Lí do bánh su kem dễ gây ngộ độc thực phẩm

NGỌC LÊ| 09/10/2023 14:13

TPHCM - Vụ hàng loạt người nghi ngộ độc bánh su kem sau tiệc Trung thu (29.9) tại chung cư Palm Heights (TP Thủ Đức, TPHCM), là hồi chuông cảnh báo đến người tiêu dùng về việc sử dụng thực phẩm.

Cẩn trọng trong việc sử dụng bánh tươi

Trao đổi với Lao Động sáng 9.10, TS.BS Lê Văn Nhân - Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM cho biết, bất kỳ thực phẩm nào cũng có khả năng tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc. Tuy nhiên, có một số loại thực phẩm dễ bị ngộ độc hơn, cụ thể là ngộ độc vi sinh vì chứa nhiều chất bổ dưỡng như đường, chất béo, đạm,… Loại thực phẩm này thường thấy ở các loại bánh, đặc biệt là bánh tươi, trong đó có bánh su kem.

"Lí do bánh su kem dễ bị ngộ độc hơn là trong nó có chứa bột, đường, bơ, sữa, kem,… đây là môi trường thích hợp để vi khuẩn phát triển. Bên cạnh đó, các loại bánh tươi được quy định là bánh bán trong ngày, có nghĩa là thực phẩm được nhà sản xuất làm ra và đến tay người tiêu dùng sử dụng trong vòng 24h. Nếu như qua 24h, mà bánh chưa được phân phối, sử dụng thì phải tiêu huỷ vì đây là loại thực phẩm dễ nhiễm các loại vi sinh" - TS.BS Lê Văn Nhân cho hay.

Tuy nhiên, tại Việt Nam thông thường diễn ra không đúng như vậy. Đối với các loại có hạn sử dụng, người tiêu dùng thường dễ xem trên bao bì và sử dụng. Các loại bánh tươi thì người mua thường khó biết thời gian bánh được sản xuất vì đối với thực phẩm sử dụng trong ngày, quy định của ngành Y tế là không cần ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng.

Theo bác sĩ Nhân, việc sử dụng các loại thực phẩm có nguy cơ ngộ độc cao như các loại bánh sử dụng trong ngày, người tiêu dùng cần chú ý chỉ mua bánh ở cửa hàng đảm bảo các sản phẩm được sản xuất và sử dụng trong ngày. Để làm được điều này thì cơ quan quản lý nhà nước cần công bố trên thông tin đại chúng về các địa điểm đáp ứng được yêu cầu.

Bản thân người tiêu dùng khi mua sản phẩm dùng trong ngày nên quan sát nơi trưng bày phải đảm bảo vệ sinh, người bán có đeo găng tay, khẩu trang. Khi mua bánh về nhà cần sử dụng ngay, nếu cuối ngày không sử dụng thì nên bỏ không nên bảo quản, đặc biệt là bánh tươi.

Sau vụ nghi ngộ độc, Givral tạm ngưng sản xuất bánh su kem ở TPHCM

Liên quan vụ sau tiệc Trung thu xảy ra tại chung cư Palm Heights (TP Thủ Đức, TPHCM), làm 1 bé gái tử vong và khoảng 50 người có dấu hiệu ngộ độc, sáng nay 9.10, phía Công ty Cổ phần bánh Givral cho biết, đơn vị đã tiếp nhận thông tin về các trường hợp nghi ngờ ngộ độc có liên quan đến một trong các sản phẩm của công ty.

"Sự việc xảy ra, dù bất cứ nguyên do nào, chúng tôi xin được chân thành chia sẻ và thực hiện trách nhiệm với các nạn nhân trong vụ việc" - bà Võ Thị Bích Liên - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần bánh Givral cho hay.

Bánh su kem bé gái 6 tuổi ăn phải trước khi tử vong. Ảnh: Gia đình cung cấp
Bánh su kem bé gái 6 tuổi ăn phải trước khi tử vong. Ảnh: Gia đình cung cấp

Bà Liên cũng cho biết, ngay khi sự việc xảy ra, công ty đã lập tức và chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để tìm hiểu chính xác nguyên nhân. Đồng thời, cung cấp theo yêu cầu rất nhiều các tài liệu, bao gồm cả các mẫu lưu bánh su kem, các nguyên liệu đầu vào để phục vụ tốt nhất cho công tác kiểm tra. Ngoài ra, công ty cũng rà soát kiểm tra hệ thống, đưa ra kế hoạch nâng cấp cải tiến cần thiết để loại trừ các nguy cơ tương tự có thể xảy ra trong tương lai.

Được biết, đơn vị cũng tạm ngưng sản xuất mặt hàng bánh su kem trên địa bàn TPHCM cho đến khi có kết luận chính thức của cơ quan chức năng.

Về phía Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, đơn vị đang chờ kết quả xét nghiệm mẫu bánh và mẫu nguyên liệu làm bánh (6 mẫu) của Givral.

Trước đó, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM cho biết, nhiều năm qua, thành phố chưa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào gây chết người, trừ ngộ độc rượu bia là một vấn đề khác. Tuy nhiên, để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm gây chết người là một điều đáng tiếc.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Lí do bánh su kem dễ gây ngộ độc thực phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO