Chiều 10/8 (mùng 7/7 Âm lịch), tại Khánh Vân Nam Viện (quận 11), một đạo quán lớn nhất TPHCM diễn ra lễ xá tội vong nhân của cộng đồng người Hoa. Đây là nghi lễ cuối cùng và kết thúc lễ xá tội vong nhân kéo dài 7 ngày qua trong tháng cô hồn.
Theo tín ngưỡng dân gian, dịp Rằm tháng 7 là ngày sinh của Địa quan (một trong Tam Quan thần thông quảng đại). Vào ngày này, Địa quan mở ngục cầu xin Ngọc Hoàng và Thái Ất mở quan xá tội, cứu khổ cho những người đã chết đang chịu khổ tại các địa ngục được trở về các mộ phần an nghỉ, phù hộ cho con cháu và đi đầu thai kiếp khác.
Nghi lễ xá tội diễn ra từ ngày mùng 1 đến mùng 7 Âm lịch. Mùng 1 là ngày khai đàn, sau khi người dân đăng ký tên cho người đã mất với từng loại bài vị khác nhau và dâng cúng nhang đèn, trái cây sẽ được các vị đạo sĩ tại đạo quán liên tục đọc kinh để thỉnh các vong hồn lên nhận cúng lễ.
Ngày mùng 2 và mùng 3 sẽ là ngày phá cửa địa ngục, các vị đạo sĩ sẽ đọc kinh và làm lễ cho các vong hồn. Ngày mùng 4 đến mùng 6 sẽ là ngày giải kết, giải đi những nỗi lòng của các vong hồn. Ngày mùng 7 là lễ qua cầu, người dân sẽ cầm bài vị của người mất đi qua cầu, sau đó đem hóa lửa.
Trước khi nghi lễ qua cầu được thực hiện vào buổi chiều, các đạo sĩ sẽ thực hiện nghi thức lễ phóng đại Tam Thanh. Đạo trưởng sẽ tụng kinh siêu độ cho các thân nhân quá cố của người dân gửi đến để cầu siêu. Các vị đạo trưởng đại diện cho Tam Thanh - Thái Thanh - Ngọc Thanh - Thượng Thanh để siêu độ, thuyết giảng cho các cô hồn trút bỏ oán hận.
Các vị đạo sĩ sẽ đọc kinh kéo dài 3 tiếng. Xuyên suốt thời gian làm lễ "nội bất ngoại, ngoại bất nhập". Chánh điện sẽ đóng cửa hoàn toàn, người dân không được phép ra vào trong thời gian đọc kinh.
Bà Minh Phương (75 tuổi) cùng người nhà chăm chú lắng nghe đọc kinh làm lễ qua khung cửa sổ.
Bên trong khu vực trưng bày bài vị, nhiều người tập trung chuẩn bị cho lễ qua cầu bắt đầu vào đúng 16 giờ.
Mỗi người sẽ cầm trên tay một cây nhang dài gần nửa mét kèm bài vị. Mỗi cây nhang tượng trưng cho một linh hồn. Trên mỗi cây nhang còn được gắn lá bưởi với quan niệm xua đuổi ma quỷ, không đi theo linh hồn của người thân, tổ tiên.
Người dân đi theo hàng ra bên ngoài bằng lối đi phụ, không được đi ngang qua Chánh điện.
Các đạo sĩ bắt đầu dẫn lễ cho các linh hồn đi qua cầu vàng, cầu bạc đã được chuẩn bị ngay phía ngoài sân trong khuôn viên đạo quán. Theo quan niệm dân gian, cầu được bắc giữa dương gian và âm giới, các linh hồn sẽ được dẫn qua và siêu thoát. Dẫn đầu đoàn rước sẽ có các đạo cô đi trước tụng kinh để mở đường cho các vong hồn. Theo sau là người thỉnh kim đồng ngọc nữ, tiếp dẫn các linh hồn được thuận lợi qua cầu.
Khi qua cầu, người dân vừa đi vừa rải tiền cúng cho các ngạ quỷ giữ cầu ở dưới sông để họ vui vẻ và cho phép linh hồn được về với gia đình.
Lễ qua cầu diễn ra trong trật tự, kéo dài hơn 20 phút.
Qua cầu xong, người dân sẽ đem bài vị của người thân mình đi đốt và phải giữ cây nhang còn cháy đi về nhà, nhờ đó linh hồn tổ tiên sẽ đi theo cây nhang đó trở về nhà với con cháu, gia đình.