Lên mạng xã hội là gặp… khủng hoảng truyền thông

Lê Anh Tú- Giảng viên khoa QHCC - TT - ĐH Văn Lang | 02/10/2023 10:59

Từ những bê bối đời tư của văn nghệ sĩ, tới những trục trặc về xe hơi, hay các sự cố trong quản trị chung cư,… tất tần tật đều có thể thấy trên mạng xã hội.

Theo các số liệu thống kê từ Altimeter và Social Business Readiness, từ năm 2005 đến nay, số lượng khủng hoảng truyền thông (crisis communication) trên mạng xã hội (MXH) đã tăng đến 22 lần trên toàn cầu. Từ 2011 đến nay, ở Việt Nam, các khủng hoảng truyền thông trên MXH cũng tăng với tần suất tương đương mức thế giới.

image-11-.png

Lên mạng là gặp “phốt”

Gần đây, câu chuyện một cô hoa hậu vừa đăng quang chưa lâu đã bị vạ miệng liên tiếp là một ví dụ điển hình cho sự giận dữ trên MXH dẫn tới khủng hoảng truyền thông. Đỉnh điểm của vụ việc là chỉ trong khoảng một tuần, một anti-group do các anti-fan của cô hoa hậu kia đã lên đến hơn 600 ngàn thành viên. Trung bình mỗi ngày, group tăng 100 ngàn thành viên cho tới lúc bão hoà. Ngoài group “chính”, còn có thêm hàng chục group nhỏ khác cũng được lập ra với mục đích tương tự trên Facebook.

crisis-communication.jpg

Nhìn kỹ hơn vào bức tranh muôn màu muôn vẻ trên các MXH, có thể thấy một trong những nguồn phát ra khủng hoảng chính là những influencer (người có sức ảnh hưởng). Một ví dụ dễ thấy, là câu chuyện “review sản phẩm, dịch vụ”. Theo tôi, vấn đề review sản phẩm trên MXH không hẳn là “bốc phốt”. Hiện nay, đi sâu vào việc khen – chê trên MXH, các chuyên gia đã chia làm 2 dạng, influencer và deinfluencer.

Trong khi influencer là người tạo ra sức ảnh hưởng nhờ những review đa phần liên quan đến mặt tích cực của sản phẩm, ở chiều ngược lại, deinfluencer thường phản biện, nhận ra những mặt chưa tốt. Do đó còn tuỳ vào phong cách review và thực chất của câu chuyện review có chính xác không mà ta có thể nhìn nhận là “bốc phốt” hay không. Nhưng… kiểu nào thì cũng dễ gây bão truyền thông cả.

Ta dại, tìm đâu nơi vắng vẻ?

Vậy có phải dư luận đang ngày càng quan tâm hơn tới “chốn lao xao”? Bản chất của con người thường ưa thích những chuyện ồn ào, có liên quan tới người nổi tiếng, hoặc những scandal. Đây là điều đã được nhiều chuyên gia nghiên cứu truyền thông đúc kết, trong đó có các giáo sư của The Missouri Group, tác giả cuốn Nhà báo Hiện đại.

Hiện nay, Facebook đã tạo điều kiện cho nhiều group, tức các nhóm có chung sở thích, quan điểm,… phát triển. Khi đó, việc một vấn đề được đưa lên group và trở thành một chủ điểm ồn ào, thu hút dư luận,… là thường thấy. Nhìn lại cách đây tầm 10 năm, khi các diễn đàn (forum) trên mạng mới hình thành, cũng đã có rất nhiều dạng ồn ào, bàn tán về scandal. Nhưng có lẽ số lượng thành viên tương tác và mức độ lan toả của MXH cao hơn nhiều so với dạng forum, nên ta thấy mọi chuyện đang có chiều hướng “nở rộ” hơn.

word-image.jpeg

Để đi đến kết luận rằng “tần suất xuất hiện của ‘phốt’ đang ngày càng nhiều”, chắc chắn cần có thêm những khảo sát, nghiên cứu trên diện rộng. Do đó giới chuyên gia sẽ chưa vội đưa ra giải pháp. Song rõ ràng nếu nhiều người đang cảm thấy mình bị hao phí nhiều thời gian, tâm sức vào MXH, hay cụ thể hơn, vào những chuyện “bốc phốt” trên mạng, có lẽ họ cần tập thói quen tắt những “thông báo” (notification) do các MXH, hội, nhóm,… mà mình đang tham gia, để tập trung hơn vào chuyên môn, công việc hàng ngày. Đây có vẻ là một giải pháp đơn giản và mang lại nhiều hiệu quả trong thời của sự xao nhãng.

5 'bí kíp' tránh bị mạng xã hội quấy nhiễu

1. Tìm kiếm giải pháp thay thế tốt hơn

Hãy chú ý đến thời gian bạn dành cho mạng xã hội. Hãy nhận ra mục đích mà nó phục vụ cho bạn. MXH có thể đóng vai trò như một nguồn gây xao lãng, bổ sung hoặc thậm chí là một nguồn thông tin. Có thực sự cần thiết lên Facebook hay Youtube để tìm kiếm thông tin không, hay có những cách khác tốt hơn?

2. Nuôi dưỡng những sở thích có ích

Ngay cả khi phương tiện truyền thông xã hội đang hỗ trợ tích cực cho bạn, việc dành thời gian không giới hạn có thể gây hại nhiều hơn là có lợi. Nếu bạn muốn từ bỏ thói quen lướt mạng tới… váng cả đầu, hãy cố gắng phát triển những sở thích tích cực.

3. Phát triển những tương tác thực sự

Bạn có thể đã tìm thấy không gian an toàn của mình khi tương tác trực tuyến, nhưng sự thật là không gì có thể sánh được với những tương tác thực. Các chuyên gia cho rằng bạn nên tương tác tích cực hơn với những người xung quanh và không bao giờ cho phép bản thân thay thế những tương tác thực bằng tương tác ảo.

4. Đặt giới hạn thời gian

Thoát khỏi MXH hoàn toàn có thể là lời khuyên tồi tệ nhất đối với những người đang chiến đấu với cơn nghiện. Thay vào đó, bạn có thể làm mọi việc chậm lại, tức “cai nghiện theo giai đoạn”. Hãy đặt giới hạn thời gian cho việc giải trí bằng TikTok hay Facebook hàng giờ và sử dụng sự hỗ trợ của người khác nếu cần.

5. Đừng so sánh bản thân với người khác

Cuối cùng, những gì hiệu quả với người khác có thể không hiệu quả với bạn khi tìm cách đánh bại chứng “nghiện MXH”. Nhưng đừng để điều đó làm bạn mất động lực. Hãy tìm ra điều gì phù hợp nhất với bạn và thực hiện điều tương tự mà không so sánh sự phát triển của bạn với người khác. Trong trường hợp bạn hoặc bạn bè nghiện MXH, hãy đảm bảo rằng bạn được an toàn khi thực hiện các kết nối trên không gian mạng.

(theo Heathshots)

Bài liên quan
  • Không đưa thông tin sai lệch lên mạng xã hội dù chỉ là hài hước
    Theo số liệu về công tác giám sát tỷ lệ thông tin trên báo chí của Bộ Thông tin và Truyền thông, tháng 4/2024, tỷ lệ thông tin tiêu cực trên báo chí là 19,03%, tăng 0,92% so với tháng trước (giảm 7,69% so với cùng kỳ). Tỷ lệ thông tin tích cực trên báo chí là 60,23%, giảm 2,17% so với tháng trước (giảm 2,48% so với cùng kỳ).
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Lên mạng xã hội là gặp… khủng hoảng truyền thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO