Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam: Không gian “thiêng” đối diện với nhiều thách thức

Thùy Trang (Báo Văn hóa)| 22/02/2022 10:15

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam và các dạng thức thờ nữ thần trên thế giới là chủ đề của cuộc hội thảo quốc tế do Trường ĐH Văn hóa TP.HCM phối hợp tổ chức cùng UBND TP Châu Đốc (An Giang) vừa diễn ra cuối tuần qua.

Diễn đàn khoa học này thu hút hơn 100 đại biểu là các học giả, chuyên gia trong nước và quốc tế; các nhà quản lý, cộng đồng địa phương và các bên liên quan trong quá trình thực hành di sản tham dự.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam: Không gian “thiêng” đối diện với nhiều thách thức - 1

 Nghi thức rước Bà Chúa Xứ từ đỉnh núi Sam về nhập miếu

Lễ hội đặc sắc, lâu đời đang đối diện với nhiều thách thức

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là lễ hội truyền thống trong hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu của các cộng đồng dân tộc Việt, Hoa, Khmer, Chăm ở Nam Bộ, được giữ gìn và thực hành qua nhiều thế hệ. Lễ hội diễn ra từ ngày 22 - 27.4 âm lịch hằng năm, thực hiện theo các nghi thức truyền thống: Khai hội; Phục hiện rước tượng Bà từ đỉnh núi Sam xuống miếu thờ; Tắm Bà; Thỉnh sắc thần ông Thoại Ngọc Hầu và hai vị phu nhân; Túc yết; Xây chầu; Chánh tế và Hồi sắc.

Trong bối cảnh hiện nay, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam đang có sức sống mạnh mẽ và thu hút khoảng 5 triệu lượt du khách hành hương mỗi năm. Việc đệ trình hồ sơ Lễ hội đến tổ chức UNESCO là khẳng định vai trò quan trọng và các giá trị của Lễ hội, góp phần bảo vệ sự đa dạng văn hóa của các cộng đồng, dân tộc trên thế giới.

Bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng ban Văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội cho biết, UNESCO với vai trò là tổ chức Liên Hợp Quốc duy nhất với sứ mệnh bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, đã hiện diện và hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong suốt hơn 20 năm qua. Việt Nam cũng đã trở thành một trong các quốc gia thành viên tích cực nhất của UNESCO tại châu Á, với những đóng góp quan trọng đặc biệt trong quá trình hoàn thiện và phê chuẩn các công cụ pháp lệnh quốc tế, nhằm bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa, đặc biệt là công ước quốc tế về bảo vệ DSVHPVT năm 2003. Đến nay, Việt Nam đã có 14 DSVHPVT được UNESCO ghi danh.

Trong rất nhiều di sản văn hóa đã được kiểm kê tại Việt Nam, các thực hành nghi lễ thờ nữ thần có sức sống mãnh liệt, gắn liền và tỏ rõ vai trò quan trọng đối với cộng đồng. “Thay mặt UNESCO, chúng tôi vui mừng biết rằng, các nhà quản lý cấp quốc gia và cộng đồng địa phương của tỉnh An Giang cùng với các nhà nghiên cứu đang dành nguồn lực ưu tiên về chuyên môn và chính sách cho việc nghiên cứu, bảo vệ và phát huy DSVHPVT thực hành Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam. Đây là một lễ hội đặc sắc có từ lâu đời mang đậm giá trị văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của người dân vùng sông nước Nam Bộ và chuẩn bị lập hồ sơ đề cử ghi danh di sản này vào Danh sách DSVHPVT đại diện của nhân loại”, Trưởng ban Văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội nói.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam vốn là lễ hội truyền thống của dân làng Vĩnh Tế, do cộng đồng trực tiếp tổ chức. Xưa kia, Lễ hội chỉ diễn ra hơn một ngày, chủ yếu thực hiện một số lễ thức đơn giản. Từ năm 2001, khi được chọn tổ chức lễ hội cấp quốc gia, thì Lễ hội bắt đầu được mở rộng về quy mô và kéo dài một tuần (từ 22 - 27.4 âm lịch). Lễ hội cũng không còn diễn ra trong phạm vi làng Vĩnh Tế mà đã mở rộng quy mô lên khu vực núi Sam để đáp ứng với nhu cầu ngày càng đông của khách hành hương và du lịch. Thời gian lễ Bà hầu như quanh năm, điều này cho thấy, Lễhội Vía BàChúa Xứnúi Sam chiếm vịtríquan trọng trong đời sống tinh thần của người dân.

