Sáng 26/12, nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng "Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không", Đảng ủy, UBND, UBMTTQ phường Khâm Thiên (quận Đống Đa) tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm các liệt sỹ và nạn nhân vô tội trong trận chiến 12 ngày đêm tháng 12/1972 tại Di tích Đài tưởng niệm Khâm Thiên (số 47, 49, 51 phố Khâm Thiên, phường Khâm Thiên).
Trung tâm của đài tưởng niệm là bức tượng bằng đồng phỏng theo bức tượng bằng xi-măng được họa sỹ Nguyễn Tự khắc họa chân dung, dáng vóc của một người phụ nữ Hà Nội. Tay chị ôm đứa con đã chết, bước chân nhấc lên cao đạp lên bom Mỹ.
Đài tưởng niệm Khâm Thiên là nơi tưởng niệm đồng bào ở phố Khâm Thiên bị máy bay B-52 của đế quốc Mỹ ném bom rải thảm cách đây 50 năm. Đợt ném bom rải thảm này đã khiến 287 người tử vong, trong đó có 94 phụ nữ, 40 cụ già, 56 trẻ em; làm cho 178 cháu trở thành mồ côi và 290 người bị thương; phá hủy hoàn toàn 534 ngôi nhà; làm hư hỏng 1.200 ngôi nhà khác. Trong đó, 3 căn hộ liền nhau số nhà 47, 49, 51 bị bom Mỹ đánh trúng và san bằng.
Trong không khí trang nghiêm, xúc động, lãnh đạo các cấp và người dân thành kính đặt vòng hoa, dâng hương và dành một phút mặc niệm tưởng nhớ đồng bào bị bom Mỹ sát hại vào tháng 12/1972.
Ngôi nhà số 51 phố Khâm Thiên chỉ còn là một hố bom, bảy người sống trong ngôi nhà này không còn ai sống sót. Mảnh đất này trở thành một đài tưởng niệm với một tấm bia mang dòng chữ "Khâm Thiên khắc sâu căm thù giặc Mỹ" và một bức tượng bằng đồng tạc hình một phụ nữ bế trên tay một đứa trẻ đã chết vì bom Mỹ.
50 năm trôi qua, từ những đống đổ nát, từ hố bom sâu, phố Khâm Thiên đã thay áo mới, người dân vươn lên làm chủ vận mệnh của mình. Dấu tích tội ác của Mỹ chỉ còn lại ở đài tưởng niệm Khâm Thiên, ghi nhớ ngày giỗ chung của hàng trăm người dân nơi đây.
Từ sáng sớm 26/12, người dân khắp nơi tìm về Di tích Đài tưởng niệm Khâm Thiên, đăng ký dâng hương tưởng niệm các liệt sỹ và nạn nhân vô tội.
Liên tục lau hàng nước mắt, bà Võ Thị Hợp (85 tuổi) nói không bao giờ quên ký ức kinh hoàng đêm 26/12/1972 khi tiếng máy bay B-52 ầm trời, người dân cuống cuồng giục nhau xuống hầm trú ẩn.
"Tôi còn sống là một điều may mắn", bà Hợp khóc. Chồng bà vội đạp chiếc xe Thống Nhất chở vợ và mẹ vợ đi sơ tán. Trước đó, bố mẹ chồng và 4 người con đã đi sơ tán tại huyện Yên Dũng (tỉnh Hà Bắc cũ, nay là Bắc Giang).
Sáng 27/12, trở về ngõ chợ Khâm Thiên, bà Hợp đau đớn trước khung cảnh hoang tàn: từng mảnh thi thể và rau bắp cải lẫn lộn, la liệt khắp nơi.
"Gia đình hàng xóm 9 người đều tử vong, nghĩ lại tôi rất thương tiếc và đau xót", người phụ nữ 85 tuổi nhớ lại, nói hàng ngày đi qua khu tưởng niệm - nơi người dân trong khu phố lần lượt ngã xuống, bà đều bật khóc nức nở.
Trận bom năm đó đã cướp đi 5 người thân của bà Chu Thị Hòa (80 tuổi, ngõ Hồ Dài, phường Khâm Thiên). Đêm 26/12 cách đây 50 năm, nghe tiếng còi báo động, bà Hòa cùng mẹ chồng chạy xuống hầm trú ẩn công cộng, chồng và 3 người em trốn tại hầm gần nhà.
"Khi bom trút xuống, đất đá vùi kín. Tôi nghe tiếng mẹ kêu nhưng không làm gì được", bà Hòa nhớ lại.
Vài phút sau, hai người được kéo lên. "Cứu mẹ chồng tôi với", bà hét lớn, tìm kiếm sự giúp đỡ, nhưng người mẹ đã chết ngạt.
Nhớ tới chồng và các em ở nhà, bà Hòa sấp ngửa chạy đi tìm, thấy thi thể chồng ngang cửa hầm, hai người em cũng thiệt mạng. Một người em gái may mắn thoát chết, bị thương cột sống.
"Bước ra từ cửa hầm, quần áo tôi rách bươm. Tôi ra phố xin quần áo, rồi đi nhận thi thể người thân. 5 người chết, nhưng chỉ có 2 áo quan, 3 người còn lại nằm trong túi nilon", người phụ nữ đau xót kể.
Chồng mất, bà Hòa trở thành góa phụ ở tuổi 30, một mình nuôi 3 người con (đứa lớn 7 tuổi, bé nhất mới lên 2).
"Dù là 50, 60 hay 70 năm, tôi vẫn đau xót, khắc sâu trong tâm", niềm an ủi lớn nhất của bà là sự trưởng thành của 3 người con.
Tháng 12/1972, ông Trần Hậu Tuấn (80 tuổi, ngõ Hồ Cây Sữa) đóng quân tại Hưng Yên. Đêm 16/12, ông nghe tin giặc Mỹ đánh bom Khâm Thiên. Sáng hôm sau, ông sốt ruột, mượn xe của đơn vị đạp về nơi sơ tán của gia đình ở xã Dương Xá (huyện Gia Lâm).
"Về đến nơi, khói hương đã nghi ngút", ông Tuấn nói, mắt rưng rưng.
Người đàn ông kể, đêm Noel, gia đình ông từ nơi sơ tán về nhà trên phố Khâm Thiên. 10h sáng 26/12, bố ông dặn các con đi sơ tán vì lo sợ Mỹ đánh bom. Em trai ông Tuấn khi đó đã trả lời: "Bố ơi, mai chúng con đi, vừa mới qua Noel, giặc Mỹ không đánh đâu".
Nhưng đêm hôm đó, B-52 san phẳng con phố Khâm Thiên.
Bố ông Tuấn là người duy nhất trong gia đình nhận ra thi thể con cháu qua quần áo hoặc đặc điểm cơ thể. Ông đau đớn trèo lên xác B-52 còn sót lại, trút giận bằng cách đập mạnh vào máy bay, căm thù tội ác chiến tranh.
Vợ ông Tuấn bật khóc, nói: "Người ta cứ bảo là quên, nhưng làm sao chúng tôi quên được..."
Ông Lê Văn Chiến (74 tuổi, sống tại Bắc Giang) chống gậy, đi xe khách từ 6h sáng, xuống Hà Nội thắp hương cho các nạn nhân vô tội.
Khoảng 22h đêm 26/12/1972, 30 máy bay B-52 ném bom rải thảm xuống đường phố Khâm Thiên, con phố đông đúc của trung tâm thành phố. Cả 17 khối phố bị thiệt hại, trong đó khối 44 đến 47 hầu như bị hủy diệt hoàn toàn. Nhà trẻ, mẫu giáo, cửa hàng lương thực, thực phẩm, đình Tương Thuận, di tích lịch sử, rạp hát, nhiều cơ sở sản xuất cùng hàng nghìn nhà dân bị sập đổ.