Sau khi nạn quảng cáo thần dược chữa bách bệnh và khẩu ngữ quen thuộc “nhà tôi ba đời…” của các thần y “dởm” bị mổ xẻ, phanh phui, tình trạng trên có phần lắng xuống. Tuy nhiên, thời gian gần đây, “tập đoàn” này lại trỗi dậy dưới nhiều vỏ bọc và hình thức khác nhau, len lỏi, đi sâu vào mọi ngóc ngách của cuộc sống.
“Bình mới rượu cũ”
Không còn câu cửa miệng quen thuộc “nhà tôi ba đời...” nữa, các “thần y” bây giờ xuất hiện với một danh xưng đơn giản và gắn với đời thường hơn như: “Bà Năm bốc thuốc hen suyễn”, “ông Tiến chữa xương khớp”, “chị Nhung chuyên gan, thận”... Câu “sologan” xoáy vào lòng người là “100% khỏi hẳn, không tái phát và cam kết không hết bệnh trả lại tiền”.
Lần theo số điện thoại chạy trên quảng cáo tại YouTube, chúng tôi được một “y sĩ” tên Tuấn làm việc cho “ông Tiến chữa xương khớp” tiếp chuyện. Trước khi vào chuyện, “y sĩ” Tuấn giới thiệu bao quát về “thần y” Tiến nổi danh trong lĩnh vực xương khớp không chỉ tại Việt Nam mà còn ra cả thế giới. Rằng, “thầy Tiến” xưa kia là lương y tại vùng Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, đã chữa cho không biết bao nhiêu người mà kể, cứ nhìn các cụ già vùng cao ngày ngày đi rừng cuốc đất, lội xuống bắt tôm cua là biết họ khỏe thế nào, một phần do “thầy Tiến” truyền bí quyết cả.
Các loại cây thuốc quý thầy thuộc như lòng bàn tay và nắm giữ công thức pha chế thuốc duy nhất. “Y sĩ” Tuấn là một trong 10 đệ tử chân truyền của thầy. Sau khi quảng cáo về “thần y” của mình xong, “y sĩ” Tuấn mới đi vào vấn đề chính là quảng cáo về bài thuốc. Ở đâu không biết, riêng về xương khớp thì không ai qua mặt được ông Tiến cả. Tất tần tật các loại về xương như: Thoái hóa, vôi hóa, thoát vị... cho đến gãy, giập, viêm nhiễm... đều là bệnh của “thầy Tiến” và đều khỏi hoàn toàn, không tái đi tái lại. Các ca nặng bệnh viện “chê” cũng đều khỏi hoàn toàn.
Đối với bệnh thoái hóa, uống 3 thang trong vòng 3 tháng là ngon lành, xương khỏe và chắc như thanh niên, thoát vị địa đệm thì phải uống phục hồi địa đệm, sau đó mới dùng đến thuốc chắc xương, liền sụn. “Y sĩ” Tuấn cho biết, ở chỗ “thầy Tiến” không bao giờ phải quay lại lần hai nên người bệnh cứ yên tâm, chỉ phải chi một lần tiền duy nhất là 1,2 triệu đồng cho liệu trình xương thoái hóa, 1,5 triệu đồng thoát vị đĩa đệm, 600.000 đồng viêm khớp và gãy xương...
Hình thức giao nhận cũng giống như bao dịch vụ khác thời đại 4.0 là shipper, nhận hàng xong, gửi tiền. Chúng tôi hỏi, bệnh nhân nặng cần điều trị dài ngày nên muốn tới nhà thuốc để thầy thăm khám. “Y sĩ” Tuấn ngắt lời ngay: “Thầy không có thời gian thăm khám và cũng không tiếp bệnh nhân tại nhà. Thầy không có thời gian vì phải nghiên cứu thuốc và bào chế. Với lại, bệnh về xương đã có kết quả chẩn đoán từ phim chụp ở bệnh viện nên không cần khám xét thêm”.
Những lời quảng cáo “ngọt” như mật rót vào tai khiến cho người bệnh dù vững lòng đến đâu cũng phải tin nghe. Mặt khác, “có bệnh thì vái tứ phương”, trước khi tìm đến những ông thầy Đông y, đa số người bệnh đều đã đến bệnh viện ít nhất một lần.
Từng dùng thuốc của “ông Tiến xương khớp”, bà Hoàng Thị Lan (68 tuổi, ngụ Đắk Nông) cho biết, bệnh tình của bà thấy đỡ hơn trước kia. Khớp xương không còn kêu răng rắc nữa và ban đêm đã ngủ được.
Sau 3 tháng, bà Lan liên hệ lại với “thầy Tiến” muốn mua thêm một liệu trình nữa nhưng được khuyên dừng lại, nếu đỡ rồi thì phải tự phục hồi bằng cách tập luyện và nghỉ ngơi. Nghe nhà thuốc nói vậy, bà Lan tự nghĩ họ có tâm, ít ra không cố tình bán thêm thuốc để nhận tiền. Hai tháng sau khi không dùng thuốc xương khớp, bà Lan cảm thấy người mệt mỏi, hai bàn chân phù nề. Bà đi bệnh viện tỉnh khám thì phát hiện bị viêm thận, ứ nước tại thận. Bà phải nằm viện điều trị. Về nhà được nửa tháng, bà Lan cảm thấy bụng đau âm ỉ, buồn nôn, khó tiêu, lại phải đi viện. Bác sĩ chẩn đoán bà bị áp xe gan. Con cái lo lắng, đưa bà vào TP.HCM điều trị. Bà Lan không biết vì đâu mà bệnh tật xảy đến liên miên như thế, trước kia chỉ đau xương khớp thôi, sau thời gian uống thuốc thì sinh ra nhiều bệnh. Chưa có kết luận bệnh phát sinh do bà Lan dùng thuốc xương khớp hay không, tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Khánh - Viện Y dược học dân tộc, cần phải có tổng khám, xét nghiệm để tìm nguyên nhân nhưng trước mắt khuyên bà Lan không dùng thêm thuốc của “thần y” nữa để tập trung điều trị các bệnh cấp tính.
Quay trở lại nhà thuốc truyền đời online của “ông Tiến chữa xương khớp”, chúng tôi hỏi “y sĩ” Tuấn có nhiều người quay lại cảm ơn “thầy Tiến” vì đã hết bệnh không. “Y sĩ” Tuấn bảo có rất nhiều người gọi điện cảm ơn, muốn mang quà tới lễ thầy nhưng thầy không nhận, vì “chữa bệnh cho nhân dân là trách nhiệm của người thầy thuốc”. Về phần bà Lan, sau khi biến chứng thận, gan, bà có gọi lại cho “thầy Tiến” để hỏi thêm về tác dụng phụ của thuốc xương khớp. Trả lời bà là một đệ tử nữ, tự xưng là “y sĩ” dược học. Cô này khẳng định, thuốc Nam bào chế từ cây rừng và thảo mộc nên không có chuyện tác dụng phụ, là do bà tuổi cao, sức khỏe yếu nên mới đổ bệnh ra. Trước khi tắt máy, cô này nhắc nhở bà Lan, nếu không liên quan đến xương khớp thì đừng gọi điện nữa.
“Thần y” là ai?
Ông Nguyễn Văn Thành (72 tuổi, ngụ huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) bị tiểu đường biến chứng sang thận từ nhiều năm nay. Khoảng 3 năm trước, khi thận chưa vào giai đoạn suy, ông đã mua thuốc của “chị Nhung gan, thận” về sử dụng. Được quảng cáo chuyên chữa trị các ca bệnh “bác sĩ chê, bệnh viện trả về”, “chị Nhung gan thận” là ai chúng tôi không biết, ông Thành và cả gia đình ông cũng không biết.
