Khung cảnh lưới cá bình yên trên Biển Lạc giữa núi rừng - Ảnh: THÀNH NHƠN
Ông Hoàng Văn Cần (63 tuổi, quê xã Gia An, huyện Tánh Linh, Bình Thuận), một trong những ngư dân đầu tiên đến đánh bắt cá tại hồ Biển Lạc, chia sẻ.
Đi biển mà không ra biển
Ông Cần thuộc hàng cố cựu hơn 50 năm đánh cá trên hồ Biển Lạc, có 3 người con trai, tất cả đều gắn bó với mặt nước, mảnh lưới và con cá. Nói như ông Cần, đó là nghề gia truyền khó bỏ giữa núi rừng này.
Kể chuyện xưa để giải thích cái tên Biển Lạc, ông Cần cho biết do hồ diện tích lớn, mặt nước bao phủ trắng xóa cả một vùng như biển nên được gọi là Biển Lạc để biết nước hồ không phải nước mặn. Cách giải thích được truyền qua nhiều đời và mỗi lần đi đánh cá thì người dân hay gọi là "đi biển". Tuy nhiên, cũng có người cho rằng chữ Lạc ở đây hiểu đúng nghĩa là biển trôi lạc vào núi rừng, chứ không phải vị mặn - lạt.
Chiều xuống, đến các thôn 1, 2 ở xã Gia An, đâu đâu cũng nghe người dân rủ nhau "đi biển" bắt cá. Lạ, Tánh Linh đâu có biển mà lại rủ nhau đi. Hóa ra là người dân đang rủ nhau đi... hồ Biển Lạc. Cứ khoảng 3h chiều là họ lại mang mái dầm, can xăng dầu, tay lưới rồi hướng về phía hồ cho chuyến đi săn cá đêm.
Sau một đêm giăng lưới trên sông, hàng chục chiếc xuồng nhỏ trở về lúc bình minh vừa ló dạng. Người dân không giấu được vẻ hồ hởi bên chiến lợi phẩm là những thùng xốp chất đầy cá.
"Dứt mưa là bắt đầu đánh bắt được nhiều. Ngày nào ít ít cũng được 30kg, khá thì 50, 60kg cá. Bán cho thương lái cũng được 400.000 - 500.000 đồng, đủ chi tiêu" - ông Nguyễn Văn Kính (xã Gia An) mừng rỡ cho biết. Mùa này, nhiều nhất là cá linh, cá mè vinh, với mỗi tay lưới dính từ 2 - 3kg cá. Trung bình một ngư dân với 10 tay lưới bắt được 20 - 30kg cá là chuyện thường tình.
Ông Kính cho biết trước kia ông làm quản lý lò gạch, chỉ mới theo nghề cá chục năm trở lại đây. Dù vậy, so với các bậc cao thủ lâu năm thì thành tích đánh bắt của ông cũng không hề kém cạnh. Nghe đến đây, ông Cần nhìn sang gật gù: "Ổng nói thiệt chứ không phải giỡn đâu. Chú đây đánh cá lâu năm với kinh nghiệm dày dạn mà có khi còn thua ổng đó".
Theo ông Cần, ngư dân đánh bắt trên hồ Biển Lạc chủ yếu là người dân ở xã Gia An. Nguồn gốc dân địa phương vốn là cư dân gốc Quảng Ngãi di cư vào vùng rừng núi Tánh Linh sinh sống những năm 1958 - 1959.
"Gia đình vào hồi chú còn chưa thôi nôi. Khu vực hồ Biển Lạc và các vùng lân cận hồi đó cũng toàn rừng bao bọc. Thú rừng, chim muông và cá tôm thì nhiều vô kể. Đi giăng lưới chỉ bắt cá lớn bằng bắp tay trở lên, cá nhỏ đâu thèm bắt" - ông Cần nhớ lại.
Hàng trăm gia đình sinh sống nhờ nguồn thủy lợi trong hồ. Ngư dân muốn ăn chắc mặc bền thì dùng lưới từ 4 phân đến 7 phân để đánh bắt cá mè vinh, cá sặc, cá linh, cá trê, còn những ai có máu "chơi liều ăn nhiều" thì chọn lưới cỡ lớn 10 - 12 phân để đánh bắt cá thác lác, cá chép, cá mè vinh cỡ lớn.
"Đừng mua lưới làm sẵn, mình mua về rồi tự gắn chì, điều chỉnh phao theo ý mình mới bắt được cá ngon. Kinh nghiệm mỗi người mỗi khác" - ông Đỗ Bách Khoa, người dân đánh cá lâu năm trên hồ, chia sẻ.
Theo nhiều ngư dân, một tay lưới dài 30m có giá bán 250.000 đồng, nhưng chỉ cần một tuần là gỡ vốn. "Biển chưa bao giờ hết cá. Ở đây không đánh bắt được cá lớn như cá hô, cá tra dầu vài trăm ký như miền Tây nhưng cá nhỏ thì nhiều vô kể. Nhiều khi phải chia lưới bớt cho anh em gỡ phụ" - anh Khoa nói.
