Người dân chuẩn bị, chế biến món ăn.
Lạp chín: Để làm món này, người dân địa phương sử dụng thịt nạc trâu, da trâu thui, nước măng chua, các loại rau thơm, các gia vị như tỏi, ớt và đặc biệt không thể thiếu hạt mắc khén (còn gọi là hạt tiêu rừng). Để có món Lạp thơm ngon, đậm vị thì việc lựa chọn thịt trâu rất quan trọng, thịt được chọn là loại thịt nạc tươi, không có gân, phần da trâu chọn miếng da dày vừa để khi chế biến, da có độ giòn mà không bị dai.
Sự giòn bùi của da trâu, vị ngọt thơm của thịt trâu xào chín tới, có vị chua thanh nhẹ của nước măng chua và mùi mắc khén cùng một số vị rau thơm đặc trưng không thể lẵn với bất kỳ món ăn vùng miền nào
Thành phẩm của món ăn này sẽ có sự giòn bùi của da trâu, vị ngọt thơm của thịt trâu xào chín tới, có vị chua thanh nhẹ của nước măng chua và mùi mắc khén cùng một số vị rau thơm đặc trưng. Tất cả kết hợp với các gia vị đặc trưng của núi rừng tây bắc tạo nên hương vị hấp dẫn, không thể lẫn với bất kỳ món ăn ở vùng miền nào, mỗi một lần thưởng thức lại mang đến cho thực khách một cung bậc cảm xúc riêng, một cảm nhận khác biệt độc đáo, thú vị của món ăn này.
Món nộm rau rừng: Món này không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn là món ăn giúp giải ngán trong các mâm cỗ. Trước đây, món ăn này chủ yếu được bà con người Thái sử dụng trong bữa ăn hàng ngày. Hiện nay, món ăn này được các nhà hàng, khách sạn đưa vào trong thực đơn của mình cho du khách lựa chọn, và nhận được phản hồi tích cực, sự yêu thích của du khách.
Nộm rau rừng gần như giữ nguyên hương vị ban đầu của các loại rau, giúp thực khách cảm nhận rõ vị ngọt, bùi tự nhiên của các loại “lộc trời” mà thiên nhiên ban tặng cho vùng núi Tây Bắc.
Món nộm rau rừng theo quan niệm của đồng bào Thái có nhiều loại rau trộn với nhau thì càng ngon. Món nộm được chế biến khá đơn giản, nguyên liệu chính bao gồm: Rau thối (hay còn gọi là rau gai), măng đắng, quả cà gai, rau sắn, rau ban, tỏi, giềng, ớt, gia vị, lạc rang giã nhỏ. Để có món nộm ngon, đậm vị, đồng bào chọn lựa rất kỹ các loại nguyên liệu, chọn những ngọn rau thối còn non để tạo nên mùi hương đặc trưng của món, về phần vị lựa chọn quả cà gai của cây có hoa màu trắng tạo nên vị ngọt, búp măng đắng còn non tạo nên vị đắng nhẹ, hoà quyện hai vị sẽ tạo ra hương vị độc đáo, hấp dẫn.
Cơm gạo đỏ của người Hà Nhì: Gạo đỏ là loại gạo đặc trưng ở ruộng bậc thang của người Hà Nhì. Gạo đỏ không chỉ để dùng nấu ăn hàng ngày mà còn là lễ vật không thể thiếu để cúng tổ tiên trong dịp lễ tết của bà con tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.
Với sự đặc biệt từ nguồn gốc đến cách thức chế biến, hương vị thơm ngọt, đậm đà, hàm lượng dinh dưỡng cao, gạo đỏ Hà Nhì ngày nay đã dần trở nên quen thuộc, là một đặc sản được nhiều người tiêu dùng tìm mua và sử dụng.
Cơm từ gạo đỏ cũng có cách nấu khác hoàn toàn với gạo thông thường. Gạo đỏ thường được ngâm khoảng 3-4 tiếng trước khi nấu để gạo bung nở và mềm dẻo. Người Hà Nhì dùng một chiếc chảo lớn, sâu lòng để đun thật sôi nước rồi đổ gạo vào luộc khoảng 4-5 phút, gạo được đảo đều tay trong suốt quá trình luộc để không bị dính vào chảo, sau đó vớt gạo lên giá cho ráo nước. Tiếp tục đun sôi nước và đặt chõ lên đổ gạo vào đồ trong vòng 40-50 phút là gạo chín, khi đó có thể bắc xuống và sử dụng.
Các loại gia vị đặc trưng của núi rừng Tây Bắc:
Nhắc đến các loại gia vị của Tây Bắc chắc chắn Mắc khén luôn được nhắc đến đầu tiên và đây cũng là loại gia vị được khá nhiều người biết đến. Mắc khén được coi là linh hồn của ẩm thực Tây Bắc bởi trong hầu hết các món ăn của đồng bào dân tộc Thái đều sử dụng loại hạt này. Hạt Mắc khén thuộc họ hồi, có tinh dầu và hương thơm, khi ăn có cảm giác cay nồng, phù hợp với rất nhiều món ăn đặc biệt thường được dùng để làm đồ chấm hoặc tẩm ướp các món nướng. Hạt Mắc khén khô phải rang vàng, để nguội hoặc xay thành bột mịn đều có thể sử dụng được.
Tiếp theo là hạt Dổi, đây không chỉ là loại cây lấy gỗ mà hạt của nó còn là một trong những loại gia vị rất thông dụng ở Tây Bắc. Hạt Dổi tươi có màu đỏ đẹp mắt, khi đem phơi sẽ có màu nâu sẫm và hạt săn lại. Tương tự như Mắc khén, hạt Dổi là loại gia vị lí tưởng thích hợp với các món nướng hay làm thịt gác bếp, tuy nhiên hạt Dổi có điểm khác so với Mắc khén là phải được nướng trên than hồng rồi đem giã nhỏ. Một điểm lưu ý nữa là hạt Dổi sau khi giã hay nướng rồi sẽ không giữ được quá lâu nên thường được chế biến ngay khi cần dùng. Ngoài được dùng để tẩm ướp các món nướng, hạt Dổi cũng được dùng trong món canh măng hay để làm chẳm chéo. Tuy nhiên, hạt Dổi khá ít đặc biệt là hạt Dổi rừng rất khó kiếm và giá thành khá cao nên việc sử dụng hạt Dổi chưa thực sự phổ biến và được nhiều người ở địa phương khác biết đến.
Ngoài ra còn có thể kế đến Chẳm chéo, là món chấm cổ truyền của dân tộc Thái, dùng để chấm với hầu hết các món từ luộc, nướng, đến các loại hoa quả… Với sự hòa quyện của rất nhiều loại gia vị khác nhau. “Chẳm” trong tiếng Thái nghĩa là “thức chấm”, “Chéo” nghĩa là mùi thơm của nhiều loại rau kết hợp lại.
Chẳm chéo gia vị Tây Bắc.
Nguyên liệu chính để làm chẳm chéo gồm có: Mắc khén, hạt Dổi, ớt tươi, gừng, tỏi, các loại rau thơm, muối hoặc bột canh… Với sự hòa quyện của rất nhiều loại gia vị, chẳm chéo mang đến cho người dùng một cảm giác lạ lẫm. Bởi vậy đồ chấm dân giã này đã trở thành đặc sản và để lại ấn tượng khó quên đối với du khách khi đã một lần được thưởng thức.