Trên bếp than đỏ rực, nồi nước dùng lớn đã gần thấy đáy. Vài nồi đất con đang sôi ùng ục, đều đã được khách đặt trước.
Quán lẩu bò hơn 40 năm tuổi của bà Sáu nằm ở đầu con hẻm 616, đường Cách Mạng Tháng 8 (quận 3). Quán mở cửa từ 18h đến 22h nhưng nhiều hôm vì quá đông khách nên tầm 20h-20h30 đã hết thức ăn.
"Mấy hôm nay trời Sài Gòn về đêm hơi lạnh, mọi người càng thích ăn các món nóng như lẩu. Khách đến rất đông nên chúng tôi hết đồ khá sớm. Nhân viên chỉ được chừng này người nên không thể làm thêm để bán", chủ quán lẩu bò nói với Zing.
Khách quá đông, tiệm lẩu phải thông báo hết thức ăn từ lúc 20h30.
Bán hơn 120 nồi lẩu/ngày
Tranh thủ sau giờ tan làm, Diệu Ngân (sinh năm 2002, quận Phú Nhuận) rủ nhóm bạn thân ghé quán lẩu bò bà Sáu. Ngân cho biết đây là món khoái khẩu của cô mỗi khi trời mưa hay se lạnh.
Là khách ruột của quán này, có dịp đến ăn cả nhóm đều gọi một phần lẩu lớn. Theo lời Ngân, món lẩu ở đây có hương vị khác biệt với những nơi khác nhờ được đun bằng nồi đất, nhiệt tỏa từ từ giúp thịt bò mềm mà không dai.
"Hôm nay quán đông quá, tụi mình đợi một lúc mới có bàn. Dạo này không khí ở Sài Gòn bắt đầu lạnh dần nên ai cũng thích vừa ‘xì xụp’ món lẩu nóng hổi, vừa trò chuyện rôm rả. Mình ăn ở đây 3 lần rồi và đặc biệt thích nước dùng đậm đà", Ngân chia sẻ.
Cuối tuần, Ngân định hẹn nhóm bạn đi ăn bánh xèo và xuống phố tận hưởng những ngày lạnh hiếm hoi của TP.HCM.
Đây là lần đầu tiên Quang Huy (sinh năm 2001, TP Thủ Đức) thưởng thức lẩu bò tại địa điểm này. Chàng trai biết đến quán qua các bài giới thiệu trên mạng nên rủ bạn đi ăn thử. Trong lúc đợi lẩu sôi, Huy và cô bạn bàn nhau những tiệm ăn nổi tiếng để hôm sau ghé.
Lẩu bò bà Sáu đông khách kể cả ngày đầu tuần.
Ngoài lẩu bò, đồ nướng cũng là lựa chọn yêu thích của đôi bạn khi trời trở lạnh. Hơ tay gần lửa để sưởi ấm, Huy cho biết cách đun lẩu bằng nồi đất của quán này khiến cậu nhớ lại những kỷ niệm trong chuyến đi Đà Lạt.
"Mình đi 2 người nên gọi một phần cỡ vừa. Vào những ngày trời lạnh như này, vừa được ăn lẩu, vừa có bạn đi cùng để kể lại chuyện cũ thì thật tuyệt. Dịch trong thời điểm này vẫn còn phức tạp nên mình cũng chú ý giữ khoảng cách và sát khuẩn thường xuyên. Chắc ăn xong tụi mình sẽ chạy xe ngắm đường phố đã trang trí Giáng sinh”, Huy hào hứng nói.
Bà Sáu cho biết sau khi mở cửa trở lại vào cuối tháng 10, tiệm lẩu của bà còn đông khách hơn trước dịch.
"Sau nhiều tháng ở nhà, không được đi ăn ngoài, mọi người đều cảm thấy nhớ hương vị quán xá. Trong những ngày đầu mở lại, nhiều khách quen ghé liên tục".
Theo chủ quán, trung bình mỗi ngày quán bán được khoảng 120 nồi lẩu. Những ngày gần đây khi tiết trời se lạnh, nhiều hôm quán tăng số lượng thức ăn và bán được hơn 140 nồi.
Cháo ếch, sữa đậu nành nóng đắt hàng
Khoảng 19h ngày đầu tuần, khách ngồi kín hơn 20 chiếc bàn con tại quán cháo ếch Tân Định (đường Hai Bà Trưng, quận 1).
Hai đầu bếp và 4 nhân viên của quán phải làm việc hết công suất khi khách vào ra liên tục.
"Anh ơi, gửi xe chỗ nào", "Bạn ơi, cho mình gọi món", "Kê thêm bàn cho khách đi", "Cẩn thận nước nóng, cẩn thận nước nóng", tiếng của thực khách và cả nhân viên quán làm rộn cả góc đường.
Quán cháo ếch đặc biệt đông khách trong những ngày trời se lạnh.
Đến quán vào đúng giờ đông khách nhất, Hằng (24 tuổi) và bạn phải loay hoay khoảng 10 phút mới có bàn trống để ngồi.
Trước đây, Hằng từng ghé tiệm ăn này một lần, khá ấn tượng với hương vị món ăn ở đây. Tuy nhiên, vì không quá ghiền món cháo ếch nên hầu như cô không quay lại sau đó.
"Nay thời tiết Sài Gòn se se lạnh, mình chợt muốn ăn gì đó cho ấm bụng rồi nhớ ra chỗ này nên ghé vào. Món ếch vẫn được nêm nếm rất vừa khẩu vị, giá thành hầu như không đổi sau dịch, 70.000 đồng/phần", Hằng nói.
Khách ngồi kín bàn ở quán cháo ếch Tân Định.
Không chỉ các quán ăn, một số hàng sữa tươi, sữa đậu nành mở cửa vào buổi chiều, ban đêm cũng cho biết thức uống nóng bán chạy hơn đồ lạnh trong những ngày gần đây.
Chủ tiệm sữa đậu nành cô Năm (đường Hòa Hưng, quận 10) cho biết mỗi ngày chị bán được gần 100 ly sữa bò pha các loại đậu và sữa đậu nành nóng.
"Sữa nóng thường bán vào đầu giờ chiều. Còn sữa đậu nành nóng thì chúng tôi bán đến 21-22h. Mấy buổi tối thời tiết 19-20 độ C, nhiều khách tới đây nhìn nồi sữa nghi ngút khói của tôi là lại xuýt xoa vì nhớ không khí Đà Lạt", chủ quán kể.