Lập biên bản vì con không tiêm vắc xin Covid-19: ‘Mọi hành vi cưỡng chế đều sai’

06/09/2022 20:42

Các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh số ca nhiễm, ca nhập viện tăng, tiêm đủ mũi vắc xin Covid-19 rất cần thiết tuy nhiên việc này phải dựa trên sự tự nguyện của người dân.

UBND phường Trần Phú, TP Móng Cái, Quảng Ninh vừa gây xôn xao dư luận khi lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực y tế đối với một số phụ huynh vì không cho con đi tiêm chủng vắc xin Covid-19 đầy đủ.

Một chuyên gia ở Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, việc hoàn thành đủ mũi vắc xin Covid-19 không chỉ có tác dụng bảo vệ những người được tiêm, còn hạn chế khả năng lây nhiễm của người mắc bệnh sang cho người khác do thời gian đào thải virus ngắn hơn, hồi phục nhanh hơn và miễn dịch tạo ra cũng mạnh mẽ hơn, hạn chế tái nhiễm. Trong bối cảnh số ca nhiễm tăng, ca nhập viện tăng, việc tiêm đủ mũi vắc xin Covid-19 càng khẳng định giá trị.

Tuy nhiên về câu chuyện lập biên bản vi phạm hành chính đối với các phụ huynh không cho con đi tiêm đủ vắc xin Covid-19 của UBND phường Trần Phú là sai.

“Chỉ nên vận động, tuyên truyền, mọi hành vi cưỡng chế đều sai trong trường hợp này”, vị chuyên gia này khẳng định với VietNamNet.

Biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực y tế của UBND phường Trần Phú, TP Móng Cái (Ảnh: Cổng thông tin TP Móng Cái)

Trao đổi với VietNamNet, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cũng thông tin, từ trước đến nay, chưa có hướng dẫn, quy định nào của cơ quan phòng chống dịch yêu cầu hay bắt buộc mọi người phải tiêm vắc xin Covid-19.

“Chúng ta chỉ vận động, khuyến khích người dân tiêm vắc xin. Trường hợp trẻ không tiêm và lập biên bản vi phạm hành chính là không đúng với tình hình dịch hiện nay”.

PGS.TS Hùng phân tích dịch bệnh cơ bản đã được khống chế, biến chủng Omicron lây lan nhanh nhưng phần lớn ca bệnh đều triệu chứng nhẹ, không để lại bệnh cảnh lâm sàng nặng. Đối tượng trở nặng tập trung ở người già, người suy giảm miễn dịch…

PGS.TS này cũng nhận định, vắc xin phòng Covid-19 được đánh giá có tác dụng trong vấn đề giảm tỷ lệ mắc bệnh nặng, tử vong tuy nhiên thực tế trong phòng ngừa lây nhiễm hiệu quả không quá cao. “Số người tiêm và số người không tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ mũi 3, 4 tỷ lệ mắc không khác biệt. Điều này cho thấy hiệu quả phòng ngừa không khác biệt nhiều”, PGS.TS Hùng nói.

“Vì vậy việc lập biên bản trên không đúng quy định pháp luật về phòng chống dịch. Quy định địa phương phải dựa trên quy định của quốc gia, không nên dùng biện pháp quá hà khắc ảnh hưởng đến tâm lý người dân”, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng khẳng định.

Cũng theo Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội hiện ca mắc tăng, cả nước ghi nhận khoảng vài nghìn ca mỗi ngày, hầu hết đều tự cách ly, điều trị, chỉ có một số trường hợp mắc bệnh nền, người suy giảm miễn dịch… phải vào viện theo dõi, can thiệp oxy.

“Về cơ bản 1 ngày ghi nhận vài nghìn ca. Trong số đó khoảng vài chục đến hơn 100 ca phải can thiệp thở oxy cho thấy chúng ta đã khống chế được dịch bệnh tốt, tình hình không quá nặng nề. Do vậy chính sách chống dịch cần linh hoạt hơn. Đối với vắc xin, luôn là khuyến khích vận động dựa trên sự tự nguyện của người dân”, PGS.TS này nói.

PGS.TS Hùng cũng thông tin thêm, để phòng ngừa dịch cho trẻ khi vào năm học mới, trẻ đủ kiến thức có thể tự theo dõi sức khỏe bản thân hoặc cha mẹ phải giám sát, phát hiện những trẻ nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính (ho, hắt hơi, sổ mũi…) nên mang khẩu trang. Trường hợp xét nghiệm dương tính có thể cho trẻ học online để phòng tránh cho trẻ khác.

Ảnh: Phạm Hải

TS.BS Đỗ Thiện Hải - Phó giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng thông tin, ở nước có khí hậu nhiệt đới như Việt Nam, những bệnh viêm đường hô hấp thường xuyên lưu hành.

Đánh giá về khả năng tăng các ca bệnh về đường hô hấp, TS.BS Hải cho biết, khi trẻ đi học tập trung trở lại, đặc biệt là các em nhỏ ở dưới 5 tuổi thường sinh hoạt tập trung ở môi trường có sử dụng điều hòa, điều kiện không khí sẽ kém hơn so với không khí tự nhiên. Khi 1 em mắc bệnh sẽ có nguy cơ tạo các ổ dịch nhỏ, nguy cơ lây bệnh sẽ cao hơn khi ở cùng gia đình.

Khi không may tiếp xúc với nguồn bệnh, chúng ta nên có biện pháp phòng bệnh cho trẻ. Thông thường, chúng ta bật điều hòa cả ngày, trong mùa dịch bệnh như thế này, tại gia đình hoặc lớp học nên tắt điều hòa 2-3 lần/ngày, mở hết cửa để đảm bảo thông thoáng môi trường không khí trong phòng.

Thứ 2, các phụ huynh nên chú trọng vệ sinh đường hô hấp cho trẻ như nhỏ nước mũi, súc miệng nước muối, rửa tay, khử khuẩn thường xuyên…

TS.BS Hải cũng khuyến cáo, khi có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe, kể cả những trường hợp có triệu chứng sốt nhẹ phụ huynh nên đưa trẻ đến trung tâm y tế để đánh giá sơ bộ, chẩn đoán bệnh. Đồng thời, nhân viên y tế sẽ tư vấn cách theo dõi các dấu hiệu nào cần cho trẻ nhập viện.

Để có hệ miễn dịch tốt phòng bệnh cho trẻ, TS.BS Đỗ Thiện Hải thông tin, trẻ phải có sức khỏe tốt, bằng cách cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng để hệ thống miễn dịch có khả năng hoạt động tốt.

Phụ huynh nên hạn chế cho trẻ tiếp xúc với đối tượng có nguy cơ mang mầm bệnh. “Những người làm việc, sinh hoạt ở nơi tập trung đông hay những người vào bệnh viện thăm nom người bệnh... Đó là những nguồn có thể mang mầm bệnh ra cộng đồng và lây bệnh cho trẻ”, TS.BS Hải nói. Bên cạnh đó, chúng ta có thể sử dụng vắc xin kích thích hệ thống miễn dịch, tạo kháng thể cho trẻ.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Lập biên bản vì con không tiêm vắc xin Covid-19: ‘Mọi hành vi cưỡng chế đều sai’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO