Gần 40 năm đi tìm người điên về nuôi
Nhà ông Nhẫn nằm ngay mặt đường. Khi chúng tôi đến, có hai người đàn ông đang ngồi trước cửa. Thấy có khách, người đàn ông trẻ tuổi, mặc áo đỏ đứng dậy, đi về phía gốc cây gần đó để trốn. Thỉnh thoảng anh ngó ra nhìn khách rồi cười tủm tỉm.
Ông Phạm Văn Nhẫn (SN 1963). |
Chỉ tay về phía chàng thanh niên ấy, ông Nhẫn cho biết, anh tên Bình, được ông đón về nuôi 2 tháng nay, nhưng đến giờ Bình vẫn không nhớ được quê quán, cha mẹ của mình.
"Cách đây 2 tháng, vào lúc nửa đêm, người dân trong xã gọi điện cho tôi, báo có người nằm trong nghĩa trang xã Thanh Hải (huyện Thanh Liêm). Tôi phi xe đến thì thấy cậu này. Quần áo, đầu tóc cậu ấy lấm lem, hôi hám lắm. Tôi đưa cậu ấy về nhà, ép một cốc nước mía cho uống rồi đưa đi tắm, ăn cơm, sau đó chỉ phòng cho ngủ. Sáng hôm sau, tôi hỏi tên tuổi, quê quán nhưng cậu ta chỉ nhớ mỗi tên mình", ông Nhẫn nhớ lại cuộc gặp gỡ với Bình.
Từ đó đến nay, Bình được gia đình ông Nhẫn nuôi, chăm sóc như người thân trong nhà. "Cậu ấy ăn khỏe lắm, mỗi ngày 3 tô cơm to. Nhìn cậu ta, chẳng ai bảo có vấn đề về thần kinh, thế mà có nhớ được gì đâu", ông Nhẫn nói.
Anh Bình (áo đỏ) và ông Cường đang được cưu mang tại nhà ông Nhẫn. |
Bên cạnh anh Bình, một người đàn ông có đôi mắt buồn, liên tục nhìn xa xăm. Từ lúc chúng tôi đến, ông không nói lời nào, nhưng ông Nhẫn bảo, những lúc "lên cơn", anh ta gào, thét, đập chân đập tay dữ dội lắm.
"Ông ấy tên Cường (50 tuổi) ở với chúng tôi đã 14 năm rồi", ông Nhẫn giới thiệu.
Một buổi tối cách đây 14 năm, đang ở trong nhà, ông Nhẫn nghe tiếng gào thét ngoài đường. Mở cửa ra, ông thấy một người đàn ông ăn mặc rách rưới, mặt mũi đầy máu. Ông đưa vào nhà, cho đi tắm rửa, ăn uống. Sau đó, người đàn ông này nói với ông Nhẫn, quê của mình ở thị trấn Vôi (Lạng Giang, Bắc Giang).
Hôm sau, ông Nhẫn liên hệ địa phương, nhưng gia đình của ông Cường đã không còn ở đó. Vậy là, việc tìm kiếm thân nhân cho ông Cường rơi vào bế tắc. Gia đình ông Nhẫn thương tình, làm các thủ tục cần thiết để nhập khẩu cho ông vào nhà mình.
Cách đây mấy năm, ông Nhẫn nhận được một cuộc điện thoại. Phía đầu dây bên kia, người phụ nữ nhận là họ hàng của ông Cường, nhưng vì điều kiện xa xôi, chị không về thăm được. Một thời gian sau, người này mới thừa nhận là em gái của ông Cường.
"Năm ngoái, cô ấy về đây thăm. Lúc đó câu chuyện về ông Cường mới được làm rõ", ông Nhẫn kể.
Hóa ra, ông Cường bỏ nhà đi từ năm 1987. Gia đình đi tìm nhiều nơi không thấy, tưởng ông đã mất nên lấy ngày 30 Tết làm ngày giỗ của ông. Sau này, khi bố mẹ khuất núi, người em vào Nam xây dựng gia đình còn làm lễ đưa ông lên chùa. Không ngờ, ông Cường còn sống.
Hôm gặp gỡ, người em mừng mừng tủi tủi, nhưng vì nhiều lý do không thể đón anh về đoàn tụ. Người này lại nhờ ông Nhẫn tiếp tục cưu mang anh mình.