Thủy sản lòng hồ rất phong phú từ cá mè vinh, rô biển, cà trèn, lóc, thác lác đến cá chốt, bóng mú, chạch, tép nhỏ... Theo người dân, đánh bắt bội thu nhất là thời điểm từ khi dứt mưa đến sau tết. Lúc này nước rút dần, thủy sản tập trung vào giữa lòng hồ nên đánh bắt được nhiều.
Khoảng tháng 12 âm lịch, người dân sẽ bắt đầu dỡ chà, được thực hiện liên tục đến khi mùa mưa năm sau rớt hạt. "Khoảng chừng tháng nữa, ghé hồ thấy người ta dỡ chà nhìn mê lắm. Một đống chà, bắt nửa tấn cá là chuyện bình thường. Dỡ chà xong, người ta lên bè nướng cá nhậu nhẹt cho ấm người sau mấy tiếng ngâm mình dưới nước. Vui dữ dằn lắm, lần sau nhớ ghé" - ông Kính háo hức mời.
Ông Nguyễn Văn Kính với mẻ cá ngon vừa bắt được
Ngư dân miền Tây lên núi tìm cá
Giữa những cư dân sống trên lòng hồ nói đặc sệt giọng Quảng Ngãi, bỗng có giọng miền Nam khiến tôi chú ý. Đó là anh Lê Quang Thép (39 tuổi, quê Bạc Liêu), cư dân hiếm hoi người miền Tây sinh sống giữa vùng lòng hồ Biển Lạc này. "Xưa tui lên đây kiếm việc, đầu tiên là làm lò gạch rồi chuyển sang đánh bắt cá. Được vài năm có xíu vốn thì đóng lồng bè nuôi cá, chủ yếu là cá lăng, cá bóng mú, cá chình" - anh Thép kể.
Anh Thép cũng đặt hàng trăm lưới bát quái dưới lòng hồ, hằng ngày cũng thu về vài ký tép và cá chạch, cá chốt... "Cá ngon thì mình đem bán cho thương lái, cá vụn thì chặt nhỏ nấu lên thả cho cá chình ăn. Không tốn tiền mua thức ăn công nghiệp" - anh Thép cho hay. Hiện 400 con cá chình ở hai lồng bè của anh Thép cũng đã có trọng lượng từ 1,2 đến 2kg, dự tính xuất bán trong thời gian tới nếu tình hình dịch giã ổn định.
Cạnh lồng bè của anh Thép là vợ chồng người anh trai mới lên sinh sống ở lòng hồ được một năm nay. Do quê nhà không có việc làm, nghe lời em trai nên anh Lê Quang Điện và chị Lê Tú Trinh dắt nhau về vùng rừng núi Tánh Linh sinh sống.
"Đặt bát quái bắt cá và nuôi thêm cá lăng trên lồng cũng giúp 2 vợ chồng và 4 đứa nhỏ sống qua ngày. Ở quê giờ nghèo khó lắm nên phải đi thôi" - anh Điện nói. Nhà bè đơn giản với cây tạp và tôn cũng ngốn hết của vợ chồng gần chục triệu đồng. Cuộc sống khốn khó nhưng may mắn anh chị được người dân địa phương quan tâm, san sẻ. "Tụi tui xem đây như quê hương của mình, dự định sẽ gắn bó lâu dài" - anh Điện chia sẻ.
Hơn năm rồi chưa về quê vì dịch giã liên tiếp, anh Điện nhìn về phía cặp sao trời hướng đồng bằng, bày tỏ: "Thôi, ráng mần ăn khá xíu rồi về thăm nhà". Anh kể dân ở đây sống chan hòa lắm, chưa bao giờ tranh giành mặt nước, bắt cá hay phá lưới của nhau. "Làm nghề này không giàu, nhưng chịu làm sẽ không bao giờ lo thiếu đói" - anh tâm sự.
Hồ Biển Lạc có diện tích khoảng 1.000ha, nằm trong địa phận hai huyện Tánh Linh và Đức Linh (tỉnh Bình Thuận), giáp với tỉnh Đồng Nai. Trong hồ có nhiều loại thủy sản nước ngọt và đánh bắt được quanh năm, nhiều nhất là cá mè vinh, cá linh, cá sặc, thác lác...
Nhiều lão ngư cho biết cá to nhất từng đánh bắt nặng 6,7kg như cá lóc bông, cá thác lác 2,3kg.
Cá Biển Lạc khỏi bàn ngon dở
Theo kinh nghiệm ngư dân địa phương, có hai thời điểm giăng lưới dễ dính cá nhất là lúc trời chạng vạng và hừng đông. Cũng bởi tập tính này mà người dân thường đánh bắt vào buổi xế chiều đến hừng đông hôm sau. Mặt hồ nhộn nhịp tiếng cười nói, chọc ghẹo dù chẳng ai thấy ai giữa màn đêm.
Khi mặt trời lên cao là người dân đã thu lưới về hết. "Về cho kịp bán chợ sáng. Cá tươi, khách khoái lắm, nghe cá hồ Biển Lạc thì khỏi bàn ngon dở", ông Nguyễn Văn Kính cho biết.