Lên miền biên viễn săn tìm bảo vật hoàng cung

03/11/2022 01:00

Khu vực biên giới phía tây Quảng Trị rất heo hút, hiểm trở nhưng đây lại là vùng mà giới săn cổ vật xem là “điểm vàng”.

Nguyễn Hữu Hoàng là nhà sưu tầm cổ vật có hạng ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông cũng là một trong những nhà sưu tầm cổ vật đầu tiên đặt chân đến vùng đất tây Quảng Trị và không thể ngờ được một vùng đất núi non hiểm trở như thế lại có thể là nơi mình tìm thấy hàng trăm bảo vật cung đình. Hàng trăm món đồ cổ có giá trị, đặc biệt là các bảo vật có xuất xứ từ cung đình triều Nguyễn đã được tìm thấy ở đây.

Sưu tầm áo vua

Ông Hoàng nhớ rõ thời điểm mình bắt đầu “bén duyên” với vùng đất này là từ hơn 20 năm trước. “Tôi vốn rất có hứng thú với những cổ vật có nguồn gốc từ cung đình triều Nguyễn nên năm 1998, tôi đã lặn lội ra vùng Cùa, thuộc huyện Cam Lộ (Quảng Trị) để tìm những cổ vật có thể còn sót lại ở đây trong giai đoạn vua Hàm Nghi ra lập căn cứ kháng chiến Tân Sở. Và đây chính là điểm bắt đầu”, ông Hoàng nói.

Lên miền biên viễn săn tìm bảo vật hoàng cung - 1

4 chiếc áo gồm áo vua, hoàng thái hậu, quan cấp cao là những bảo vật cung đình mà ông Hoàng “săn” được ở vùng núi Hướng Hóa

Biết ông đi săn đồ cung đình, một người cao tuổi ở vùng Cùa “méc” cho ông một câu chuyện. Người này kể xưa từng thấy một số người đồng bào Vân Kiều, Pa Kô ở vùng núi Hướng Hóa về xuôi dùng nhiều đồ cổ để đổi lương thực. Như bắt được vàng, ông Hoàng tức tốc ngược núi lên vùng biên giới huyện Hướng Hóa tìm “đồ của vua quan”.

Thời điểm đó đường lên Hướng Hóa, đặc biệt là đường vào các bản làng ở vùng Lìa vô cùng hiểm trở. Nhưng “cơn say” này khiến ông gồng mình trèo đèo, lội suối đi đến từng bản làng săn bảo vật cung đình. Ông càng đi, càng hé lộ ra nhiều điều thú vị ở vùng đất này. Huyền tích về vùng đất của cổ vật triều đình dần dần hiện rõ ra từng ngày theo bước chân nhà cổ vật trẻ tuổi. Những món đồ cổ có nguồn gốc cung đình đầu tiên được ông tìm thấy ở các xã A Xing, Pa Tầng.

Lên miền biên viễn săn tìm bảo vật hoàng cung - 2

Nhà sưu tầm đồ cổ Nguyễn Hữu Hoàng trong những lần rong ruổi qua các bản làng vùng biên giới Hướng Hóa để tìm những cổ vật có nguồn gốc từ cung đình triều Nguyễn

Trong một chuyến đi như thế, ông loáng thoáng nghe dân bản kể về một chiếc áo vua còn sót lại ở một nhà nào đó trong vùng Lìa. “Tôi chỉ nghe kể. Người kể cũng không nhớ rõ chiếc áo đó hiện ở đâu. Thông tin rất mơ hồ. Nhưng người kể khăng khăng là đã từng nghe già làng nhắc đến”, ông Hoàng nhớ lại.

Cụm từ áo vua như tiếp thêm động lực cho ông. Ông quyết tâm phải đi “săn” bằng được. Và rồi một bất ngờ đến vào giữa năm 2004. Ông đến nhà một già làng ở bản cuối xã A Xing. Nghe ông hỏi về áo vua, người này lắc đầu nhưng sau đó lại chạy vào gác bếp lấy ra một chiếc gùi.

Tháo hai lớp đậy phía miệng gùi xong, người này lấy từ đáy gùi ra một tấm áo màu vàng hơi nhạt đi bởi dấu vết của thời gian. Vừa nhìn thấy chiếc áo, ông Hoàng mừng rỡ như bắt được vàng. Để chắc chắn hơn, ông xin được sờ thử chất vải cũng như các hoa văn rồng phượng trên áo.

“Những nét hoa văn mà chỉ áo vua mới được dùng. Thời điểm đó cung đình có những quy định riêng nên chỉ cần nhìn là biết chính xác đây chính là áo thường được vua mặc trong sinh hoạt hằng ngày trong cung”, ông Hoàng nói.

Ông năn nỉ già làng bán lại chiếc áo vua. Tuy không hiểu hết được giá trị của chiếc áo, nhưng với già làng người Vân Kiều, Pa Kô thì những chiếc áo này có giá trị tinh thần rất lớn và thường được xem như bảo vật trong nhà, được mặc khi lễ nghi. Thấy ông Hoàng lặn lội đường xa và thật lòng đam mê chiếc áo cổ, nên cuối cùng già làng cũng để ông mang về Huế. Sau đó chiếc áo này được ông Hoàng chuyển lại cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam để trưng bày.

May mắn tiếp tục đến với nhà sưu tầm cổ vật này sau đó. Chiếc áo vua thứ hai được ông tìm thấy ở một bản thuộc huyện Xa Muồi (Salavan, Lào). Bản này có nhiều người Vân Kiều ở Hướng Hóa di cư qua. Già làng ở bản coi chiếc áo là vật tâm linh nên ngoài phải trả một số tiền rất lớn, ông Hoàng còn phải cúng trâu, lợn, gà mới được đưa áo về. Chiếc hoàng bào này vẫn nguyên vẹn, dài 103 cm, rộng 148 cm, phần gấu rộng 85 cm, cổ tay 10,5 cm... được làm bằng vải sa đoạn sắc vàng, các đường diềm được may bằng chỉ bạc.