Ông Cường đã ở nhà ông Nhẫn được 14 năm. |
Nhiều người đến nhà ông Nhẫn, thấy cảnh người điên đứng ngồi, khóc cười ầm ĩ thì cám cảnh. Họ gọi ông là gàn dở, là bị "giời đày", bởi nuôi một người như vậy không đơn giản, huống hồ, họ chẳng máu mủ ruột già với gia đình ông. Thế nhưng, ông Nhẫn chỉ cười.
"Họ bị bệnh như vậy là đã khổ rồi. Mình giúp họ cũng là làm phúc cho mình”, ông Nhẫn nói.
Nghĩ thế nên từ năm 1984 đến nay, cứ dăm bữa nửa tháng, ông Nhẫn lại đưa một người điên về nhà chăm sóc. Căn nhà nhỏ, tuềnh toàng không đủ chỗ ở cho những người lạ, ông Nhẫn phải xây thêm phòng ở phần đất phía sau. Đợt nào đông quá, ông phải trải chiếu trên nền nhà để họ có chỗ nghỉ ngơi.
Đó là những người đi lang thang trên quốc lộ 1A, đoạn qua địa phận huyện Thanh Liêm, Hà Nam. Người dân thấy nên đưa về nhà ông hoặc gọi ông đến đón.
“Tôi cưu mang những người điên dại, đi lang thang gần 40 năm nay, nên bây giờ, cứ thấy trường hợp như vậy là người dân trong vùng gọi điện cho tôi. Tôi lại đi đón bất kể ngày đêm”.
“Cách đây không lâu, tôi cũng giúp đỡ một phụ nữ quê Hải Dương. Chị ta bị trầm cảm sau sinh, không mặc quần áo, cứ chạy trên đường. Bây giờ chị ấy được gia đình đón đi rồi”, ông Nhẫn kể lại.
Để tiện cho sinh hoạt, ông Nhẫn xây riêng một gian nhà nhỏ cho những người ông đưa về cưu mang. |
Theo lời ông Nhẫn, những người có thần kinh không bình thường được ông đưa về nhà cho ăn uống, ngủ nghỉ, sau đó, ông sẽ tìm thân nhân cho họ. May mắn, hầu hết những người được ông cưu mang, sau một thời gian đều được gia đình đón về. Trong đó có cả những người ở Quảng Ngãi, Lạng Sơn, Yên Bái, Bắc Giang…
Để có kinh phí làm những việc như vậy, ông Nhẫn bảo, vợ chồng ông cấy 1 mẫu ruộng. Ngoài ra, ông còn làm thêm nhiều việc khác như bán nước, sửa xe, chạy xe ôm …để mưu sinh, nuôi 4 đứa con.
Cuộc sống khó khăn nhưng cứ thấy những người như vậy đi lang thang là ông không cầm lòng được.
"Tôi giúp cho hàng trăm người rồi, nhưng không mong được đền đáp. Tôi cũng chẳng đòi hỏi gì từ thân nhân của họ". Nhưng bù lại, ông khoe, bản thân có tới cả chục con nuôi - là những người ông đã cưu mang, giúp đỡ.
Những ngày Tết hay nhà có việc, họ lại tập trung về khiến căn nhà nhỏ của ông thêm rộn tiếng cười.
Chia sẻ với PV VietNamNet, ông Trần Văn Tắm, Chủ tịch UBND xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, Hà Nam cho biết, gia đình ông Nhẫn không khá giả, thu nhập chủ yếu dựa vào đồng ruộng và một vài nghề phụ nhưng nhiều năm nay, ông Nhẫn liên tục có những hoạt động giúp đỡ người có vấn đề về thần kinh, đi lang thang trên địa bàn. Những người này được ông đưa về nuôi, chăm sóc sau đó tìm thân nhân giúp. Đây là hành động đáng quý. Và đáng ngưỡng mộ hơn là mọi chi phí giúp đỡ người đều do gia đình ông Nhẫn tự bỏ tiền túi ra làm. Đầu năm 2013, ông Nhẫn đã vinh dự được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam vì: “Đã có thành tích trong hoạt động nhân đạo và từ thiện”. |