Bụng to dần và đau âm ỉ sau tai nạn giao thông
Cách nhập viện 17 ngày, ông B.P.K (59 tuổi, Bình Dương) đi xe máy trên đoạn đường gần Quốc lộ 13 rồi gặp va chạm. Lực va chạm cùng với đường mưa trơn trợt làm ông K mất tay lái, ngã đập mạnh xuống đường trong tư thế ngồi.
Dù không thấy vết thương hở ngoài da, không có vết trầy xước vùng bụng và ngực nhưng nạn nhân cảm thấy đau đớn đến không thể thở nổi. Người bệnh được đưa vào sơ cứu ở một bệnh viện gần nơi xảy ra tai nạn và khám lại ở bệnh viện địa phương.
Chẩn đoán ban đầu của ông K là chấn thương gan, tụy, dập lách mức độ nhẹ. Người bệnh được điều trị bằng thuốc uống và theo dõi tại nhà.
Tuy nhiên, ông K thấy bụng ngày càng to thêm và đau âm ỉ khiến ông nhiều đêm gần như thức trắng. Đến ngày thứ 17 sau tai nạn, ông đến khám tại Bệnh viện Bình Dân.
Tại Khoa Hồi sức Cấp cứu, các bác sĩ thực hiện siêu âm, phát hiện rất nhiều dịch trong ổ bụng. Khi bác sĩ chọc hút bụng dưới hướng dẫn của siêu âm ra nhiều dịch mật.
Ngoài ra, hình ảnh trên phim MSCT-scan vùng bụng còn cho thấy dịch ổ bụng lượng nhiều kèm theo hình ảnh túi mật xẹp, thành túi mật mất dấu liên tục. Các tạng khác trong ổ bụng không tổn thương kèm theo.
Bác sĩ chẩn đoán đây là một trường hợp vỡ túi mật làm dịch mật chảy ra trong ổ bụng. Từ đó làm bụng người bệnh căng to và đau đớn, người bệnh được lên kế hoạch can thiệp khẩn cấp.
Lấy 15 lít dịch mật trong ổ bụng bệnh nhân
Khi phẫu thuật nội soi ổ bụng cho bệnh nhân, các bác sĩ ghi nhận dịch mật tràn ra khắp ổ bụng, hút ra khoảng 15 lít dịch mật vàng. Các cơ quan trong ổ bụng tẩm nhuận dịch mật nhiều. Túi mật xẹp và vỡ một lỗ to kích thước khoảng 3cm x 4cm, cổ túi mật đã có hiện tượng viêm dính nhiều.
Người bệnh được cắt bỏ túi mật đã thủng, hút sạch và rửa sạch ổ bụng. Sau phẫu thuật, ông K cho biết cảm thấy bụng nhẹ, không còn đau đớn và căng tức. 2 ngày hậu phẫu, bệnh nhân ngủ ngon, có thể đi lại quanh giường bệnh và ăn được cháo.
Theo bác sĩ Trần Minh Đức - Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu Bệnh viện Bình Dân, đây là một trường hợp chấn thương bụng kín gây vỡ túi mật với cơ chế chấn thương không trực tiếp tác động trên túi mật. Có thể trong tai nạn, ông K té ngồi tạo một lực mạnh trên túi mật đang căng to là nguyên nhân gây vỡ túi mật đột ngột.
Ngoài ra, dịch mật lượng lớn khiến bụng người bệnh căng to nhưng may mắn là không có dấu hiệu nhiễm trùng. Nếu nhiễm trùng, bệnh nhân có thể rơi vào bệnh cảnh sốc nhiễm trùng chỉ trong vòng 48 giờ.
"Nạn nhân trong các tai nạn nên đi khám để phát hiện sớm các tổn thương. Như trường hợp của ông K, dù không phát hiện vết thương hở nhưng một cơ quan trong ổ bụng có thể bị vỡ gây cho người bệnh nhiều nguy cơ và đau đớn kéo dài" - bác sĩ Minh Đức khuyến cáo.