp và tăng cơ hội trúng tuyển cho mình.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, từ năm 2023 các trường phải công bố đề án và quy chế tuyển sinh riêng của trường. Quy chế tuyển sinh của trường phải cụ thể hóa quy chế của Bộ. Ngoài ra, các trường phải công bố các thông tin này trước 30 ngày khi thí sinh đăng ký.
Hiện nhiều trường đại học bắt đầu thông báo nhận hồ đăng ký xét tuyển năm 2023 theo các phương thức xét tuyển sớm. Giai đoạn xét tuyển sớm áp dụng với các phương thức tuyển sinh không sử dụng điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT như: xét học bạ, điểm kỳ thi đánh giá năng lực, các hình thức ưu tiên xét tuyển theo quy định riêng…
Được biết, mùa tuyển sinh 2023, một số điều khoản trong quy chế tuyển sinh ban hành năm 2022 sẽ bắt đầu có hiệu lực.
Theo đó, Bộ GD&ĐT điều chỉnh chính sách ưu tiên đối tượng, khu vực. Điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) được xác định theo công thức: Điểm ưu tiên = [(30 - Tổng điểm đạt được)/7,5] x Mức điểm ưu tiên. Các thí sinh dưới mức điểm đó vẫn này những ưu tiên trong xét tuyển.
Như vậy, nếu một thí sinh đạt 30 điểm, điểm ưu tiên của em sẽ là 0 điểm dù có thuộc đối tượng hoặc khu vực ưu tiên.
Bộ GD&ĐT lý giải, năm 2021, tỷ lệ thí sinh có điểm cao tăng lên. Ở một số ngành/trường lấy điểm rất cao như công an, quân đội, y dược,... tỷ lệ thí sinh ở khu vực không được ưu tiên trúng tuyển thấp; tỷ lệ thí sinh có điểm ưu tiên trúng tuyển cao dẫn đến dư luận cho rằng điểm ưu tiên trở lên thiếu công bằng.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến và việc rà soát điểm ưu tiên năm 2020, 2021, nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên với các thí sinh không hưởng chính sách ưu tiên, Bộ GD&ĐT dự kiến tính mức điểm ưu tiên như trên.
Điều này tạo sự công bằng giữa các thí sinh cùng cạnh tranh vào các trường top đầu, khi bản thân các trường này cũng cần nguồn thí sinh thực sự chất lượng.