Ngày đó, ông Thành được cháu ngoại mua tặng một chiếc iPad. Ông vào xem giải trí trên trang YouTube thấy có nhiều quảng cáo nổi lên xen giữa chương trình. Sau nhiều lần nghe quảng cáo đến loại thuốc chuyên chữa gan, thận, đúng với bệnh của mình, ông đã gọi vào số điện thoại ghi trên quảng cáo. Sau khi nghe “thần y” hướng dẫn và “nổ” về công dụng của thuốc, giá cả cũng vừa túi tiền nên ông Thành đặt một liệu trình 3 tháng. Với tâm lý uống thử xem sao, ông Thành cũng không suy nghĩ nhiều. Ông tự nhận hàng, tự sắc thuốc uống mà không báo cho các con biết. Uống hết thuốc, ông Thành cảm thấy ngủ tốt, ăn ngon nên có phần tin tưởng. Đến hẹn khám định kỳ, các kết quả xét nghiệm cho thấy chức năng thận của ông Thành suy giảm nhanh, từ độ 2 lên tới độ 4. Các con về truy hỏi thì ông mới khai ra đã uống thuốc của “thần y”.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Khánh cho rằng, chưa thể quy kết bệnh tình của ông Thành suy giảm nhanh là do uống thuốc mua trên mạng, chỉ có thể nhận định thuốc ông Thành uống không có tác dụng phục hồi thận, vì sau khi ông uống, chức năng thận đã giảm rõ rệt. Bác sĩ Khánh cho biết, các bài thuốc Đông y rất phù hợp với nhiều loại bệnh và được sử dụng phổ biến trong điều trị. Nếu không phải thuốc từ các bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa thì bệnh nhân trước khi dùng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ Đông y và tuân thủ phác đồ điều trị y, dược học để cho kết quả tốt và hạn chế biến chứng xảy ra.
Vở kịch vụng về
Không chỉ thuốc Đông y, mà các loại thực phẩm chức năng “đội lốt” thuốc Tây, thuốc bổ, thuốc dinh dưỡng đang “bùng nổ” trên mạng xã hội. Khắp nơi từ TikTok, Facebook, YouTube... đều ra rả lời của các “lương y, bác sĩ” tự xưng. Không chỉ vậy, một số “nhà thuốc” còn nhận đào tạo cấp tốc cho những ai có nhu cầu trở thành dược sĩ, y sĩ bán hàng thuốc. Chúng tôi đã tiếp cận được một “dược sĩ” từng qua lớp đào tạo online bán thuốc. Sau khi bị bại lộ thân phận, anh này bị đuổi và dọa đánh.
Dược sĩ “dởm” này tên V.H, 28 tuổi, tạm trú tại Q. Bình Tân, TP.HCM. H. học hết lớp 12 và có thời gian đi làm thợ nhôm kính. Trong một lần H. tới nhà làm cửa cho gia chủ thì thấy có vài người đang đóng gói hàng gửi đi. H. hỏi chuyện thì được biết đó là thực phẩm chức năng. Bà chủ đang cần một người đóng gói nên hỏi H. có muốn làm thì về đây đầu quân, mỗi tháng được trả 8 triệu đồng, bao ăn ở. H. thấy công việc nhàn, không nắng mưa, thu nhập ổn định, hơn hẳn nghề nhôm kính của anh ta nên nhận lời ngay.
Các gói thuốc nam chuyên chữa bệnh xương khớp chỉ có nội dung hướng dẫn sử dụng, ngoài ra không nhãn mác, xuất xứ và địa chỉ.Sau một tháng làm nhân viên đóng gói, H. được bà chủ đôn lên trực điện thoại khách hàng với tư cách dược sĩ. Để vào vị trí này, H. được yêu cầu phải học một lớp đào tạo dược sĩ online trong vòng 1 tuần. Bà chủ đóng học phí và gửi cho H. một đường link để vào học. Tại đây, H. được dạy về cách tư vấn thuốc, phải “bơm” công dụng của thuốc lên làm sao cho vừa hợp lý lại vừa thuyết phục. Bí quyết chính là đưa ra những cảnh báo rợn người về sức khỏe, sau đó thì dọa về nguy cơ rồi lại vuốt ve, trấn an bằng loại thuốc mình đang bán.
Sau khóa học, H. trở thành “dược sĩ”, phụ trách tư vấn qua điện thoại và chốt đơn hàng. Công việc suôn sẻ được 3 tháng thì xảy ra sự cố. Vào đúng hôm livestream bán hàng, cô “dược sĩ” lâu nay chuyên cầm hàng giơ trước màn hình bị ốm đột ngột, bí quá, bà chủ kéo H. ra đứng thay và giới thiệu là dược sĩ. Trong số hàng trăm người theo dõi có một bạn học thời cấp 2 của H. nhận ra liền vào live nhắn tin: “Ủa, bạn H. bữa nay là dược sĩ rồi hả, không làm nhôm kính nữa à”. Mặc dù tin nhắn bị xóa ngay và nick cũng bị chặn nhưng để an toàn, H. đã bị sa thải. Đang yên lành tự nhiên mất việc, anh chàng “dược sĩ” quay trở về làm thợ nhôm kính.