Ngày 20/11 chính là ngày Nhà giáo Việt Nam (tên đầy đủ là Ngày lễ Hiến chương Nhà giáo Việt Nam). Đây là một trong những ngày lễ kỷ niệm quan trọng được tổ chức vào ngày 20/11 hàng năm để tri ân các thầy cô và những người hoạt động trong ngành giáo dục.
Năm 1949, tại Hội nghị Vacxava, FISE xây dựng một bản "Hiến chương các nhà giáo" gồm 15 chương trong đó có một số nội dung chủ yếu là:
Đấu tranh chống lại mọi quan điểm và phương pháp giáo dục lạc hậu phản động, phản dân chủ, phản khoa học của nền giáo dục phong kiến, tư sản, nhằm xây dựng nền giáo dục tiến bộ, dân chủ, khoa học.
Đấu tranh thủ tiêu chế độ bạc đãi, coi thường nghề dạy học, bảo vệ những quyền lợi vật chất và tinh thần chính đáng của nhà giáo.
Quy định một số điều đối với các nhà giáo, đặc biệt coi trọng tính chất nhân văn của nghề dạy học và phương pháp dạy học tiên tiến.
Tháng 8/1954, tổ chức công đoàn các nhà giáo tiến bộ và cách mạng trên thế giới mà nòng cốt là các nhà giáo ở các nước XHCN, đã nhất trí thông qua bản “Hiến chương các nhà giáo”.
Ở Việt Nam, lần đầu tiên ngày "Quốc tế Hiến chương các nhà giáo" được tổ chức trên toàn miền Bắc vào ngày 20/11/1958.
Từ 1975 trở đi, khi đất nước hoàn toàn độc lập, ngày lễ này mới được tổ chức trên toàn lãnh thổ nước ta.
Vào ngày 28 tháng 9 năm 1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành quyết định số 167-HĐBT thiết lập ngày 20 tháng 11 hằng năm là ngày lễ mang tên "Ngày Nhà giáo Việt Nam".
Quyết định này nêu rõ “Để ngày 20/11 có ý nghĩa thiết thực, hàng nǎm từ tháng 10 các cấp chính quyền và đoàn thể cần họp để xem xét tình hình công tác và hoạt động của đội ngũ giáo viên ở địa phương mình, kiểm điểm những việc đã làm và đề ra những việc cấn tiếp tục làm động viên đội ngũ giáo viên phát huy truyền thống tốt đẹp của giáo giới Việt Nam, rèn luyện phẩm chất và nǎng lực, làm gương sáng cho học sinh noi theo.
Về phía giáo viên, cần có những hoạt động phong phú nhằm nâng cao nhận thức về vinh dự và trách nhiệm của người giáo viên trong xã hội nước ta ngày nay, từ đó mà ra sức phấn đấu làm tốt nhiệm vụ cao cả của mình”.
Cũng theo quy định do Hội đồng Bộ trưởng đưa ra, việc tổ chức ngày 20-11 hàng nǎm do Ủy ban nhân dân và Hội đồng giáo dục các cấp chủ trì, có sự phối hợp các ngành giáo dục và các đoàn thể nhân dân. Các cấp các ngành cần phân công cán bộ lãnh đạo đi thǎm hỏi giáo viên, tổ chức các cuộc gặp mặt thân mật với giáo viên, nhân dịp này có thể tổ chức khen thưởng các giáo viên có thành tích. Việc tổ chức ngày nhà giáo Việt Nam cần được tiến hành trọng thể và thiết thực, tránh hình thức phô trương gây phiền hà cho học sinh và cha mẹ học sinh.
Ngày 20/11 là dịp để các thế hệ học sinh bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những người thầy, cô của mình. Dù đang ngồi hay rời xa ghế nhà trường, cứ đến ngày 20/11, mọi người đều hướng đến thầy cô giáo, gửi những lời chúc, những món quà tốt đẹp đến thầy cô.