World Cup 2010 là ngày hội bóng đá thế giới đầu tiên được tổ chức tại châu Phi và Nam Phi là quốc gia được lựa chọn. Trong suốt chiều dài lịch sử, chưa đội tuyển châu Âu nào vô địch World Cup khi giải đấu này tổ chức ngoài lục địa già.
Tuy nhiên, Tây Ban Nha đã đi vào lịch sử khi lên ngôi vô địch tại Johannesburg (Nam Phi). Sau chức vô địch Euro 2008, Tây Ban Nha mang đến World Cup 2010 đội hình chất lượng với dàn cầu thủ xuất sắc như Casillas, Ramos, Pique, Puyol, Xavi, Alonso, Iniesta, Villa, Torres.
So với chức vô địch châu Âu tại Áo và Thụy Sỹ, Tây Ban Nha chỉ có hai sự thay đổi. HLV Del Bosque thay thế Luis Aragones còn Sergio Busquets đảm đương nhiệm vụ "máy quét" thay cho Marcos Senna.
Tây Ban Nha không chỉ duy trì được lối chơi tiqui-taca trứ danh (kiểm soát bóng và ban chuyền liên tục với tốc độ cao), họ còn chơi thực dụng và duy trì sự cân bằng trong cả phòng ngự lẫn tấn công.
La Furia Roja đã gây sốc khi thua Thụy Sỹ 0-1 ở trận mở màn. Tuy nhiên, hai chiến thắng liên tiếp trước Chile và Honduras đưa La Furia Roja vào vòng 1/8, trước khi họ thắng Bồ Đào Nha của Cristiano Ronaldo ở hiệp phụ.
Tây Ban Nha sau đó liên tục hạ gục cả Paraguay và Đức để tiến vào chung kết, cùng với tỷ số 1-0. Trước Hà Lan chơi tiêu cực và có phần xấu xí với cặp đôi Van Bommel - Nigel De Jong ở giữa sân, Tây Ban Nha vẫn chơi đầy thăng hoa. Cú vô lê để đời của Iniesta ở phút 117 đã đưa Tây Ban Nha lần đầu tiên trong lịch sử vô địch World Cup.
Chức vô địch World Cup 2010 của Tây Ban Nha ghi dấu ấn thế hệ cầu thủ tài năng trải đều ba tuyến, nhưng David Villa là ngôi sao đáng chú ý nhất. El Guaje ghi 5 bàn và trở thành Vua phá lưới của giải đấu.
World Cup 2010 chứng kiến giải đấu không thành công của hai ngôi sao hay nhất thế giới thời điểm đó là Cristiano Ronaldo và Lionel Messi. Bồ Đào Nha thua Tây Ban Nha ở vòng 1/8 còn Messi cùng Tevez, Higuain, Aguero gục ngã 0-4 trước Đức ở tứ kết.
Đương kim vô địch Italy bị loại ngay từ vòng bảng một cách thất vọng. Uruguay vào đến bán kết nhờ sự thăng hoa của bộ ba Forlan, Suarez, Cavani và đây là thành tích tốt nhất của đội tuyển Nam Mỹ này kể từ năm 1950. Giải đấu này ghi nhận nỗ lực của các đại diện châu Á khi Nhật Bản, Hàn Quốc xuất sắc vượt qua vòng bảng và chỉ thua tiếc nuối Parguay, Uruguay ở vòng 1/8.
Đội tuyển Brazil tiếp đà không thành công kể từ World Cup 2006. Dù được đánh giá cao với bộ tứ tấn công Kaka, Ronaldinho, Fabiano, Robinho, đội bóng của HLV Carlos Dunga dừng bước ở tứ kết trước Hà Lan.