Theo Cổng thông tin điện tử Đà Nẵng, số liệu thống kê năm 2018, Đà Nẵng có 233.800 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó 60% trẻ tiểu học và 90% trẻ trung học có tài khoản Facebook, gần 900 quán internet và game online trên địa bàn thu hút hàng ngàn trẻ em đến sử dụng mỗi ngày. Trẻ em sử dụng internet từ độ tuổi nhỏ sẽ đắm chìm trong thế giới ảo mà không nhận thức được rủi ro tiềm ẩn. Số lượng trẻ em bị xâm hại tình dục thường không được báo cáo đầy đủ vì thiếu sự phối hợp giữa các đơn vị. Cộng đồng còn xa lạ và e ngại về đề tài xâm hại tình dục trẻ em, cũng như nhận thức, kiến thức về an toàn mạng của cộng đồng còn hạn chế.
Trẻ em luôn cần được bảo vệ trên mạng - Ảnh minh hoạ
Là địa phương duy nhất của Việt Nam được Tổ chức Tầm nhìn thế giới vận động hỗ trợ triển khai dự án “Bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên khỏi nguy cơ xâm hại tình dục qua môi trường mạng”, Đà Nẵng đã chọn 3 quận Hải Châu, Sơn Trà, Cẩm Lệ (gồm 12 trường THCS, THPT và 9 phường) để triển khai dự án. Đây là mô hình mới nhưng rất có ý nghĩa trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh như hiện nay - bên cạnh những tác động tích cực của internet cũng có những tiêu cực, ảnh hưởng đến thanh thiếu niên và trẻ em.
Qua 3 năm triển khai, dự án đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận, tập trung nâng cao kiến thức, kỹ năng về an toàn mạng cho trẻ em, phụ huynh, giáo viên và cộng đồng trên địa bàn 3 quận. 15.000 trẻ em và thanh thiếu niên tại trường học và cộng đồng được nâng cao kiến thức, kỹ năng bảo vệ bản thân và bạn bè từ các nguy cơ xâm hại tình dục trên môi trường mạng. 8000 phụ huynh, người chăm sóc trẻ và giáo viên tại cộng đồng và các trường học được nâng cao kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ từ các nguy cơ xâm hại tình dục trên môi trường mạng.
Song song với đó, thành phố tập trung phát triển các dịch vụ hỗ trợ trẻ em có nguy cơ và trẻ em là nạn nhân bị xâm hại trên môi trường mạng; hình thành bộ tài liệu truyền thông về phòng chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; tiếp nhận tư vấn và hỗ trợ bảo vệ trẻ em qua Tổng đài 1022.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cho biết, trong những năm qua, cùng với việc thực hiện các chính sách năng động trong phát triển kinh tế xã hội, thành phố đã không ngừng chăm lo đến các vấn đề an sinh xã hội, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, góp phần đem lại một môi trường xã hội lành mạnh, bảo đảm cho sự phát triển toàn diện của trẻ em.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thành phố vẫn đang đứng trước những khó khăn, thách thức của quá trình đô thị hóa; các dịch vụ trợ giúp xã hội dành cho trẻ em còn hạn chế; số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt có xu hướng tăng (nhất là trẻ em khuyết tật, trẻ em hộ gia đình nghèo, trẻ em từ địa phương khác đến); vẫn còn trẻ em bị xao nhãng trong chăm sóc, nuôi dạy; đặc biệt là vấn đề đảm bảo an toàn cho trẻ em trong thế giới công nghệ số, môi trường mạng cần được quan tâm
Trong thời gian tới, thành phố Đà Nẵng sẽ triển khai Kế hoạch thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, thực hiện mục tiêu kép nhưng đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết, trong đó trẻ em là đối tượng được thành phố đặc biệt quan tâm. Thành phố luôn gắn mục tiêu phát triển trẻ em với mục tiêu phát triển thành phố bền vững; tập trung xây dựng và hoàn thiện mạng lưới cung cấp các dịch vụ về y tế, giáo dục, bảo vệ trẻ em; nhân rộng các mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng. Đồng thời, tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành, địa phương trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhất là việc phòng ngừa, phát hiện, can thiệp trẻ em bị xâm hại; phấn đấu xây dựng Đà Nẵng trở thành “Thành phố thân thiện với trẻ em”.
Lê Mỹ