Đầu tháng Chạp, vườn bưởi đỏ Luận Văn của gia đình ông Nguyễn Văn Tư (54 tuổi, ở xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) vào thời kỳ chín rộ, tỏa hương thơm đặc trưng, dễ chịu.
Gia đình ông Tư hiện đang sở hữu hơn 3ha bưởi đỏ Luận Văn. Ông cho biết, bưởi đỏ làng Luận Văn nổi tiếng từ xa xưa bởi mùi thơm, quả khi chín có màu đỏ từ vỏ đến múi. Trước kia giống bưởi này từng được dùng tiến vua dịp lễ Tết.
Ngày nay, bưởi đỏ Luận Văn được nhiều người yêu thích mua về làm mâm ngũ quả ngày Tết để cầu mong sự may mắn, thịnh vượng.
Theo ông Tư, bưởi đỏ Luận Văn sau khi trồng khoảng 3 năm bắt đầu cho trái. Khi non, trái có màu xanh giống các loại bưởi thông thường, đến giữa tháng 10 Âm lịch, bưởi bắt đầu chuyển đỏ, từ trong ra ngoài. Trung bình một gốc bưởi có 60-100 quả.
Với diện tích hơn 3ha, mỗi vụ Tết gia đình ông Tư xuất ra thị trường khoảng 6.000 quả bưởi đỏ Luận Văn.
"Như vụ Tết năm 2022, gia đình tôi bán khoảng 6.000 quả. Với giá 80.000 đồng/quả tại vườn, vụ đó tôi thu nhập khoảng 500 triệu đồng. Bưởi đỏ có quả to nặng 1,5-1,8kg/quả, quả nhỏ nặng tầm 1kg. Năm nay, tôi dự kiến bán ra 6.000-7.000 quả. Giá bưởi đỏ năm nay có thể cao hơn so với mọi năm vì các nhà vườn mất mùa, sương muối và thời tiết bất lợi đã khiến trái bưởi bị rụng nhiều. Dự kiến, giá bưởi năm nay khoảng 100.000 đồng/quả to. Dù còn một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Quý Mão nhưng vườn nhà tôi đã có khách đặt khoảng 3.000 quả, ít hôm nữa họ sẽ về cắt", ông Tư chia sẻ.
Cũng theo chủ vườn Nguyễn Văn Tư, giống bưởi đỏ Luận Văn được trồng chủ yếu bằng phương pháp chiết cành. Ngoài trồng bưởi bán quả, ông Tư còn kiếm thêm thu nhập từ việc bán cây giống. Trung bình mỗi cây giống, ông Tư bán ra thị trường với giá từ 70.000 đến 100.000 đồng.
Để những quả bưởi đảm bảo chất lượng tốt vào đúng dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, thời điểm này, ông Tư đang cắt tỉa bớt những quả kém chất lượng và quả nhỏ.
Bưởi Luận Văn đỏ rực, mọng nước và có vị ngọt nhẹ, thanh mát, hương thơm đặc trưng khi chín.
Ông Tư chia sẻ, bưởi đỏ Luận Văn càng cổ thụ càng chất lượng so những cây còn non tuổi đời. Hiện tại vườn của gia đình ông có những gốc bưởi tuổi đời từ 10 đến 15 năm. Những gốc bưởi mập mạp, cao và rắn chắc.
Ông Lê Trung Hiếu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân cho biết, mặc dù là giống bưởi nức tiếng ở địa phương nhưng một thời bưởi Luận Văn có nguy cơ mất giống.
Năm 2005, giống bưởi Luận Văn được đưa vào chương trình khôi phục và phát triển cây ăn quả đặc sản của tỉnh Thanh Hóa. Đến năm 2010, toàn huyện Thọ Xuân trồng mới được 2.000 cây. Năm 2013, để bảo tồn và phát triển giống bưởi Luận Văn, được sự hỗ trợ của các ngành có liên quan, xã Thọ Xương đã tuyên truyền, vận động một số hộ nông dân có kinh nghiệm tham gia dự án bảo tồn và phát triển bưởi Luận Văn, đồng thời hỗ trợ về cây giống, phân bón, chuyển giao khoa học, kỹ thuật. Đến nay, toàn xã có trên 35ha bưởi Luận Văn.