Mặt trước và sau gần như giống nhau với những mảng thêu viên long (rồng năm móng cuộn tròn đường kính 16 cm) xen kẽ với bát bửu, các loại hoa văn, dơi (tượng trưng cho “phúc”), chữ “thọ”, phần dưới tà áo với lớp hoa văn theo kiểu “thủy ba sóng dợn”... Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử cung đình triều Nguyễn phỏng đoán đây là áo của một vị hoàng đế triều Nguyễn sau thời Tự Đức. Căn cứ kích cỡ với độ tuổi khoảng 13, 14, những nhà nghiên cứu lịch sử nhận định chiếc áo này nhiều khả năng là của các vị vua Nguyễn như Kiến Phúc, Hàm Nghi lúc tại ngôi. Hiện chiếc hoàng bào này đã được ông Hoàng nhượng lại cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Hơn 20 năm đi sưu tầm cổ vật ở Hướng Hóa, ông Hoàng đã tìm được hàng trăm món đồ cổ liên quan đến cung đình. Nhưng không phải cái nào ông cũng giữ cho riêng mình. Khoảng những năm 2006, 2007, ông tìm được 2 thanh kiếm của quan triều Nguyễn ở xã A Xing. Sau đó, hai thanh kiếm này được ông đưa đến trưng bày trong một cuộc triển lãm của Bảo tàng cổ vật cung đình Huế. Khi kết thúc cuộc triển lãm, ông đã tặng luôn hai thanh kiếm quý này cho bảo tàng. Có người hỏi vì sao ông lại tặng mà không bán, trong khi phải bỏ tiền ra mua nhưng ông quan niệm rằng “làm điều mình thích là mình thấy vui" và để nhiều người có thể tiếp cận được những món đồ cổ xa xưa của triều đình.

Dấu tích cung đình ở vùng biên viễn

Hơn 20 năm sưu tầm đồ cổ, ông Hoàng đã có riêng một bộ sưu tập đồ cổ cung đình triều Nguyễn. Riêng tại vùng núi Hướng Hóa, ông tìm được hàng trăm hiện vật, trong đó có hơn 150 chiếc áo của vua, quan lại nhất phẩm, nhị phẩm cùng hơn 100 thanh kiếm thuộc hàng quan lại cấp cao thường sử dụng trong triều.

Hành trình “săn” kiếm quan với ông Hoàng cũng gian nan không khác gì hành trình tìm áo vua. Hiện tại nhà của ông vẫn còn lưu giữ một thanh kiếm được ông tìm được ở địa bàn huyện Hướng Hóa. Thanh kiếm ông đang giữ có chiều dài khoảng 1 m, chuôi được làm bằng ngà voi và chạm khắc một số hoa văn của quan tam phẩm. Ông mới tìm được thanh kiếm này vài tháng trước. Hiện ông vẫn để nguyên phần lưỡi kiếm với nhiều dấu vết của thời gian.

Trước đó, ông tìm được tại xã Pa Tầng một thanh kiếm còn quý hơn. Kiếm này cũng là báu vật truyền đời của một gia đình ở vùng này. Sau khi xem xét kỹ, ông phát hiện đây là thanh kiếm của quan thuộc hàng cấp cao trong triều.

Lên miền biên viễn săn tìm bảo vật hoàng cung - 3

Thanh kiếm của quan tam phẩm trong triều Nguyễn được ông Hoàng mua từ một người dân ở vùng Lìa (Hướng Hóa) có phần chuôi nạm ngà voi

Mỗi hành trình trôi qua, ông lại thu về cho bộ sưu tập của mình thêm những món đồ cổ cung đình. Và mỗi món đồ đem đến cho ông thêm một góc nhìn sâu hơn về cung đình triều Nguyễn cũng như mối liên quan của triều đình với cộng đồng người Vân Kiều, Pa Kô ở vùng biên giới này. Với ông, vùng đất này còn “cất giấu” nhiều bảo vật cung đình mà ông chưa biết hết và ông sẽ còn trở lại nhiều lần để tìm kiếm.

Nói về nguồn gốc xuất hiện dày đặc các dấu tích cung đình triều Nguyễn ở vùng núi Hướng Hóa, nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Bảo Đàn cho rằng, khu vực vùng núi phía tây tỉnh Quảng Trị có sự ràng buộc và mối liên hệ khá chặt chẽ với triều đình nhà Nguyễn trong lịch sử. Các tù trưởng mỗi lần “về kinh” tiến cống đều được triều đình ban cấp các vật phẩm quý.

“Trong lịch sử, các mường này cũng từng tham gia mạng lưới buôn bán xuôi - ngược rất mạnh. Họ thường đem lâm thổ sản về miền xuôi để đổi những vật phẩm mà họ không làm ra được. Đặc biệt, đây cũng là khu vực vua Hàm Nghi và đoàn tùy tùng từng đi qua trong quá trình bôn tẩu, không ngoại trừ rơi rớt nhiều đồ vật cung đình có giá trị”, nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Bảo Đàn nói.

(Báo Quảng Trị)

Theo vtc.vn
https://vtc.vn/len-mien-bien-vien-san-tim-bao-vat-hoang-cung-ar710604.html
Copy Link
https://vtc.vn/len-mien-bien-vien-san-tim-bao-vat-hoang-cung-ar710604.html
    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Lên miền biên viễn săn tìm bảo vật hoàng cung
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO