Theo thông tin từ UBND xã Hải Lựu, lễ hội chọi trâu năm nay được tổ chức từ 5-7/2 tại sân vận động của xã với 20 ông Cầu (theo cách gọi của người địa phương) tham gia thi đấu.
UBND xã Hải Lựu sẽ tiếp tục thực hiện đề án đổi mới công tác quản lý, tổ chức lễ hội chọi trâu để khắc phục những tồn tại, hạn chế của lễ hội và phù hợp với nguồn gốc lịch sử văn hóa truyền thống.
Đáng chú ý, Ban tổ chức cho biết sẽ giảm số lượng từ 32 xuống còn 20 trâu chọi theo đúng phong tục cũ và không bán vé vào xem.
Kịch bản tổ chức lễ hội đã được xây dựng kỹ lưỡng; các lực lượng chức năng đã lên phương án phân luồng giao thông, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người tham gia lễ hội. Sẵn sàng các phương tiện chuyên dụng để xử lý các tình huống phát sinh xảy ra.
Ban tổ chức cũng kiểm soát chặt chẽ trâu chọi để bảo vệ thương hiệu thịt trâu chọi Hải Lựu; niêm yết giá bán, bố trí riêng khu giết mổ trâu chọi, quy định rõ ràng trách nhiệm của các thành viên ban tổ chức, chủ trâu và người tham gia lễ hội.
Ngoài ra, Ban tổ chức lễ hội sẽ bố trí lối đi riêng biệt cho du khách, lối đi riêng cho trâu vào sới. Sới chọi được bảo vệ bằng các lớp hàng rào kiên cố bảo đảm an toàn cho du khách.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Lễ hội chọi trâu Hải Lựu có từ thế kỷ thứ II trước công nguyên. Thừa tướng Lữ Gia đóng quân ở Long Động trên đỉnh núi Thét thuộc thôn Dừa Cả, xã Hải Lựu đã cùng tướng sỹ chiến đấu chống giặc Hán. Mỗi khi thắng trận, ông cho mở hội chọi trâu để khích lệ tinh thần tướng sỹ, sau đó cho mổ trâu chọi để khao thưởng quân sỹ và dân làng. Kể từ đó trở thành lễ hội chọi trâu hàng năm.
Chọi trâu Hải Lựu là lễ hội chọi trâu có lịch sử lâu đời nhất cả nước. Tính đến năm 2023, lễ hội được khôi phục 21 năm, trở thành một lễ hội nổi tiếng, ngày càng được nhiều người biết đến.
Ban tổ chức ước tính mỗi dịp lễ hội thu hút từ 4- 5 vạn du khách khắp nơi đến Hải Lựu.