Lễhội được nâng cấp về giá trị và quy mô là điều kiện để địa phương phát triển du lịch tâm linh. Cũng chính vì thế, có nhiều cá nhân, tổ chức đã lợi dụng cung cấp những thông tin, kiến thức sai lệch vìmục đích trục lợi khiến cho lễ hội và di tích có nguy cơ bị biến đổi, lệch lạc, làm giảm đi giá trị chân thực vốn có và gây ảnh hưởng không nhỏ tới bản sắc lễ hội truyền thống của địa phương… “Điều đáng lo ngại là sự gia tăng đột biến lượng du khách đã gây ra sự quá tải, ảnh hưởng đến không gian thiêng của lễ hội, cảnh quan, gây ô nhiễm môi trường và độ bền vững của di tích”, ông Trương Bá Trạng, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh An Giang cho biết.

Hiện những người có kinh nghiệm tổ chức lễ hội chủ yếu là Ban Quản trị lăng miếu hầu hết là những người lớn tuổi, sẽ có nguy cơ mai một trong việc bảo lưu các giá trị trong thực hành lễ hội nếu không kịp thời truyền dạy cho thế hệ trẻ kế thừa.

Hoạt động của lễ hội phải bắt đầu từ cộng đồng, do cộng đồng chỉ dẫn

Tại hội thảo, GS Amareswar Galla, Trưởng ban UNESCO về Bảo tàng và Phát triển di sản bền vững bày tỏ lo lắng, Việt Nam cũng như các quốc gia Đông Á hiện nay đang bị tác động của việc biến di sản thành một sản phẩm đưa ra thị trường, đặc biệt là phục vụ du lịch nhưng thiếu chiến lược phù hợp. “Theo đà đó, nếu không khéo thì chúng ta sẽ đưa những nghi lễ mang tính thiêng trong đền miếu lên sân khấu biểu diễn phục vụ “thượng đế” - tức là khách du lịch, từ đó sẽ làm biến mất đi tính chất của các tục thờ”, GS Galla nói. Đồng quan điểm này, GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam nêu ý kiến: “Tôi cho rằng việc kết hợp Nhà nước và cộng đồng ở Châu Đốc trong bảo vệ di sản như hiện nay đã làm rất tốt, tuy nhiên tôi cảm giác đang có sự lấn át của yếu tố thương mại, làm giá trị nhân văn, giá trị cộng đồng bị nhạt nhòa. Bên cạnh đó, vấn đề đô thị hóa khiến Lễ hội Bà có nguy cơ biến đổi, do đó cần tránh trần tục hóa nghi lễ và các sinh hoạt của lễ hội, chú ý gắn kết sự tham gia của cộng đồng, của các tộc người vào việc thực hành nghi lễ”.

TS Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam lưu ý, vai trò của các nhà khoa học, các trường ĐH, các chuyên gia quốc tế giúp cho tỉnh An Giang có một cách thức tiếp cận di sản và đưa ra các chính sách bảo vệ di sản, không phải chỉ vì di sản sẽ được ghi danh vào Danh sách DSVHPVT đại diện nhân loại, mà vì sự sống, sự phát triển bền vững của di sản này trong cộng đồng.

Còn theo TS Yujie Zhu, Trung tâm Nghiên cứu Di sản và Bảo tàng, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nghệ thuật (ĐH Quốc gia Úc), việc đồng sáng tạo các giá trị văn hóa Lễ hội cần lấy cộng đồng địa phương làm trung tâm và xem họ như là đối tượng thụ hưởng chính. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cần phải xây dựng chiến lược, có sự đối thoại nhịp nhàng, bình đẳng và tương tác với cộng đồng bản địa. TS Zhu cũng nhấn mạnh, các lễ hội gắn với tôn giáo cần phải chấp nhận là nó luôn luôn biến đổi. Di sản không phải chỉ là vấn đề bảo tồn mà còn là vấn đề giáo dục nhận thức và truyền bá tri thức giữa các thành viên trong cộng đồng và giữa các thế hệ với nhau. Việc thể hiện và thúc đẩy các giá trị về tôn giáo, di sản đối với cộng đồng, để phục vụ khách hành hương hoặc du khách cần lưu ý một nguyên tắc là phải do chính cộng đồng đồng thuận chứ không phải bắt buộc từ chính sách hay quy định hoặc mong muốn của chính quyền… Vậy thì việc truyền bá hình ảnh lễ hội, hoạt động linh hồn của một lễ hội là phải bắt đầu từ cộng đồng, do cộng đồng chỉ dẫn.

Theo tcdulichtphcm.vn
https://tcdulichtphcm.vn/le-hoi/le-hoi-via-ba-chua-xu-nui-samkhong-gian-thieng-doi-dien-voi-nhieu-thach-thuc-c8a26166.html
Copy Link
https://tcdulichtphcm.vn/le-hoi/le-hoi-via-ba-chua-xu-nui-samkhong-gian-thieng-doi-dien-voi-nhieu-thach-thuc-c8a26166.html
    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam: Không gian “thiêng” đối diện với nhiều thách thức
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO